Vĩnh Phúc: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thứ hai, 25/11/2019 23:12
(ĐCSVN) - Tiếp tục tạo những cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là hướng đi của Vĩnh Phúc nhằm phát triển nông nghiệp địa phương.
leftcenterrightdel

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm mô hình sản xuất rau sạch tại Vĩnh Phúc .(Ảnh: TH)

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nghề nông nghiệp, nông thôn.Trong đó, tập trung thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển.

Trên tinh thần đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020, quy định các nội dung hỗ trợ các dự án đầu tư vào nông nghiệp gồm: hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ trồng cây dược liệu và hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản.

Triển khai Nghị quyết, đến nay, UBND tỉnh đã giải ngân vốn hỗ trợ cho 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; 1 dự án đang hoàn tất các thủ tục để phân bổ nguồn vốn với mức hỗ trợ 3,5 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào thực hiện: sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP; đầu tư cơ sở giết mổ lợn tập trung.

Bên cạnh đó, địa phương đang triển khai hướng dẫn một số doanh nghiệp dự kiến đầu tư vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, đầu tư cơ sở giết mổ gia súc tập trung, đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung. Hiện nay, các doanh nghiệp đang lập dự án đầu tư vào các lĩnh vực trên để triển khai thực hiện.

Nhìn chung, nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng sản xuất hiện đại, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản.

Đồng thời, việc thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đặc thù góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thúc đẩy phát triển sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.Trong đó, ngành trồng trọt đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa các loại được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả với quy mô lớn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đang phát triển mạnh. Đáng chú ý, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện.

Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chăn nuôi lợn và gia cầm là thế mạnh của tỉnh đã phát triển ở tất cả các vùng từ đồng bằng đến trung du, miền núi. Nhiều trang trại chăn nuôi theo quy mô lớn, công nghiệp. Quy mô tổng đàn gia súc, gia cầm tiếp tục tăng, trong đó, đàn bò tăng bình quân 2,87%/năm; đàn lợn tăng bình quân 5,58%/năm, đàn gia cầm tăng bình quân 7,82%/năm.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, số doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của tỉnh, chưa khuyến khích, thu hút được các dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, chưa có cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định dẫn đến người sản xuất gặp nhiều rủi ro. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thương hiệu sản phẩm của các vùng sản xuất hàng hóa còn hạn chế, dẫn đến quá trình đầu tư, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, địa phương phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trí tuệ của đội ngũ trí thức, doanh nhân. Đồng thời, phát huy tinh thần cách mạng, tính cần cù, sáng tạo và vai trò trọng yếu của nông dân trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững. Phát huy lợi thế từng vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nông nghiệp đô thị có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến và gắn với thị trường. Phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản gắn với an toàn dịch bệnh. Khai thác hiệu quả đất đai, trong đó, chú trọng vùng đồi, vùng trũng.

Song song với đó, đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Xã hội hóa các chương trình, dự án, đề án đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cùng với mục tiêu trên, Vĩnh Phúc xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, mức hỗ trợ 50% chi phí nhưng tối đa không quá 3 tỷ đồng. Tăng mức hỗ trợ thêm 1 tỷ so với quy định tại Nghị quyết 202.

Đồng thời, hỗ trợ vùng sản xuất rau, hoa an toàn theo quy trình VietGAP với mức hỗ trợ 70% chi phí nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng. Hỗ trợ trồng cây dược liệu ở mức 50 triệu đồng/ha, tăng mức hỗ trợ thêm 35 triệu đồng/ha so với quy định tại Nghị quyết số 202/2015/NQ-HĐND.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực