Tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hội nhập và vấn đề đặt ra

Thứ bảy, 14/05/2016 20:20
(ĐCSVN) - Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo sẽ tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là trong vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Thời gian qua, thị trường nông sản của Việt Nam không những ngày càng đáp ứng tốt hơn thị trường trong nước, mà không ngừng mở rộng ra thị trường thế giới. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Thương mại Bộ Công Thương, ngành nông nghiệp nước ta tạo ra khoảng 20% GDP và thu hút trên 55% lao động cả nước, với hàng chục triệu hộ nông dân, 10.500 hợp tác xã nông nghiệp và hơn 33.000 doanh nghiệp, trong đó đã có 16 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực mang tầm vóc quốc tế, trong đó xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ 2, cao su đứng thứ 4, thuỷ hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và nhiều mặt hàng khác.

Hướng đến sản xuất lớn và mở rộng thị trường

Nếu năm 2010, Việt Nam mới chỉ có 18 thị trường xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã tăng lên 28 thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các thị trường hơn 1 tỷ USD chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy năm 2015 so với năm 2014, do khó khăn về thời tiết, nhu cầu và giá cả thị trường khiến giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9%; nhưng xuất khẩu nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, tổng giá trị xuất siêu đạt 7,09 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 7,23 tỷ USD, tăng 10,2%. Đặc biệt, có sự cải thiện cơ cấu theo hướng nâng cao tỷ lệ thành phẩm cao cấp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản nông sản xuất khẩu, tiêu biểu là trong 6,55 triệu tấn gạo xuất khẩu, thì gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm 47% (gạo trắng cao cấp chiếm gần 28,5%, tăng gần 36,5% và gạo thơm chiếm gần 23%, tăng gần 18,5%). Xuất khẩu tiêu đạt 135.000 tấn, với giá trị kim ngạch 1,26 tỷ USD, tuy giảm 13% về khối lượng, nhưng tăng 5% về giá trị. Xuất khẩu điều đạt 328.000 tấn, tăng 8,3% và là năm đầu tiên đạt kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD, tăng 20,2%. Điều này đã thể hiện đầu tư công nghệ chế biến và máy móc thiết bị, năng xuất lao động từng bước được nâng cao.

Tại một số thị trường mới như Trung Đông, Singapo, lượng tiêu thụ điều Việt Nam cũng tăng rất mạnh, đến gần 80%. Việt Nam hiện đang chế biến tới 50% sản lượng điều xuất khẩu trên thế giới. Tuy vậy, nhu cầu xuất khẩu tăng, nhưng sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được 40% nên Việt Nam phải nhập khẩu tới 60% từ châu Phi, Indonesia về để chế biến. Một thuận lợi cho ngành điều Việt Nam là hầu hết 11 nước thành viên TPP đều có nhu cầu cao nhập khẩu điều của Việt Nam. Nếu theo đúng cam kết, khi thực thi TPP, thuế nhập khẩu điều vào các thị trường này giảm từ 2 - 5% xuống còn 0%, sẽ giúp cho Việt Nam tăng sức cạnh tranh về mặt hàng này.

Điểm đáng chú ý, trong sản xuất, chuỗi cung ứng trong tiêu thụ nông sản ngày càng được quan tâm hơn. Vùng nông thôn đã từng bước hình thành tổ chức sản xuất đa dạng như doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, trang trại, làng nghề, kinh tế hộ,… Đời sống, thu nhập của nông dân ngày càng được nâng cao hơn, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn giảm rõ nét. Ở nhiều nơi, đã xuất hiện một số chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp như rau an toàn, bò sữa, hợp tác xã sản xuất giống,… góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng nông sản, ổn định sản xuất và thị trường.

Có thể thấy, việc tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất hơn, giảm chi phí đầu vào, từng bước hạn chế được tình trạng được mùa mất giá. Các hợp tác xã có thể chủ động về nguồn hàng nên ít bị động trong sản xuất, có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên hợp tác xã. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã ngày càng ổn định được vùng nguyên liệu, ổn định được thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, tạo tiền đề để hình thành cac nguồn cung ứng nông sản lớn, mang tính hàng hoá cao, chất lượng được nâng lên thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản.

Sự liên kết của nông dân trong tổ chức hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng. Hợp tác xã nắm bắt nhu cầu thị trường, tổ chức sản xuất nhằm cung ứng theo số lượng, chủng loại, chất lượng, giúp xã viên vay vốn phát triển và mở rộng sản xuất, cùng với xã viên giám sát quy trình canh tác, quản lý chất lượng. Đồng thời, là đầu mối quan trọng tiếp cận ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, thực hiện các dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, giải quyết tốt hơn những hạn chế của hình thức kinh tế hộ truyền thống.

Nhìn chung, các hợp tác xã mới chỉ cung ứng một số dịch vụ đầu vào, chưa thực sự tổ chức quản lý sản xuất với một kế hoạch hợp lý dẫn đến tính cạnh tranh còn thấp. Tuy vậy, sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam, thua lỗ của công ty chế biến nông sản và nông dân, sự chiếm lĩnh thị trường của các “đại gia” bán lẻ, siêu thị ngoại ở Việt Nam không hẳn là do lỗi của nhà sản xuất riêng lẻ, người nông dân, mà chủ yếu là lỗi mang tính hệ thống của quản lý.

Vấn đề đặt ra

Khi Việt Nam tham gia TPP, nhóm hàng chăn nuôi và một số sản phẩm trồng trọt được dự báo là khó cạnh tranh. Nguy cơ đến từ Úc và Niu Dilân, là hai nước có năng lực cạnh tranh vào hàng đầu thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò như thịt bò, sữa và quả ôn đới như táo, cam. Nguy cơ cũng đến từ Mỹ, là quốc gia có thế mạnh trong các sản phẩm sữa, thịt bò, thịt gà, thịt lợn,… Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu khá nhiều những mặt hàng này từ Mỹ. Do vậy, nếu thuế giảm 0% thì sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, những năm gần đây, do chưa thực sự chú trọng đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại thị trường, phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản, nhiều loại nông sản của Việt Nam khó tiêu thụ ngay chính tại thị trường nội địa. Và hệ quả là cả người nông dân sản xuất cũng như người tiêu dùng đều chịu thiệt thòi.

Thực tế cho thấy, từ năm 2008, chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn với hệ thống tiêu chuẩn VietGAP đã phát triển mạnh trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản. Đến nay, hàng nghìn cơ sở sản xuất và hợp tác xã đã xây dựng được thành công mô hình VietGAP, GlobalGAP. Tuy vậy, nhãn chung cho các loại nông sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa đi vào cuộc sống, làm cho sản phẩm đã đạt VietGAP có lúc bị đánh đồng về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm nông sản không được sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch.

Đồng thời, khi không có nhãn chung, giá trị thương hiệu nông sản không được tính vào giá bán sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nông sản đặc sản của các địa phương như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hoà Lộc, vải thiều Thanh Hà,… dễ dàng bị nhầm với các loại sản phẩm cùng loại khác, khiến cho uy tín của thương hiệu nông sản bị ảnh hưởng. Sự không rõ ràng về thương hiệu dẫn đến nhiều hệ quả như người tiêu dùng mất tiền mua mà mua phải nông sản không được sản xuất theo hệ thống tiêu chuẩn; nhà vườn sản xuất chất lượng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm tốt vào thị trường, thậm chí còn làm cho nông sản Việt Nam còn bị choán chỗ bởi nông sản ngoại tại các siêu thị.

Với việc ký kết TPP, nông sản Việt Nam xuất khẩu cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Khi thuế quan được giảm và tiến tới xoá bỏ, thì các rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm chắc có xu hướng gia tăng. Việc kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi về nhãn mác, đóng gói, điều kiện bảo quản,… của các nước trở lên phức tạp hơn và yêu cầu cao hơn, gây ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam…

Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng

Để tăng cường tiêu thụ nông sản cho nông dân, cần thực hiện tăng năng suất không phải dựa trên sử dụng các phương thức cũ, mà cần dựa vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc tối ưu hoá phương thức thực hành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả, đầu vào cũng như tăng cường tổ chức chuỗi cung ứng. Để tăng cường chuỗi cung ứng, cần nâng cao chất lượng quản trị và thể chế, xây dựng các chính sách, cải thiện cơ chế tài chính, cải thiện hạ tầng,… thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ nông sản thông qua đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo thêm các nghề để hợp tác xã mở rộng thêm đầu ra sản phẩm, các kỹ năng tiếp cận thị trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất.

Để có chuỗi cung ứng hiệu quả, mang lại lợi nhuận và khả năng cạnh tranh cao, cần chú ý tìm kiếm, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết. Các ngành chức năng cần hỗ trợ cho nông dân đa dạng hoá đầu ra trong việc kết nối cung cấp nông sản cho cửa hàng tiện ích, chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn,… Tổ chức liên kết giữa nông dân với nông dân để đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn thông qua hình thức tổ, nhóm, nhất là hợp tác xã để cung cấp sản phẩm đủ lớn về khối lượng, đồng đều về chất lượng, đúng thời gian cho đối tác; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thị trường.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân hơn nữa trong việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất từ khâu sản xuất giống, phương pháp nuôi trồng, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, bao bì, bảo quản, vận chuyển gắn với sản phẩm cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Hỗ trợ cho nông dân trong chứng nhận VietGAP để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hỗ trợ nông dân trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, nhất là các sản phẩm an toàn được chứng nhận để người tiêu dùng biết và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Xây dựng chính sách khuyến khích nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong chuỗi cung ứng. Cần có hoạch định để chia ngành nông nghiệp, chế biến, kinh doanh nông sản phù hợp để có thể hoà nhập vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Khuyến khích ngân hàng, nhà tín dụng, nhà đầu tư tham gia vào chuỗi cung ứng nhằm tạo điều kiện cho những nông dân sản xuất nhỏ được vay vốn dễ dàng. Nghiên cứu các sản phẩm mới, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường, thị hiếu của người tiêu dùng để xác định được nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài…/.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực