Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phục hồi kinh tế

Thứ năm, 07/05/2020 17:57
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đặc biệt chú ý triển khai xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế mà Bộ đang được Chính phủ giao xây dựng.
 Tiếp tục tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là hướng ưu tiên tới đây (Ảnh: HNV)

Trao đổi với báo chí vừa mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, liên quan tới dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sau khi Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết. Đây thực chất là Nghị quyết tiếp nối Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Nghị quyết này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh và có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác. Đối với các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành đã phối hợp để rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với giải pháp rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng thêm quy mô, đối tượng, phạm vi. Nghị quyết này có nội dung rất quan trọng liên quan đến đầu tư công. Đây là giải pháp làm sao để thúc đẩy, giải ngân nhanh khối lượng lớn vốn đầu tư công năm 2020 và cũng là nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị quyết.

Cũng theo Thứ trưởng, trên đây chỉ là những giải pháp mang tính cơ chế và chính sách, do vậy chưa có điều kiện tính xem tạo ra được bao nhiêu tiền nhưng cơ bản đây là những giải pháp mạnh tiếp theo các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg và Nghị quyết số 42/NQ-CP. Đồng thời nhấn mạnh, các chính sách của hai văn bản này đã tạo ra số tiền rất lớn, bao gồm tiền mang tính chất chính sách về tài khóa, tiền tệ và có cả giá trị tiền của ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua các chính sách an sinh xã hội.

 Thứ trưởng Trần Quốc Phương (Ảnh: MPI)

Về kịch bản phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế. Khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp cùng với các Bộ, ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những định hướng, giải pháp, trong đó, kiến nghị các bước đối với điều hành nền kinh tế. Bước thứ nhất là lúc dịch COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu và phát triển kinh tế lúc này ở trạng thái cầm cự, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch gây ra. Khi chúng ta điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức tối đa cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho việc phục hồi sau này nhanh và tốt hơn. Đây chính là quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay trong lúc dịch COVID-19 đang diễn ra.

“Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm nhiều như hiện nay nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của toàn hệ thống, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch và các Bộ, ngành thì chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo và tham mưu cho Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế. Đối với các mảng thị trường, trước tiên phục hồi trong nước trước. Đối với thị trường nước ngoài, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 ở nước ta có thể có khả năng kết thúc sớm nhưng các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (hơn 200 nước và vùng lãnh thổ) vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, đối với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta thì chưa thể mở cửa hoàn toàn như trước đây mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta” – Thứ trưởng nói.

Ở trạng thái tương lai trong kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là khi dịch COVID-19 đã “yên ổn” trên thế giới. Đối với tình trạng dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay thì nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất và nhanh chuyển đổi nhất nền kinh tế đó sẽ thành công. Do vậy, trong định hướng xây dựng kịch bản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này. Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang cân nhắc việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, trong đó, Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó./.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực