Năm 2018, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: BT)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2017, hiện trạng phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chăn nuôi lợn sau một thời gian khủng hoảng về giá do sự phát triển mạnh mẽ trong những năm 2015-2016 dẫn đến cung vượt cầu. Thị trường sản phẩm đầu ra gặp nhiều trở ngại, gây tâm lý bất ổn đối với các khu vực chăn nuôi phát triển và chăn nuôi nông hộ. Giá cả một số sản phẩm và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục theo xu hướng giảm từ quý IV/2016.
Cụ thể, về tình hình chăn nuôi lợn, trong 5 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá liên tục xuống thấp, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, sau khi các cấp Bộ, ngành đồng loạt triển khai các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm ổn định và hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, giá thịt lợn hơi đã ngăn đà giảm và ổn định trong suốt các tháng tiếp theo. Bước sang Quý IV năm 2017, đàn lợn hồi phục do các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi đã ổn định đàn lợn nái, nguồn cung con giống cho hoạt động sản xuất chăn nuôi tăng lên, chuẩn bị cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước các tháng cuối năm và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2018.
Về tình hình chăn nuôi đàn gia cầm, tính đến thời điểm 1/10/2017, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 385,5 triệu con, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt gia cầm hơi đạt gần 1.012,5 nghìn tấn, tăng 5,3%. Sản lượng trứng gia cầm các loại đạt gần 10,64 tỷ quả, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Chăn nuôi bò phát triển ổn định mặc dù bị tác động nhất định từ chăn nuôi lợn. Đàn bò sữa tiếp tục phát triển tốt do một số doanh nghiệp tăng cường đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi kết hợp với điều kiện thuận lợi tại một số địa phương và những tác động nhất định của Chương trình sữa học đường Quốc gia. Đàn bò sữa tiếp tục phát triển tốt và mở rộng thêm ở một số địa phương như: Phú Yên, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Giang...
Bên cạnh đó, triển khai tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới, theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết năm 2017, đã có 58/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi. Kết quả chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt, một số tỉnh đã bước đầu tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như: liên kết tổ hợp tác, hội ngành hàng.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong năm 2017, một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi vẫn chưa được thực thi có hiệu quả, chưa đi vào thực tiễn sản xuất chăn nuôi ở các địa phương và các doanh nghiệp. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi vẫn còn thiếu đồng bộ. Phần lớn các doanh nghiệp và người chăn nuôi chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn dễ thu lời như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trong khi con giống, giết mổ, chế biến còn nhiều bất cập.
Cùng với đó, biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến người chăn nuôi, trong khi đó chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Công tác quản lý ngành chưa theo kịp thực tiễn sinh động và tiến trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ; quản lý chưa thực sự chuyên nghiệp, còn chậm và đôi khi còn lúng túng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn tồn tại, cần được tập trung trong chỉ đạo rà soát và triển khai thực hiện. Đặc biệt, công tác thị trường vẫn còn nhiều yếu kém.
Năm 2018, ngành chăn nuôi đặt ra mục tiêu tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường. Phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững. Trong đó, phấn đấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 3,8-4% so với năm 2017, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 33-34%.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, theo Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, rà soát, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu chăn nuôi tại 63 tỉnh, thành phố; hoàn thiện phương án điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Chỉ đạo các địa phương xây dựng sản phẩm đặc hữu của từng vùng, từng địa phương; tổ chức hợp tác, liên kết để xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Phát huy lợi thế giống bản địa như: lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà Mía, gà Đông Tảo, gà Hồ, bò H’Mông…
Xây dựng quy trình chăn nuôi hữu cơ, chỉ đạo phát triển sản xuất theo chuỗi, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng lợn đực giống và đeo thẻ tai cho các cá thể đủ tiêu chuẩn. Duy trì việc thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho người chăn nuôi hiểu và áp dụng các yêu cầu quản lý Nhà nước về quản lý lợn đực giống cũng như các chính sách khuyến khích có liên quan…
Cùng với đó, chủ động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước gắn với vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình thực hành tốt nhằm hướng tới xuất, nhập khẩu giống, sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước và định hướng xuất khẩu. Đề xuất một số chương trình, dự án tạo động lực thúc đẩy, có bước đột phá trong khâu giống và triển khai một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông trọng điểm trong lĩnh vực chăn nuôi.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác dự báo, thông tin thị trường; tăng cường chủ động và nghiên cứu các giải pháp khơi thông thị trường nhằm vào một số sản phẩm chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu: thịt lợn, thịt gà, trứng vịt, sữa và các sản phẩm từ sữa,…/.