Xung quanh những khó khăn đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: BT)
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết, tại sao chúng ta cần phát triển nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn hiện nay? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, chủ trương chuyển đổi nông nghiệp trong tái cơ cấu chung có một hướng chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và tiến tới một nền nông nghiệp thông minh. Sau khi chúng ta phát triển nông nghiệp đến mức giải quyết căn cốt vấn đề lương thực, thực phẩm cho thị trường trong nước với khoảng 92 triệu dân và một phần xuất khẩu thì hiện nay trước nhu cầu của thực tiễn đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao hơn, tốt hơn và có giá trị hơn đối với cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Do vậy, chúng ta cần định hướng phát triển nông sản hữu cơ bởi điều này cũng phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay. Chúng ta biết rằng thế giới trong 10 năm gần đây, tốc độ phát triển sản phẩm này rất nhanh. Từ chỗ chỉ có đơn lẻ một số nước thì 10 năm vừa qua đã phát triển tới diện tích 43 triệu ha và đã có 173 nước đã phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với tổng giá trị thương mại vào khoảng 81 tỷ USD vào năm 2015.
Rõ ràng là nhu cầu thế giới đòi hỏi chất lượng tốt hơn và nhu cầu trong nước chúng ta cũng vậy. Đó là chưa nói đến áp lực phát triển đe dọa, phá vỡ cấu trúc của cân bằng sinh thái và đặc biệt làm suy kiệt nguồn tài nguyên. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn tài nguyên đất, nguồn tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên khác. Chính vì thế chúng ta thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hướng chuyển sang sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
PV: Hiện nay, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang gặp những khó khăn gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ của chúng ta đang có bước đầu khởi sắc, đến nay, đã có trên 20 tỉnh đưa vào chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 43 nghìn ha trên một số đối tượng. Trong đó, có một số đối tượng sản xuất bước đầu được ghi nhận là tích cực. Vừa rồi, chúng ta có hai trang trại sản xuất sữa hữu cơ, đó là trang trại của Vinamilk ở Đơn Dương, Lâm Đồng và TH True Milk ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Đặc biệt gần đây là những người trẻ ở nông thôn và ở thành thị đã hướng vào khu vực này và bắt đầu đưa ra những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, bước đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ gặp khó khăn. Thứ nhất là việc chuyển phương thức sản xuất từ một nền nông nghiệp hiện tại sang một nền nông nghiệp hữu cơ. Đó là nền nông nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt để bảo vệ hệ sinh thái; tất cả các vật tư đầu vào đều sử dụng sản phẩm hữu cơ, chỉ có một phần nhỏ sử dụng dưới dạng hóa chất và phải được phù hợp trên một nền tảng đảm bảo về hệ sinh thái và đảm bảo tính xã hội. Với những yêu cầu khắt khe như vậy cùng với việc giá thành cao thì việc có thị trường chấp nhận ở giai đoạn đầu sẽ khó khăn.
Thứ hai, quy mô diện tích lớn để hình thành nền nông nghiệp hữu cơ khá khó khăn do hiện nay chúng ta có quy mô nông nghiệp với bình quân hộ diện tích đất đai rất thấp.
Thứ ba, nông nghiệp hữu cơ khá mới nên chúng ta phải thiết lập lại từ chủ trương, chính sách, khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Mặc dù thời gian qua, chúng ta có ban hành quy chuẩn năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải rà soát lại. Bởi những tiêu chuẩn được ban hành ra không chỉ phù hợp với đối tượng sản xuất, nông dân, trang trại, thành phần hợp tác kinh tế nói chung mà bộ tiêu chuẩn này cũng phải phù hợp với các nước ở các thị trường khác. Có như vậy, sản phẩm của chúng ta mới đến được ở các thị trường bên ngoài và trở thành động lực, mục tiêu cho sản xuất trong nước.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục những khó khăn hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thời gian tới, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao quản lý ngành nông nghiệp, chúng tôi sẽ tổng hợp những bất cập cụ thể, đề xuất với Chính phủ có Nghị quyết chuyên đề. Thứ hai, Bộ sẽ bàn với các Bộ khác, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ hình thành đề án về phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm giải quyết những vấn đề tổng thể ban đầu. Thứ ba là cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện, sửa nhanh bộ tiêu chuẩn năm 2015 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành.
Thứ tư, với một số những chính sách trước mắt nhằm khuyến khích, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sẽ được rà soát. Ví như về Nghị định 210 hoặc tháo gỡ những điểm nút thắt về đất đai hoặc chương trình về gói tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại cùng với Bộ NN&PTNT và các Bộ khác để khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao,…Những điều chỉnh trước mắt đó cùng với những kiến nghị lâu dài, chúng ta động viên các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, bà con nông dân, các hiệp hội cùng tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.