Xây dựng nông thôn mới nhưng phải giữ nét văn hiến của Thủ đô

Thứ bảy, 21/09/2019 20:26
(ĐCSVN) – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân diễn ra ngày 21/9.

 

Hội nghị do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP.

Đánh giá cao kết quả mà Hà Nội đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Nội đóng góp kinh nghiệm hay cho cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đây chính là nơi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với quy mô nhiệm vụ lớn nhất cả nước, yêu cầu về xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội rất cao, cả về khối lượng và chất lượng.

Thủ tướng cho rằng, đây chính là kết quả của việc TP coi xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm để thống nhất chỉ đạo trong hai nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ TP (2010-2015 và 2015-2020). Theo đó, TP đã tập trung phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, hoàn thành dồn điền đổi thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn Hà Nội cao hơn bình quân chung của toàn quốc; số xã đạt chuẩn nông thôn mới lớn vượt xa hơn các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng...


Thủ tướng trao “Bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới” cho huyện Gia Lâm, Quốc Oai

Ảnh: Minh Châu

 

Đề cập tới những tồn tại, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, giá trị sản xuất nông nghiệp/ha ở Hà Nội đã cao nhưng chưa xứng với tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân; an ninh chính trị, trật tự xã hội cần được củng cố, tăng cường...

Mong muốn Hà Nội không chỉ phát huy vai trò đầu tàu ở chức năng đô thị mà chính vùng nông thôn, ngoại ô cũng phải trở thành hạt nhân đi đầu cả nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị, xây dựng nông nghiệp đặc trưng, nông nghiệp có vị trí chi phối trong vùng, quốc gia về công nghệ, dịch vụ, về chuỗi giá trị gia tăng, chế biến, tổ chức thương mại nội địa, xuất khẩu.

Tiếp tục xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, đáng sống, một vùng nông thôn trăm nghề, nông nghiệp hữu cơ, vùng quê du lịch hấp dẫn. Hà Nội cũng cần xác lập vai trò của người nông dân - chủ thể nông thôn có kiến thức, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú...

Xây dựng nông thôn mới nhưng Hà Nội phải gìn giữ được nét văn hóa, văn hiến của Thủ đô nghìn năm, giàu bản sắc văn hóa; quan tâm đến bảo vệ môi trường; đào tạo nghề cho nông dân để chuyển dần lao động nông nghiệp sang các nghề mới.

“Chính phủ tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước và tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện mọi mặt, là hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông thôn Hà Nội cũng phải phấn đấu trở thành hình mẫu, là niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tiếp tục bay cao, bay xa, “một Thủ đô phát triển nhưng nhân văn, sâu đậm tình người”, Thủ tướng nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, các mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt khá, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu chương trình đề ra là giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế/ha đất nông nghiệp, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên.

Hà Nội có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn TP có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao Cờ thi đua xuất sắc của TP Hà Nội cho các tập thể

 

10 năm qua, TP đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng. Đặc biệt là nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng trong đó, trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên.

TP phấn đấu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới.


Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy đã đóng góp nhiều cho việc hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XVI Đảng bộ TP, có chỉ tiêu về đích trước 2 năm (tính đến hết năm 2018). Đó là cùng với 352 xã đạt chuẩn nông thôn mới bằng 84,2% (kế hoạch nhiệm kỳ là 80%) thì tỷ lệ trường công lập 4 cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 66,2% (kế hoạch là 65-70%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới còn 1,16% (kế hoạch là dưới 1,2%)…

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể chính trị TP, các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, các xã tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Tin, ảnh: Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực