|
Diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam (Ảnh: Kim Anh) |
Diễn đàn do Báo Văn Hóa phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh; cùng các chuyên gia, diễn giả.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đào Cương cho biết, du lịch xanh là một cách tiếp cận mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch. Phát triển du lịch xanh đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong việc giữ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mỗi địa phương.
Thời gian qua, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong sáng tạo, phát triển xanh hóa theo cách của mình như hướng những sản phẩm du lịch khai thác giá trị bản địa, cộng đồng, nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ, rừng và khu bảo tồn… Cụ thể, năm 2022, Quảng Nam ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho các lĩnh vực khách sạn, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch dựa vào cộng đồng và điểm tham quan.
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho biết: Tỉnh đang phát triển theo hướng du lịch xanh. Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại Côn Đảo, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa được triển khai và đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng… được nhiều doanh nghiệp xây dựng thu hút du khách.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn khai thác thế mạnh nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng ở các vùng nông thôn Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ gắn với tài nguyên du lịch biển, làng chài ở khu vực ven biển trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách hòa mình với thiên nhiên trong lành. Nhiều mô hình xanh giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ.
|
Nhiều mô hình trang trí ấn tượng tại Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những hạn chế, chưa đồng bộ trong phát triển du lịch xanh, đồng thời nhấn mạnh vào việc xây dựng một hành lang pháp lý cho du lịch xanh đi đúng hướng.
Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hoàng Quốc Hòa cho biết: Phát triển du lịch xanh là một định hướng chiến lược cốt lõi của Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 xác định quan điểm “Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Thực hiện chủ trương này, trong hai năm qua ngành Du lịch đều lựa chọn chủ đề du lịch cho Năm Du lịch quốc gia. Trong đó, Năm Du lịch quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”; Năm Du lịch quốc gia 2023 có chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Nhân dịp Ngày Du lịch thế giới năm 2023 với chủ đề “Du lịch và Đầu tư Xanh”, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã tham dự lễ kỷ niệm được tổ chức ngày 27/9 tại thủ đô Riyadh, Vương quốc Ả-rập Xê-út. Đây là dịp Việt Nam khẳng định với cộng đồng quốc tế về mục tiêu và cam kết phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng: Từ thực tiễn hoạt động trong nhiều năm qua và xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển, du lịch xanh đã trở thành yêu cầu bức thiết của từng quốc gia trong đó có Việt Nam. Muốn phát triển du lịch xanh, ông Yên đề xuất, các hoạt động kinh doanh theo tiêu chí Du lịch xanh, Lữ hành bền vững đặt ra yêu cầu phải hình thành chuỗi giá trị bền vững cho các bên, tạo gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - khách hàng - đối tác cung ứng dịch vụ - cộng đồng địa phương và tất cả các bên cùng hưởng lợi ích lâu dài trong khai thác tiềm năng du lịch, bảo tồn thiên nhiên và văn hoá bản địa, nâng cao kinh tế và tạo sự ổn định lâu dài trong cuộc sống của người dân địa phương…
Để tiếp tục thúc đẩy, tạo đà cho ngành du lịch phát triển xanh, bền vững, đại diện tỉnh Quảng Nam đề xuất: Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển Du lịch xanh, bền vững như cơ chế về chính sách thuê đất, sử dụng tài nguyên để phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Bộ VH-TT&DL khẩn trương xây dựng và ban hành chương trình hành động của ngành du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững như cần ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; Hướng dẫn, rà soát điều chỉnh các quy định văn bản liên quan đến phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi; các hoạt động du lịch thể thao trên biển; du lịch mạo hiểm; du lịch caravan…/.