Tất cả các thị trường du lịch trên thế giới đều có dấu hiệu phục hồi

Thứ sáu, 24/06/2022 11:16
(ĐCSVN)- Theo thông báo tại Hội nghị Ngành Du lịch Thế giới 2022 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 23-25/6/2022, tới nay mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa du lịch hoàn toàn, tuy nhiên tất cả các thị trường du lịch trên thế giới đều có dấu hiệu phục hồi bắt đầu từ quý I.

Hội nghị Ngành Du lịch Thế giới 2022  diễn ra cùng thời điểm với Hội chợ Du lịch Quốc tế Seoul lần thứ 37. Hội nghị bao gồm các Diễn đàn Lãnh đạo Du lịch, chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, các triển lãm du lịch tại hai thành phố Seoul và Ulsan.

Theo những dữ liệu du lịch cập nhật và xu hướng du lịch mới, 3 tháng đầu năm 2022, khách du lịch quốc tế tăng 182% so với năm 2021. Trong đó thị trường châu Âu phục hồi mạnh nhất. Tất cả các thị trường đều có dấu hiệu phục hồi trong Quý I, tuy nhiên tốc độ của khu vực châu Á- Thái Bình Dương chậm hơn các khu vực khác do nhiều thị trường gửi khách quan trọng vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Cắt băng khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Seoul lần thứ 37

Tính đến ngày 10/6, mới chỉ có 49 quốc gia trên thế giới mở cửa hoàn toàn và không còn các quy định hạn chế liên quan đến COVID-19, trong đó có Việt Nam.

Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, du lịch có thể phục hồi từ 50-70% trong năm 2022. Theo khảo sát của UNWTO, khoảng 50% các chuyên gia du lịch nhận định thế giới sẽ phục hồi với mức 2019 trong năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi của khu vực châu Á- Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm hơn, trong năm 2024.

UNWTO đã triển khai nhiều hoạt động, nhiệm vụ, giải pháp để giảm tác động và phục hồi sau COVID-19. Trong đó có việc thành lập Uỷ ban Khủng hoảng du lịch toàn cầu; xây dựng Hướng dẫn toàn cầu về phục hồi du lịch trong năm 2020; hợp tác với IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) hình thành hệ thống tracking điểm đến để thống kê các yêu cầu về nhập cảnh, y tế dành cho du lịch. Xây dựng nhiều báo cáo về hỗ trợ kỹ thuật phục hồi COVID-19 và định hướng phát triển du lịch theo xu hướng hiện nay (du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…); sáng kiến Làng Du lịch tốt nhất 2021; thảo luận cấp cao về du lịch tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng 5/2022; định hướng và khuyến nghị cho tương lai.

Bên cạnh đó, UNWTO cũng nghiên cứu và định hướng phát triển du lịch để thích ứng với các thay đổi về hành vi và nhu cầu của khách du lịch. Trong đó chỉ rõ, nhu cầu của khách du lịch và xu hướng phát triển của thế giới có nhiều thay đổi: chuyến đi ngắn hơn, quan tâm an toàn, tránh quá tải du lịch, thận trọng hơn khi mua dịch vụ, ứng dụng công nghệ số nhiều hơn.

Việc hỗ trợ điểm đến và cộng đồng cũng được UNWTO quan tâm, triển khai. Trong ngắn hạn sẽ tạo việc làm, mở cửa an toàn, tận dụng những điểm tốt của khoảng lặng du lịch. Trong dài hạn sẽ phát triển sản phẩm, đẩy mạnh vai trò của cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức du lịch, ứng phó với các xu hướng tăng trưởng hoặc sụt giảm… Hỗ trợ các bên cung cấp dịch vụ: hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, marketing thông minh, thích ứng với các sản phẩm và dịch vụ mới; hỗ trợ vốn phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng và các chương trình định hướng giới trẻ...

Phát biểu tại sự kiện, Trưởng đoàn Việt Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: Hoạt động du lịch Việt Nam kể từ sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15/3 rất sôi động. Trước đó, Việt Nam đã thí điểm kế hoạch mở cửa lại du lịch quốc tế vào tháng 11/2021. Tại thời điểm này, các chính sách du lịch được áp dụng gần giống như trước đại dịch: không cách ly; không test COVID-19, không cần chứng nhận tiêm chủng; không khai báo sức khỏe trước khi nhập cảnh….

Hiện nay, Việt Nam sẽ tập trung phát triển du lịch an toàn, hướng tới mục tiêu mở cửa hoàn toàn ngành Du lịch nhưng vẫn giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch và diễn biến của đại dịch để linh hoạt ứng phó bất cứ lúc nào.

“Một số sản phẩm du lịch được chú trọng là: du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên, cộng đồng và du lịch sinh thái; vừa góp phần bảo vệ môi trường bền vững, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, chúng tôi đang tìm kiếm một số tiềm năng cho các sản phẩm du lịch ngách liên quan đến sức khỏe như chăm sóc sức khỏe, spa, suối nước nóng, du lịch yoga”, ông Hà Văn Siêu nói.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết cho sự tăng trưởng bền vững của ngành Du lịch, bằng chứng tuyệt vời là việc tổ chức sự kiện du lịch quốc gia lớn nhất- Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, cũng như hỗ trợ các dự án du lịch bền vững, có khả năng phục hồi. Chúng tôi đang thực hiện các kế hoạch truyền thông “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Và một trong những ưu tiên của cơ quan quản lý du lịch quốc gia là nghiên cứu và hướng dẫn chính quyền địa phương xác định lại và xây dựng thương hiệu các điểm đến, cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực