Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro trong ứng dụng blockchain

Thứ hai, 30/10/2023 18:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Để công nghệ blockchain trở thành một trong các trụ cột góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 của thời đại, Việt Nam cần nhanh chóng phổ cập kiến thức và ứng dụng công nghệ blockchain trong mọi ngành kinh tế, kỹ thuật và quản lý xã hội.

Vinh danh các sản phẩm thương hiệu đổi mới 2023

Sáng 30/10, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro trong ứng dụng blockchain” nhằm thúc đẩy tiến trình ứng dụng blockchain và đẩy mạnh giáo dục blockchain trong khối các trường Đại học và Tổ chức giáo dục.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo (VIIE) 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội.

Ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh: “Thúc đẩy ứng dụng blockchain đã được chứng minh là điều cần làm và thực sự mang lại những kết quả đáng kể trong tiến trình đổi mới sáng tạo và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Trong tiến trình này, đào tạo blockchain được coi là chìa khóa quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức toàn diện, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và hội nhập nhanh chóng với thế giới. Bên cạnh đó, việc quản trị rủi ro cũng cần được các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân coi trọng, nhằm đảm bảo việc ứng dụng công nghệ blockchain đạt được các lợi ích như mong muốn, tránh được các rủi ro về chi phí đầu tư, vận hành không đáng có.”

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ, thảo luận sâu về vai trò của blockchain trong tiến trình đổi mới sáng tạo và các ứng dụng nổi bật, các hoạt động của sàn giao dịch tập trung, phi tập trung và các ứng dụng regtech đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp blockchain.

Đối với nội dung về giáo dục, thì sự cần thiết, mô hình đào tạo, chất lượng giáo trình, giảng dạy và sự liên kết giữa nhà trường - cơ sở đào tạo - và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng từ đào tạo tới việc làm sau đào tạo cho học viên là những vấn đề được các diễn giả đặt ra.

 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ tại hội thảo (Ảnh: HNV)

Đặc biệt, để thúc đẩy quá trình ứng dụng và đào tạo blockchain, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) với Quỹ chống hàng giả (AFC), Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Học viện Kỹ thuật Quân sự, Mạng lưới Hub Network, Nền tảng học tập trực tuyến Medoo, Quỹ VietCan StartUp, U2U Foundation và Nền tảng học tập Edutek.

Chương trình có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Thành Đoàn Hà Nội, Hiệp hội chống Hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu TP Hà Nội, các Trường Đại học Ngoại thương, Ngân hàng, Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị giáo dục uy tín, các doanh nghiệp công nghệ - tài chính - pháp lý, các startup, quỹ đầu tư, cá nhân trong và ngoài nước như AlphaTrue, AC communications, Onyx, Spores Network...

 Các diễn giả trao đổi tại hội thảo (Ảnh: HNV)

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về đào tạo nhân lực blockchain cũng như ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc: NTC, NFT và NFCT... Qua đó, các diễn giả, chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ về bức tranh toàn cảnh, vai trò và tầm quan trọng của giáo dục đào tạo trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain; cách thức đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như theo sát được nhu cầu thị trường lao động, giúp các bạn sinh viên, học viên được đào tạo bài bản, nhưng sát thực tế và tiếp cận được cơ hội việc làm như mong muốn đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng Việt Nam...

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) được coi là bộ công cụ đo lường, đánh giá năng lực phát triển của các nền kinh tế, thậm chí nhiều quốc gia xem GII như chỉ số tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về GII năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Để đạt được kết quả đó, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông quan phát triển các công nghệ hiện đại. Trong đó, blockchain cùng Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), Big Data, giữ vị trí đứng đầu trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 theo Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực