Xung quanh những vấn đề quan trọng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT có chính sách gì để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất gắn được với thị trường ?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Từ khi gia nhập vào WTO năm 2007 cho đến nay, chúng ta đã chủ động hội nhập và đã tham gia được 10 hợp tác thương mại tự do. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành cam kết để đi đến bước ký kết một số các hiệp định thương mại tự do. Điều này cho thấy về mặt mở thị trường, chúng ta rất chủ động. Trên thực tiễn, năm nay hết sức khó khăn cho ngành nông nghiệp, thiên tai diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn, mặn đầu năm; khô hạn ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm nay khả năng cán đích trên 31 tỷ USD; trong đó thặng dư tuyệt đối năm nay khả năng vượt trên 7 tỷ USD. Điều này cho thấy, về mặt khai thác thị trường, chúng ta đã có cố gắng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao hơn, đòi hỏi chúng ta cần cố gắng nhiều.
Về mặt thị trường nhập khẩu, chúng ta cần thiết kế các giải pháp kỹ thuật mang tính phù hợp với hội nhập quốc tế, để đảm bảo hợp pháp cho thị trường nội địa 92 triệu dân của chúng ta; trên cơ sở đó thúc đẩy sản xuất ở trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta mở thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do đã tốt nhưng khai thác từng nhóm thị trường vẫn chưa hết tiềm năng. Ví dụ, mặt hàng thịt lợn, sữa, rau quả, nếu chúng ta có các hợp đồng chính thức cấp nhà nước thì Trung Quốc vẫn là một trường rất rộng, chúng ta có thể mở nhanh được tổng sản lượng xuất khẩu, hoặc những thị trường khó tính như thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thì tiềm năng của các mặt hàng nông sản của chúng ta vào các thị trường này vẫn còn. Trên cơ sở này, chúng ta cố gắng nhiều ở từng nhóm đối tượng ngành hàng, từng nhóm thị trường để có những giải pháp tích cực.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, ngành khác đang tập trung vào việc phát triển thị trường. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tập trung vào thị trường Úc, làm việc với phía bạn và bước đầu đã được chấp nhận để cho chúng ta xuất khẩu tôm nguyên con. Nếu như mở được thị trường này thì sản phẩm tôm của chúng ta đi Úc sẽ mở rộng hơn và thị trường Úc – một khi được mở cũng tạo tiền đề tốt cho sản phẩm chúng ta xuất khẩu sang các thị trường khác.
PV: Các hợp tác xã (HTX) kiểu mới có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ người nông dân sản xuất và hội nhập. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Việc hình thành HTX kiểu mới theo tinh thần Luật Hợp tác xã 2012 là chủ trương đòi hỏi tính tích cực trong việc thực hiện. Hiện nay, nền nông nghiệp của nước ta đang có quy mô hộ nhỏ lẻ với 13,8 triệu hộ nhỏ; chúng ta có 74 triệu mảnh ruộng nhỏ. Nếu để người nông dân tự sản xuất và làm đơn lẻ thì rất khó để chúng ta hội nhập được với thế giới.
Vì vậy, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, bên cạnh thành tố là doanh nghiệp, cần có các tổ chức sản xuất của người nông dân. Người nông dân đoàn kết lại, xây dựng thành các tổ đội, các HTX kiểu mới. Trên cơ sở đó, xây dựng quy mô sản xuất hàng hóa lớn dần, tạo điều kiện để ứng dụng khoa học công nghệ. Thông qua điều này, chúng ta hình thành mô hình liên kết rộng hơn, bền chặt hơn, để đưa sản phẩm đi vào thị trường thế giới, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.
PV: Như phản ánh của một số doanh nghiệp, việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT có những giải pháp nào để khắc phục?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Gần đây, đã có khoảng 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn; một loạt các doanh nghiệp khác đã bắt đầu tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách của chúng ta đã bước đầu đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, chính sách chúng ta đưa ra nhiều, nhưng có những chính sách vẫn còn bất cập. Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách, việc cải cách hành chính của một số các đơn vị vẫn còn những hạn chế. Với Bộ NN&PTNT, hiện nay, Bộ đang tiếp tục cải cách hành chính, theo đó, các cơ quan quản lý phụ trách những ngành đầu vào nhằm để quản lý tốt hơn, các cơ quan cấp phép thủ tục hành chính làm sao để các thủ tục phải tinh gọn và hiệu quả hơn, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Thông qua đó nhằm thúc đẩy chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và khuyến khích chính sách của chúng ta đi vào cuộc sống tốt hơn.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết, về phía Bộ NN&PTNT có chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra những chính sách khuyến khích và tập trung cải cách hành chính. Về vấn đề tập trung cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quá trình xây dựng Nông thôn mới, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các ngành nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210. Đây là Nghị định quan trọng, tập trung các chính sách ưu tiên dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT với một số bộ, ngành khác trong thời gian ngắn, tham mưu, chỉnh sửa để Chính phủ có thể ban hành Nghị định mới này. Bên cạnh đó, các nút thắt khác về đất đai, tín dụng, chính sách ngân hàng,…chúng ta đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cố gắng đưa ra được những chính sách mang tính đột phá tích cực, sát với thực tiễn để làm sao thu hút được doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và cả bà con nông dân tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!