Vì sao Kon Tum… “thừa điện”?

Thứ hai, 14/03/2011 14:00
Nhiều công trình thuỷ điện tại Kon Tum (như thuỷ điện Đăk Psi 4)
đang bị lãng phí tài nguyên nước (Ảnh: Laodong)
Khi nhiều nơi đang thiếu điện, cắt điện luân phiên, thì tại Kon Tum một số nhà máy thủy điện được yêu cầu giảm công suất hoặc ngưng phát điện.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung, nguyên nhân cái sự “trái khoáy” trên do đường dây truyền tải 110KV Kon Tum- Pleiku chỉ “cõng” được khoảng 100MW. Trong lúc tổng công suất thủy điện Plei Krông cùng 6 thủy điện vừa và nhỏ tại địa phương tới khoảng 160MW.

Còn theo Sở Công thương, một phần nguyên nhân là một số công trình tiêu thụ điện năng lớn tại địa phương, như Nhà máy Giấy Tân Mai, Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y… “lỗi hẹn” do đầu tư chưa xong, chưa cần dùng điện, ngành điện không thể tiêu thụ tại chỗ.

Tất cả phải lên lưới quốc gia và cùng “chen nhau” đi qua đường dây truyền tải 110KV “vừa già vừa yếu”.

Những doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum thì cho rằng, các cơ quan chức năng, cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không xây dựng đường dây truyền tải theo kịp sự phát triển của các nhà máy, dẫu nhà máy đã được “xây dựng theo quy hoạch”.

“Thừa điện”, giải pháp mà EVN đưa ra là giảm công suất, thậm chí yêu cầu những thủy điện vừa và nhỏ này ngừng phát điện lên lưới. Việc làm trên đã đẩy những doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện, như Công ty Cổ phần Tấn Phát, Công ty Thủy điện Đắc Pxi…đứng trước nguy cơ “không gượng dậy nổi” nếu không được tháo gỡ kịp thời.

Đối diện nguy cơ… “thừa điện”

Mùa khô, hầu hết các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, như Nhà máy Đắc Pxi(30MW), Đắc Ne(8,1MW)… còn chưa hoạt động hết công suất đã phải giảm công suất. Vậy nên, nỗi ám ánh của những ông “chủ điện nhỏ” ở Kon Tum thật ra không phải bây giờ mà là tới mùa mưa. Lúc đó, nhà máy có thể phát hơn 100% công suất, tình trạng…“thừa điện” sẽ còn “gay gắt” hơn.

Nếu nút thắt là đường truyền tải không được tháo gỡ, doanh nghiệp chỉ còn biết ngồi nhìn “tiền trôi theo dòng nước” trong khi tiền vay đầu tư thì doanh nghiệp không thể không trả ngân hàng.

Việc Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang phải loay hoay với bài toán đường dây truyền tải điện lên lưới quốc gia ở Kon Tum cho thấy, việc quy hoạch phát triển điện tại Kon Tum có vấn đề. Có ý kiến còn cho rằng điều này đang bộc lộ lỗ hổng trong quy hoạch vĩ mô của ngành điện.

Cách đây trên 3 năm, UBND tỉnh Kon Tum đã không ít lần đề nghị Bộ Công thương và EVN cho xây dựng một đường dây truyền tải mới công suất 220KV, nhưng đến nay đường dây này vẫn đang còn nằm trên giấy.

Lại nữa, khi xây dựng công trình thủy điện Plei Krông, người ta đã không xây dựng đường truyền tải cho nhà máy thủy điện có công suất khá lớn tới trên 100MW này, mà “ké” vào đường dây 110KV Kon Tum- Pleiku.

Theo quy hoạch, tới năm 2013, tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 30 công trình thủy điện với tổng công suất phát lên lưới khoảng 300MW trong lúc nhanh nhất đến cuối năm 2012, công trình đường dây truyền tải 220KV mới hoàn thành. Nghịch lý... “thừa điện” ở Kon Tum đã và sẽ tiếp tục xảy ra.

Mong một kết thúc… có hậu!

Trong một cuộc họp khá “kín” và cũng khá “gay gắt” được Sở Công thương tỉnh Kon Tum tổ chức vào chiều 9/3, ông Nguyễn Thành- Phó giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung khẳng định: Trước mắt sẽ chỉ đạo điện lực Kon Tum điều độ hợp lý việc phát điện lên lưới của thủy điện Plei Krông (EVN) để các thủy điện vừa và nhỏ bán được điện trong những giờ cao điểm.

Tránh tình trạng “thừa điện” khi mùa mưa đến, giải pháp điện lực miền Trung đưa ra: “Nâng cấp ngay đường dây truyền tải điện 110KV Kon Tum- Pleiku”. Giải pháp kỹ thuật sẽ được thực hiện là thay toàn bộ dây cũ của đường dây 110KV bằng dây dẫn siêu nhiệt để nâng công suất truyền tải. Theo tính toán sơ bộ của công ty, việc cải tạo, nâng cấp cần số vốn trên 30 tỷ đồng.

Chia sẻ khó khăn để cùng phát triển, đại diện các chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ tại Kon Tum cũng đã cam kết sẽ chung sức với Tổng Công ty Điện lực miền Trung đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải điện 110KV Kon Tum- Pleiku, phương thức “ủng hộ” là từng doanh nghiệp căn cứ vào thực tế sản lượng điện phát lên lưới để góp vốn.

Chia nhỏ bài toán khó giải từng phần, đó là cách Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang thực hiện. Song để có một kết thúc thật sự…có hậu, cần phải có một lời giải tổng thể cho một bài toán tổng thể về quy hoạch, phát triển nguồn năng lượng thủy điện ở Kon Tum, đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên này của đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực