Tết trên công trường thủy điện Sơn La

Thứ hai, 08/02/2010 15:07

    Công nhân đang thi công trên công trường

(ĐCSVN) - Trong khi mọi người đang hối hả sắm Tết thì trên đại công trường thủy điện Sơn La, không khí thi đua lao động đang thực sự “nóng”. Hàng chục nghìn tấn thiết bị, trong đó có những thiết bị siêu trường siêu trọng đã được Lilama 10, đơn vị lắp đặt thiết bị Nhà máy Thủy điện Sơn La chuyển đến chân công trình. Tất cả đang được gấp rút thi công vì mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2010.

Năm 2010: Tăng tốc

Nhìn từ xa, đại công trường thủy điện Sơn La trông thật lặng lẽ, yên bình bên dòng sông Đà. Nhưng lại gần hơn, sẽ thấy hàng ngàn cán bộ công nhân đang làm việc không ngừng nghỉ dưới ánh đèn, cả trong những ngày Xuân Canh Dần sắp đến. Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh - Giám đốc chi nhánh Sơn La, công ty Cổ phần Lilama 10 cho biết: đến thời điểm này, mọi công việc đang được tiến hành rất khẩn trương. Năm 2010 là năm Lilama có khối lượng công việc nặng nề nhất. Để đảm bảo cho tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm 2010, đúng như giao ước, Lilama phải lắp đặt khoảng 23.000 tấn thiết bị. Đây là khối lượng lắp đặt nhiều và phức tạp hơn do một số hạng mục phải thi công ngày càng lên cao và đòi hỏi công nghệ mới hiện đại hơn: lắp đặt 4.099 tấn thiết bị xả mặt đập tràn, cửa nhận nước 3.205 tấn, lắp đặt 5.906 tấn thiết bị nhà máy.…Trong đó, kế hoạch cụ thể của quý I/2010 sẽ bàn giao toàn bộ hạng mục xả sâu đập tràn để vận hành chính thức cuối tháng 2/2010; bàn giao tuyến ống áp lực tổ máy số 5, số 6 vào tháng 2/1010 và tháng 3 bàn giao công tác lắp đặt buồng xoắn tổ máy số 5, số 6; tổ hợp stato máy phát tổ máy 1 ngày 2/01/2010; lắp đặt Roto tổ máy 1 ngày 15/8/2010. Hiện tại, 1700 lao động của Lilama đang làm việc 3 ca liên tục trên công trường.

Vừa làm việc, vừa đón xuân

Dẫn đoàn phóng viên lên tận đỉnh đập trên độ cao 168 m, nơi hơn 50 công nhân của Lilama đang thi công lắp đặt cửa khe van sửa chữa sự cố và thiết bị cửa nhận nước, anh Chu Đức Triệu - Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Lilama 10 cho biết: Đây là nơi công nhân Lilama phải làm việc rất vất vả, vì thi công trên độ cao, đi lại khó khăn. Nhưng vẫn chưa hết, nhìn sang bên kia đập ở độ cao 220m, cũng có mấy chục công nhân Lilama đang thi công khe van xả mặt đập tràn. Đó mới là nơi khó khăn nhất trong công tác lắp máy. Mỗi ngày, hàng chục chiếc cần cẩu hạng nặng từ 500 tấn đến 2200 tấn vẫn đưa hàng trăm tấn thiết bị lên để kịp tiến độ lắp đặt. Đứng từ trên đỉnh đập nhìn xuống, thủy điện Sơn La thực sự là một đại công trường. Hàng nghìn công nhân đang làm việc hối hả, tất cả vì mục tiêu dòng điện đầu tiên vào cuối năm 2010. Nếu mục tiêu đó thành hiện thực, tức là phát điện trước 2 năm theo dự kiến, sẽ tiết kiệm được cho Nhà nước 1 tỷ đô la.

Tới đây, Lilama sẽ huy động thêm khoảng 400 người nữa đang làm việc 3 ca liên tục trên công trường, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật. Tết Canh Dần năm nay, sẽ có khoảng 400 cán bộ công nhân ở lại ăn Tết trên công trường. Trên độ cao 168m, công nhân Nguyễn Thạc Phúc ở Đan Phượng (Hà Nội ) kể : “Đã hơn 1 năm làm việc ở công trường thủy điện Sơn La nên em rất quen với công việc, áp lực và sự bận rộn. Cảm giác vừa đón Tết vừa làm việc cũng rất thú vị nên nếu có tên trong danh sách ở lại, em rất vui vẻ”.

Con đường đến với công trường thủy điện nhộn nhịp hơn đúng vào ngày chúng tôi đến. Đoàn xe siêu trường siêu trọng của công ty vận tải Vietranstimex đang vận chuyển máy biến áp nặng 282 tấn (thiết bị do Alstom cung cấp) lên công trường. Đây là một trong những thiết bị nặng nhất, công tác vận chuyển khó khăn do phải “tăng bo” qua nhiều khâu đường thủy lẫn đường bộ. Chiếc máy biến áp đầu tiên cho tổ máy số 1 được vận chuyển đến trong niềm hân hoan của tất cả mọi người. Bởi đây là thiết bị siêu trọng lớn thứ ba sau trục tua bin 208 tấn và bánh xe công tác 210 tấn đã được vận chuyển lên, phục vụ cho lắp đặt hoàn thiện tổ máy số 1. Dự kiến, tháng 4/2010 sẽ tiến hành lắp đặt trục tua bin, bánh xe công tác và tháng 5/2010 sẽ lắp đặt máy biến áp. Việc lắp đặt những thiết bị siêu trọng này đòi hỏi công sức rất lớn của những “siêu” đội quân lắp máy trên công trường.

Kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, một trong những người bận rộn nhất trên công trường chia sẻ: “ Đã tham gia thực hiện 6 công trình thủy điện khác nhau, nên sự bận rộn, khẩn trương dường như đã ngấm vào máu. Tiếng ầm ầm của máy móc, sự sôi động trên công trường đã quen thuộc đến mức mỗi lần về nhà nghỉ ngơi lại thấy im ắng quá, thấy buồn, nhớ công trường”. Năm nay, cùng với bánh trưng, rượu, thịt…những món không thể thiếu được trong ngày tết thì các món ăn tinh thần cũng được chuẩn bị chu đáo để công nhân vơi đi nỗi nhớ nhà. Tết năm nào lãnh đạo công ty cũng đến chúc tết công nhân, bên đốm lửa hồng, mọi người cùng nắm tay nhau hò hát, động viên nhau cùng quyết tâm làm việc vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Chính sự hăng say trên công trường của người lao động mỗi ngày, mỗi tháng, diện mạo của công trình thủy điện Sơn La đã dần hiện ra hoành tráng và kỹ vĩ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực