Xây dựng nông dân Việt Nam văn minh, chuyên nghiệp

Thứ hai, 12/09/2022 16:05
(ĐCSVN) - Việc xây dựng người nông dân văn minh, trí thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng. Trước hết, cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

Người nông dân chuyên nghiệp trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nhân tố thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

 Diễn đàn diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong (Ảnh: HNV)

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII “Người nông dân chuyên nghiệp” đã quy tụ sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, được bình chọn từ các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) tổ chức.

 Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn (Ảnh: PV)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

 Các nhà quản lý, chuyên gia, nông dân tiêu biểu thảo luận tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Tại Diễn đàn lần này, Phó Chủ tịch nước yêu cầu các đại biểu tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể đã đề ra. Cụ thể là: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”, trí thức hóa nông dân và thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp… Thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước, từ đó, thẳng thắn đặt vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại; đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.

 Các đại biểu phát biểu, trao đổi ý kiến tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng phân tích, Hội nghị BCH Trung ương 5 vừa rồi ban hành 3 Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trung ương thông qua Nghị quyết 20 cùng hàng loạt các hỗ trợ khác từ Nhà nước; hỗ trợ chính sách trong đó có vốn, đất đai, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn - xu hướng thế giới trong tương lai đặc biệt khuyến khích liên doanh liên kết phục vụ phát triển nông nghiệp đối với địa phương.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn đều xoay quanh mục tiêu củng cố vị thế “trụ đỡ kinh tế” của nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững đặc biệt là phát triển người nông dân Việt Nam chuyên nghiệp, không chỉ có kỹ năng sản xuất kinh doanh nông nghiệp giỏi mà phải có tư duy kinh tế.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu kết luận Diễn đàn (Ảnh: PV)

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, 3 tham luận, 2 phiên thảo luận về thúc đẩy liên kết nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại và trí thức hóa nông dân, nhìn từ thực tiễn và giải pháp, 12 câu hỏi, 18 trao đổi của đại biểu nông dân, hợp tác xã, giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn tại Diễn đàn đã góp phần phác họa bức tranh toàn cảnh, làm rõ hơn vai trò của nông dân, đặc biệt là người nông dân chuyên nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới; nêu lên được các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng được người nông dân chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn một nền kinh tế năng động, hội nhập, một hình ảnh Việt Nam năng động, trách nhiệm ngày càng có vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế. “Đây cũng là cơ sở để Hội Nông dân Việt Nam hoàn thiện hơn các đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam trong tình hình mới” – Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nói./.

Nông nghiệp luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, khủng hoảng và xung đột trên thế giới, nhưng năm 2021, nông nghiệp nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt mức 2,98% (cao hơn GDP bình quân chung cả nước), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỷ lục 48,6 tỷ USD; 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, xuất siêu 6,4 tỷ USD. Nông thôn nước ta đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hạnh phúc.

Đến nay, cả nước có hơn 71% xã và hơn 39% đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Những thành tựu đó có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân cả nước.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực