Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thể hiện vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Bài 1: Quyết tâm vượt khó để phát triển ổn định, bền vững
Thứ hai, 11/12/2023 19:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tập thể cán bộ, đảng viên và người lao động Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã luôn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản theo kế hoạch đã đề ra, tiếp tục xây dựng Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn) là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với 101 công ty con và một lực lượng lao động lớn, khoảng hơn 82 nghìn người. Hiện nay, địa bàn hoạt động của Tập đoàn đóng trên 34 tỉnh, thành phố, trải dài từ Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung - Bắc Trung Bộ, đến khu vực miền núi phía Bắc và sang hai nước bạn CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia. Diện tích cao su Tập đoàn đang quản lý gần 394.782,05 ha.

Mặc dù, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và các yếu tố bất lợi như thời tiết, khí hậu, bệnh hại trên cây cao su diễn biến phức tạp, các cơ chế chính sách đối với ngành cao su chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, thị trường tiêu thụ truyền thống các sản phẩm của Tập đoàn bị ảnh hưởng do đứt gãy thương mại… song Tập đoàn vẫn quyết tâm, nỗ lực, thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

  Tổng diện tích cao su của Tập đoàn là 394.782,05 ha, trong nước gần 280.390,29 ha, nước ngoài 114.391,76 ha, Tập đoàn có 58 nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế đạt 608.400 tấn/năm

Đóng vai trò dẫn dắt trong  trồng, khai thác và chế biến cao su

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hà Văn Khương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn cho biết, với lợi thế quy mô lớn, năng suất cao và nhà máy chế biến đạt chuẩn xuất khẩu, trong nhiều năm qua Tập đoàn đã thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nông nghiệp trồng và chăm sóc, khai thác và chế biến cao su của cả nước, đặc biệt là hỗ trợ các hộ trồng cao su tiểu điền. Sản phẩm cao su thiên nhiên của Tập đoàn đóng góp tỷ lệ ngày càng tăng cao trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp cao su sản xuất trong nước như: vỏ xe, găng tay y tế, băng tải công nghiệp, nệm gối, bóng thể thao… giúp hạn chế nhập khẩu và đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cao su quốc gia. Đặc biệt, quá trình phát triển cao su ở Lào và Campuchia đã phát huy hiệu quả kinh tế đồng thời góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp.

Ngoài trồng, khai thác và chế biến cao su, việc đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) trên đất cao su là một trong những ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn. Đến nay, Tập đoàn đang đầu tư vào 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN. Các KCN đã đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận rất lớn cho Tập đoàn. Trong những năm gần đây, Tập đoàn và các đơn vị đang thực hiện thủ tục đầu tư và mở rộng thêm diện tích đất khu công nghiệp, nâng tổng diện tích các KCN của Tập đoàn lên 5.666 ha. Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2022 đến nay, hầu hết diện tích đất thương phẩm, nhà xưởng, kho bãi cho thuê, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Tập đoàn hiện còn có 5 công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp với các sản phẩm chính gồm: sản xuất lốp xe; nệm gối cao su, găng tay Khải Hoàn, bóng thể thao, chỉ sợi cao su, dây chuyền băng tải… Các sản phẩm này đã, đang khẳng định được uy tín trên thị trường, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy. Cùng với đó, các sản phẩm gỗ chủ yếu của Tập đoàn gồm gỗ phôi, ghép tấm, tinh chế và gỗ ván sợi MDF, với 18 nhà máy sản xuất (14 nhà máy sơ chế, ghép tấm và tinh chế, 4 nhà máy MDF) đã đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn.

 Với lợi thế quy mô lớn, năng suất cao và nhà máy chế biến đạt chuẩn xuất khẩu, trong nhiều năm qua Tập đoàn đã thực hiện vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nông nghiệp trồng và chăm sóc, khai thác và chế biến cao su của cả nước

Hiện nay, một mảng hoạt động cũng đang được Tập đoàn chú trọng đó chính là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là định hướng chiến lược của Tập đoàn nhằm tận dụng nguồn đất dồi dào, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tập đoàn đang triển khai thực hiện 12 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích là 3.776,67 ha (đã trồng 1.455,9 ha, chiếm 38,55%). Các dự án nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là trồng chuối, các loại cây có múi tại khu vực Đông Nam Bộ.

Quyết tâm đạt được các chỉ tiêu đã đề ra

Với các mảng kinh doanh nổi bật, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tập đoàn đặt ra mục tiêu phấn đấu tổng doanh thu đạt từ 135.000 - 165.000 tỷ đồng; Tổng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 25.000- 35.000 tỷ đồng; Tổng nộp ngân sách từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đạt từ 8.104.000 - 8.598.000 đồng/người/tháng.

Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu trên, đồng chí Hà Văn Khương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đảng ủy Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định, giữ vững các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đảng, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn Tập đoàn. Đảng ủy Tập đoàn đã kịp thời ban hành các Nghị quyết chuyên đề và các kết luận để lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, triển khai nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm, phát huy trí tuệ của tập thể để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị - hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về kết quả thực tế, trong nửa nhiệm kỳ qua, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt được là 65.781 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 13.964 tỷ đồng, nộp ngân sách 10.435 tỷ đồng. Trong đó, Năm 2021 doanh thu đạt 28.351 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.212 tỷ đồng, nộp ngân sách 5.336 tỷ đồng; năm 2022 doanh thu đạt 28.308 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.701 tỷ đồng, nộp ngân sách 4.299 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu đạt 9.122 tỷ đồng, lợi nhuận 2.050 tỷ đồng và nộp ngân sách 800 tỷ đồng. Ước cả năm 2023 doanh thu hợp nhất đạt khoảng 24.399 tỷ đồng.

Về thu nhập bình quân giữa nhiệm kỳ vừa qua cả Tập đoàn đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong năm 2023, mức thu nhập bình quân của người lao động tại Tập đoàn có thấp hơn một chút so với bình quân giữa nhiệm kỳ.

Trước những khó khăn trên thực tế hiện nay, Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động, linh hoạt

Đây cũng là khó khăn chung ở hầu hết các lĩnh vực không riêng gì ngành cao su. Bởi những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua khá nặng nề bên cạnh đó còn do tình hình bất ổn về kinh tế, xã hội, địa chính trị thế giới, khu vực đã và đang khiến cho Tập đoàn đang phải đối mặt với thách thức không hề nhỏ.

Trước những khó khăn trên thực tế, để thực hiện cao nhất có thể các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thỏa thuận và Đại hội đồng cổ đông thường niên giao, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, đòi hỏi Tập đoàn phải quyết tâm cao độ. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động, linh hoạt.

Đối với kế hoạch của cả nhiệm kỳ, theo đồng chí Hà Văn Khương, để đạt mức chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tối thiểu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX, thì Tập đoàn phải hoàn thành kế hoạch năm 2023, đồng thời cần xây dựng và thực hiện kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế bình quân/năm là 25.407 tỷ đồng và 4.116 tỷ đồng cho năm 2024 và 2025. Còn để hoàn thành các chỉ tiêu ở mức tối đa theo Nghị quyết Đảng bộ Tập đoàn khóa IX, thì kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân/năm của năm 2024 và năm 2025 phải đạt mức tối thiểu/năm là 40.407 tỷ đồng và 9.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo trong thời gian tới không thuận lợi, với điều kiện thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên thì mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế cần phải phấn đấu cho thời gian còn lại để đạt mức tối đa cho cả nhiệm kỳ là khó khả thi.

Sở dĩ khó khả thi trong việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu ở mức tối đa, đồng chí Khương cho rằng, do khi xây dựng các chỉ tiêu trình Đại hội chưa lường hết những yếu tố bất lợi phát sinh như Đại dịch COVID - 19 và những khó khăn, rủi ro, bất ổn về kinh tế, xã hội, địa chính trị thế giới, khu vực, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, thương mại toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Tập đoàn (mủ cao su, sản phẩm từ gỗ củi cao su). Ngoài ra, biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát cho nền kinh tế, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, giá bán sản phẩm liên tục suy giảm...

Mặc dù thực tế hiện nay đối với Tập đoàn là khó có thể đạt được mức tối đa như mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ song đồng chí Hà Văn Khương cho rằng, nếu các cơ chế chính sách đối với ngành cao su được tháo gỡ, đồng thời Tập đoàn tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản trị hiệu quả, phát huy tối đa các thế mạnh, nguồn lực hiện có của Tập đoàn, đặc biệt về khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, thì cả 03 chỉ tiêu sản xuất kinh doanh về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách ở mức tối thiểu thì Tập đoàn đều có khả năng thực hiện được./.

Bài, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực