Triển vọng xuất khẩu ngành hàng tôm

Thứ năm, 21/05/2020 17:15
(ĐCSVN) - Những tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến thị trường ngành hàng tôm, tuy nhiên, nhiều thị trường trọng điểm vẫn có những tín hiệu tích cực.
 Ảnh minh họa (Ảnh: Phương Nghi)

Những tín hiệu tích cực

Năm 2020, nhận định tình hình thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước, khả năng có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, giá thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường, nhiên liệu, máy móc phục vụ nuôi tôm tăng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm của cả nước.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại, dẫn đến sự sụt giảm về cầu nửa đầu năm 2020. Dù vậy, nhận định ngành tôm nước lợ nước ta vẫn có những tín hiệu tích cực từ một số thị trường trọng điểm.

Đối với thị trường EU, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác (Thái Lan không được hưởng GSP – hệ thống ưu đãi phổ cập, không ký FTA và bị mức thuế cơ bản 12%. Hay Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2% và Ecuador thuế cơ bản là 12%).

Thứ hai là thị trường Mỹ, chiếm tỷ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.

Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2020 sẽ chững lại vào quý I/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng sau đó sẽ hồi phục và dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 3-4% so với năm 2019, đạt 3,45 - 3,5 tỷ USD.

Bám sát tình hình trong chỉ đạo sản xuất

Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 30/4/2020, ước sản lượng tôm nước lợ nước ta đạt 168,6 nghìn tấn. Về kim ngạch xuất khẩu, tính đến 31/3/2020, đạt khoảng 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ 2019).

Trong cả năm 2020, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 730.000ha, sản lượng 830.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD (tăng khoảng 2-3% so với năm 2019).

Để vượt qua khó khăn và đạt được mục tiêu trên, việc chỉ đạo sản xuất, nuôi tôm là công tác cần được quan tâm hàng đầu. Trong đó, quan trắc cảnh báo môi trường và phòng chống dịch bệnh cần được đặc biệt quan tâm. Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề nghị cần thực hiện nhiệm vụ này tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên cả 3 miền, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào nội đồng để kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương.

Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, xem phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cần nắm chắc tình hình biến động giá cả tôm nước lợ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, trong đó Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng phối hợp với các doanh nghiệp nắm lại tình hình cụ thể để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ, giảm mức lãi suất thanh toán cho một số doanh nghiệp thủy sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các Hội, Hiệp hội ngành tôm cần vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra.

Với các địa phương, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp; kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để có kế hoạch thả giống phù hợp. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước. Động viên, biểu dương kịp thời người nuôi và các doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ người nuôi trong giai đoạn khó khăn.

Để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Đồng thời, nói không với sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực