Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội

Thứ sáu, 07/04/2023 20:28
(ĐCSVN) – Hội thảo phân tích, làm rõ thêm cơ hội, thách thức đặt ra, đặc biệt đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn tới; làm rõ những giải pháp, nhất là những giải pháp có tính đột phá nhằm tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045...

Ngày 7/4, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam". GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập, đóng góp những ý kiến xác đáng của các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu phục vụ cho Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII sắp tới về tổng kết, đánh giá hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020; kiến nghị, đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm góp phần bảo đảm nguồn lực tài chính cho tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người.

 

 Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đoàn Xuân Thủy, Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực thực hiện các chính sách xã hội, ban hành nhiều chính sách xã hội nhằm giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc và nổi bật nhất; thực hiện việc phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách và suốt quá trình phát triển. Kết quả huy động nguồn lực tài chính đã góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện các chính sách an sinh xã hội tốt hơn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về thực hiện chính sách việc làm, thu nhập: Trong giai đoạn 2012-2019, bình quân hằng năm giải quyết việc làm trong nước với thu nhập ổn định cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động. Trong giai đoạn 2012-2021, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.485.155 lao động. Về thực hiện chính sách giảm nghèo: Tỷ lệ giảm nghèo bình quân khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo không ngừng tăng lên. Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong giai đoạn 2012-2020, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho hơn 1,3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hơn 76 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc huy động các nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những hạn chế trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đang cản trở việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xã hội trong phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả chính sách xã hội, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung cơ bản: Đánh giá kết quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội; phân tích, làm rõ sự phát triển trong nhận thức lý luận huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội; nghiên cứu kinh nghiệm thế giới về huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội, chỉ rõ những chính sách mà Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng, đồng thời chỉ ra những đặc thù trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các chính sách xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Hội thảo phân tích, làm rõ thêm cơ hội, thách thức đặt ra đặc biệt đối với Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội trong giai đoạn tới; làm rõ những giải pháp, nhất là những giải pháp có tính đột phá nhằm tăng cường hiệu quả huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn 2045; những vấn đề lý luận cơ bản về bản chất, đặc điểm, phương thức, hình thức và vai trò của huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực trạng đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam và những vấn đề đặt ra; thực trạng huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra…

Tin, ảnh: H.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực