Thái Nguyên: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách thuế sau bão số 3

Thứ sáu, 04/10/2024 08:02
(ĐCSVN) – Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên phải đối mặt với những tổn thất nặng nề. Để giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho người nộp thuế, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai.
Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng  hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau thiên tai. (Ảnh: M.P) 

Áp lực của doanh nghiệp trước những thiệt hại nặng nề

Theo thống kê của tỉnh Thái Nguyên, bão Yagi và mưa lũ do hoàn lưu bão đã gây thiệt hại ước tính trên 780 tỷ đồng. Nhiều chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, khiến doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn nay chồng thêm khó khăn. Các cơ sở sản xuất bị ngập lụt, hàng nghìn tấn hàng hóa trong kho bị hư hỏng, nhiều máy móc và thiết bị bị hỏng hóc, ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi của các doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, toàn bộ kho giấy, vở và các vật dụng văn phòng phẩm của Công ty TNHH Ánh Dương - doanh nghiệp chuyên kinh doanh văn phòng phẩm tại thành phố Thái Nguyên - đã bị ngập trong biển nước mênh mông và hư hỏng không thể sử dụng. Tổng thiệt hại của doanh nghiệp này ước tính gần 3,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương, cho biết: "Mưa bão và ngập lụt đã khiến kho hàng của chúng tôi bị ngập ướt, toàn bộ sản phẩm dự trữ đều bị hỏng và không thể tái sử dụng, gây thiệt hại lớn về tài sản”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, kho hàng của Công ty TNHH Khánh Vinh - một nhà phân phối các sản phẩm sữa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - cũng ngập sâu trong nước lũ tới 1,2m, làm hỏng khoảng 50 tấn hàng hóa, với tổng thiệt hại hơn 3 tỷ đồng.

Không nén nổi xót xa, bà Vũ Thị Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Vinh chia sẻ: "Chúng tôi đã mất phần lớn hàng hóa lưu tại kho chờ phân phối do ngập lụt. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh".

Theo thống kê từ Chi cục Thuế thành phố Thái Nguyên, trên địa bàn thành phố đã có 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do ngập lụt. Ông Đỗ Xuân Tám, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Thái Nguyên cho biết: “Nhiều kho hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn đã bị ngập hoàn toàn, thiết bị máy móc điện tử cũng bị hư hỏng nặng, với thiệt hại ước tính từ 5 - 10 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp. Những tổn thất này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đe dọa đến sự tồn tại của nhiều đơn vị”.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ dễ dàng nhất

Trước những thiệt hại nặng nề mà các doanh nghiệp tại Thái Nguyên phải gánh chịu, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Các chính sách này bao gồm miễn, giảm và gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP về các giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3; chỉ đạo của Tổng cục Thuế  tại công văn 4062/TCT-CS ngày 13/9/2024 về hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ tổ chức, các nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão gửi 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, trong đó có Thái Nguyên, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ, nhằm bảo đảm các doanh nghiệp bị thiệt hại có thể tiếp cận các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Bà Triệu Thị Kim Yến, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các buổi hội nghị và gặp gỡ trực tiếp với doanh nghiệp tại các khu vực chịu thiệt hại do bão lũ. Chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể về các chính sách hỗ trợ thuế, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin qua các kênh như website và văn bản gửi trực tiếp tới các doanh nghiệp”.

Cục Thuế cũng đã chỉ đạo các phòng chức năng và chi cục thuế tại địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện rà soát các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Việc xác định rõ giá trị thiệt hại, từ đó, hỗ trợ kịp thời qua các biện pháp miễn, giảm và gia hạn nộp thuế là ưu tiên hàng đầu. Các bộ phận chức năng đã tích cực phối hợp để giúp doanh nghiệp chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ miễn, giảm hoặc gia hạn thuế, bảo đảm tiến độ giải quyết hồ sơ nhanh chóng, đúng quy định.

Bà Triệu Thị Kim Yến cho biết thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi thiên tai có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ một cách dễ dàng. Việc tuyên truyền và hướng dẫn chính sách đã được chúng tôi triển khai dưới nhiều hình thức. Đồng thời, các cán bộ thuế luôn sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ”.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là quá trình hoàn thiện hồ sơ thống kê thiệt hại. Hồ sơ này phải có sự xác nhận của nhiều cơ quan liên quan như UBND xã, phường, Công an địa phương và các cơ quan tài chính, giám định độc lập. Đây là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và nhanh chóng của các bên liên quan, nhưng cũng gây ra không ít trở ngại cho doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hường, mặc dù đã được cán bộ thuế hướng dẫn rất chi tiết, công ty của bà vẫn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ do phải chờ đợi sự giám định thiệt hại từ các cơ quan chức năng. Điều này làm chậm quá trình tiếp cận các chính sách hỗ trợ, gây khó khăn trong việc khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Tương tự, bà Vũ Thị Hoàn cũng cho biết, các thắc mắc của bà đều được cán bộ thuế giải đáp rõ ràng, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là phải đợi kết quả giám định mức độ thiệt hại từ các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ khi có kết quả giám định, Công ty TNHH Khánh Vinh mới có thể hoàn thiện hồ sơ để được hưởng các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế.

Trước thực trạng này, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy nhanh quá trình rà soát, phối hợp các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Đồng thời, Cục cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Ông Đỗ Xuân Tám cho biết: "Chúng tôi đã triển khai các buổi khảo sát thực tế để đánh giá tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp trên địa bàn. Điều này giúp chúng tôi nắm rõ mức độ thiệt hại thực tế và đảm bảo rằng các doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước".

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời của cơ quan Thuế, doanh nghiệp đã bước đầu được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cũng nhìn nhận rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai là một quá trình dài hạn. Trong thời gian tới, Cục Thuế Thái Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại mà còn hỗ trợ họ trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững, ứng phó tốt hơn với các rủi ro thiên tai.

Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên khẳng định, sẽ tiếp tục lắng nghe, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, góp phần không chỉ vào sự phục hồi sau thiên tai mà còn vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực