TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Thứ sáu, 07/07/2023 23:01
(ĐCSVN) - Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, gắn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chương trình bình ổn thị trường, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thể hiện tính kịp thời, cần thiết thông qua sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân và doanh nghiệp.
 Các tập thể nhận Bằng khen của UBND TPHCM. (Ảnh: Chi Mai)

Chiều ngày 7/7, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2022, triển khai chương trình hoạt động năm 2023.

Các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố chủ trì hội nghị.

Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, gắn Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chương trình bình ổn thị trường, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thể hiện tính kịp thời, cần thiết thông qua sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo Nhân dân và doanh nghiệp.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan báo chí và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đã quán triệt sâu sắc nội dung Cuộc vận động; chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương đạt một số kết quả nhất định. Việc phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội đã góp phần gia tăng nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức, quận, huyện được đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ; tạo sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã. Các doanh nghiệp đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định, lượng hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, chất lượng hàng hóa được đảm bảo, giá cả hàng hóa ổn định; công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được tập trung; công tác phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường được chú trọng, từ đó hạn chế, kiểm soát được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường.

Tuy nhiên tình hình sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vẫn còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ: giá cả các nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, hàng tồn kho nhiều nên các doanh nghiệp này chưa có điều kiện đổi mới công nghệ máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại dẫn đến sản phẩm kém sức cạnh trạnh; tình trạng hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc vẫn còn xuất hiện trên thị trường, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm; tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, sử dụng phụ phẩm ngoài danh mục còn xảy ra cũng làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động.

Để chương trình đạt hiệu quả, năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng vận động định hướng người tiêu dùng Thành phố biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  Khách tham quan tìm hiểu sản phẩm trưng bày tại Hội nghị. (Ảnh: CM)

Vận động các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đến người tiêu dùng; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị, chất lượng cao, giá thành hợp lý cùng với chất lượng dịch vụ, bán hàng tốt để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị, kế hoạch về Cuộc vận động. Vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trong tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng Việt để góp phần xây dựng kinh tế Thành phố và đất nước.

Tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của Nhân dân về quyền lợi người tiêu dùng thông qua kênh truyền thống (tài liệu, hệ thống truyền thanh, công tác tuyên truyền tại cơ sở) và kênh hiện đại (trang thông tin điện tử, mạng xã hội); vận động Nhân dân không sử dụng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tích cực tham gia đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thực hiện chọn lựa hàng sản xuất trong nước khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Thành phố khi mua sắm vật tư, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cập nhật, công bố, quảng bá thường xuyên và kịp thời danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả 05 nhóm giải pháp Chương trình hành động của UBND TP; phối hợp, triển khai các hoạt động, chương trình, đề án của Thành phố mang tính đa dạng, phong phú, sáng tạo, thiết thực như chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động nuôi trồng, sản xuất đến hoạt động phân phối nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm chi phí trung gian, giá thành sản phẩm.

Đẩy mạnh tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp đông công nhân..., nhằm đưa hàng Việt chất lượng đến tay người tiêu dùng. Xây dựng và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người thu nhập thấp mua sắm, thúc đẩy sản xuất. Tăng cường vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt nhanh chóng, thuận tiện...

Tại hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận về giải pháp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, sàn giao dịch việc làm; giải pháp tuyên truyền Cuộc vận động; công tác tổ chức các hoạt động, chương trình nhằm lan tỏa Cuộc vận động đến với người dân; giải pháp kết nối, tư vấn, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP …..

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo cần xây dựng chương trình hành động cụ thể,  kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị thực hiện cuộc vận động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân ưu tiên sử dụng các loại hàng hoá sản xuất trong nước; Tăng cưởng quảng bá các sản phẩm Ocop để mở rộng thị phần, thị trường cho sản phẩm sản xuất trong nước và trong TP.  Đồng thời, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần nghiên cứu xây dựng và lựa chọn các mô hình, cách làm hiệu quả để triển khai nhân rộng, lan tỏa trên toàn địa bàn Thành phố.

Dịp này, UBND TP Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho 29 tập thể là các doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Cuộc vận động năm 2022./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực