Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư​

Thứ năm, 29/10/2020 09:58
(ĐCSVN) – Có lợi thế nằm ở vị trí giao thoa về kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, với nhiều tuyến giao thông trọng điểm chạy qua như QL47, 47B, 47C, đường Hồ Chí Minh… Những năm qua, huyện Thọ Xuân đã có nhiều bứt phá trong thu hút đầu tư với nhiều dự án trọng điểm, môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương không ngừng được cải thiện.​
leftcenterrightdel
Một góc đô thị của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa 

Cơ chế chính sách cụ thể, thiết thực

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, địa phương đã kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận trả kết quả cấp huyện, cấp xã; rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với 164 thủ tục hành chính cấp huyện; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm của Trung ương trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của địa phương ước đạt hơn 23.000 tỷ đồng (gấp 1,7 lần giai đoạn 2011 – 2015); cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp và dân cư. Thu hút 72 dự án đầu tư của các doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 7.346 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.059 ha.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo nền tảng hướng đến phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn. Hệ thống giao thông được tập trung đầu tư nâng cấp; nhiều tuyến đường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Đường Cầu Kè - Thọ Xuân; đường 506B (đoạn Thọ Lập - Lam Kinh; đường vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lê Hoàn và một đoạn QL 47B)…; một số tuyến đường lớn đang được triển khai đầu tư như: Đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, đường nối QL 47 với QL 45 và QL 217,…; giao thông nông thôn phát triển nhanh, đến nay tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn đạt trên 93%.

leftcenterrightdel

 Nhiều nhà xưởng đang mọc lên hàng ngày trên các trục giao thông từ thị trấn Thọ Xuân đi

Lam Sơn - Sao Vàng

Cùng với đó, nhiều dự án, công trình trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao được đầu tư xây dựng như: Nhà truyền thống, Nhà thi đấu, Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế huyện; xây mới, sửa chữa 116 trường học, 39 trạm y tế, 40 công sở các xã, thị trấn), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Công tác quy hoạch, xây dựng đô thị đạt kết quả tích cực; Quy hoạch vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 đã được phê duyệt và đang tập trung triển khai thực hiện; thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và vùng phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV; đô thị phố Đầm xã Xuân Thiên, xã Xuân Lai đạt tiêu chí đô thị loại V. Hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, diện mạo các đô thị, khu vực trung tâm các xã có nhiều khởi sắc...

leftcenterrightdel
 Những năm qua hạ tầng giao thông của Thọ Xuân không ngừng mở mang nhằm mời gọi đầu tư từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Song song với công tác quy hoạch, huyện Thọ Xuân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ Đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020, trong 5 năm đã thành lập mới 730 doanh nghiệp, đến năm 2020 ước có 1.070 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động. Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp được nâng lên, giai đoạn 2016 - 2020 các doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 136 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Các hợp tác xã được kiện toàn và hoạt động hiệu quả hơn, tổng thu nhập từ sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã đạt hơn 184 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt gần 20 tỷ đồng/năm.

Nâng cao chất lượng nhân lực - định hướng chiến lược

Xác định nguồn nhân lực là chìa khóa nền tảng để thành công, địa phương đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước. Đến nay, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn: Về chuyên môn: Trung cấp 8,26%, Cao đẳng 8,44%, Đại học 80,95%, Thạc sỹ 2,35%; Về lý luận chính trị: Trung cấp 30,9%, Cao cấp gần 2%. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 7,3%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt từ 92 đến 99%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên được chú trọng, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Việc biểu dương, khen thưởng cho học sinh và giáo viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi được triển khai đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Cùng với việc năng cao chất lượng, công tác đào tạo nghề cho lao động có nhiều chuyển biến tích cực, trong 5 năm qua, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, học tập, đào tạo nghề cho trên 17 nghìn lao động, chủ yếu là các nghề: xây dựng, cơ khí, may mặc, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi - thú y,... đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện...

leftcenterrightdel
 Trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, huyện Thọ Xuân đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư thời gian tới, địa phương chúng tôi đã có những phương hướng của giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời tăng cường việc khai thác, phát huy, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển; tăng sức cạnh tranh cho năng suất lao động. Tập trung đột phá trong các chương trình trọng tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư và các dự án vào địa phương.

Thọ Xuân sẽ tiếp tục đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa đi đôi với nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao; đẩy mạnh tìm đầu ra cho cây nguyên liệu đặc biệt là cây mía; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và thực hiện chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“…Tập chung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện một số công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để có thể đáp ứng tốt được yêu cầu thu hút đầu tư...Đây cũng là một trong các định hướng chiến lược mà huyện Thọ Xuân đề ra và lên lộ trình triển khai, việc này sẽ giúp địa phương tiếp tục năng cao năng lực cạnh tranh  đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư lớn về địa phương” – Đồng chí Hoàng Văn Đồng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực