Tìm giải pháp phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững

Thứ tư, 13/12/2023 17:00
(ĐCSVN) - Nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Quốc tế ngành hành lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ngày 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo Quốc tế về “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu quốc tế, tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây được xem là giải pháp cấp thiết nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm, minh bạch và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng lúa gạo trong nước đã chỉ ra những thành công, kết quả đạt được của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Các đại biểu nêu lên tình trạng trong các mắt xích, chuỗi liên kết phát triển sản xuất lúa gạo.

Các đại biểu khẳng định, lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại, nhất là trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu. Thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

 Các đại biểu quốc tế  dự Hội thảo

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ tại Hội thảo: Hậu Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngành sản xuất lúa gạo đóng góp 54% trong tỷ trọng nông lâm thủy sản của tỉnh, hiện đang chuyển dịch từ sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, khoa học sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững.

Triển khai Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vừa được phát động sáng ngày 12/12, tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha (năm 2024), 48.000ha (năm 2025); sẽ tiếp tục củng cố các hợp tác xã, các dự án như xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh; đề án Phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với kinh tế xanh, phát triển lúa phát thải thấp.

Ngành hàng lúa gạo Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, việc phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo khoa học, bền vững thực sự cần thiết, phù hợp với kinh tế thị trường.

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm, bài học, sáng kiến và bày tỏ sự ủng hộ đối với Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Ông Aziz R. Arya (Văn phòng FAO châu Á - Thái Bình Dương) khẳng định, trong sản xuất lúa gạo, nước có vai trò quan trọng trong sản xuất cũng như trong vấn đề biến đổi khí hậu. Có 40% thủy lợi toàn cầu được dành cho sử dụng nông nghiệp. Năng suất gia tăng nếu như sử dụng nước hợp lý. Chuỗi sản xuất lúa gạo liên quan tới tất cả các khía cạnh, đặc biệt là người nông dân, khoa học công nghệ, thủy lợi, vấn đề tiếp cận thương mại, tiêu dùng; thay đổi khẩu phần ăn, thay đổi về thành phần dinh dưỡng…

Theo đại diện Văn phòng FAO châu Á - Thái Bình Dương, hiện các quốc gia châu Phi có những khoảng trống khổng lồ trong lĩnh vực nông nghiệp, và cần nhiều thời gian mới có thể lấp đầy. Giải pháp để lấp khoảng trống đó chính là con đường giáo dục. Các cán bộ khuyến nông có vai trò quan trọng, họ là cây cầu nối để đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đến với người sản xuất.

 Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước

Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định quyết tâm của Úc trong việc hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa của Việt Nam. Australia đã có nhiều dự án đầu tư cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển các vùng trồng lúa sinh thái, lúa – tôm. Ông Andrew Goledzinowski  cho biết: Tới đây, Australia sẽ mở rộng thêm ngân sách để đầu tư cho các dự án này.

Ông cho rằng, Việt Nam cần nhìn nhận ít nhất vào 3 khía cạnh của vấn đề: biến đổi khí hậu là yếu tố bên ngoài nhưng có tác động rất lớn tới sản xuất lúa gạo; khoa học kỹ thuật.., vấn đề giá cả và văn hóa vùng miền của các địa phương./.

Tiến Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực