Ngày 3/8 tại Hoà Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 phối hợp với UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 - 2020.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình; đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
Đây là Hội nghị tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới cấp vùng được tổ chức đầu tiên. Đến hết tháng 9/2019, 4 vùng còn lại sẽ tiến hành tổng kết xong để đến tháng 12/2019 sẽ tiến hành tổng kết toàn quốc.
Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc (Ảnh: K.D)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, khu vực miền núi phía Bắc là phên dậu của Tổ quốc; bao gồm 14 tỉnh, với trên 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có địa hình rất phức tạp, chia cắt hiểm trở, hạ tầng còn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển…
Sau 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được của các địa phương trong khu vực khá tích cực, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đến năm 2020. Tuy nhiên, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tính đến tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (đạt 26%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng có 28% số xã đạt chuẩn, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Chính phủ giao (28% là mục tiêu đặt ra đến năm 2020).
Tuy nhiên, với con số 603 xã đạt chuẩn, mặc dù tăng 18% so với cuối năm 2015, nhưng mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước - là 32%. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí, tuy tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã… Do đó, Hội nghị này cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện về những vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới của vùng miền núi phía Bắc bền vững và theo kịp tiến trình của cả nước giai đoạn 2021 - 2020.
Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế nông thôn
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia cho biết, giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020, các địa phương đã rất tích cực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã được thành lập ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, chỉ đạo từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể. Lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã quan tâm, nhanh chóng vào cuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng như vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương như Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La… Qua đó, đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực miền núi phía Bắc, nhất là từ năm 2017 đến nay.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương chú trọng với những đổi mới về phương pháp, cách thức nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã sáng tạo, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về nông thôn mới trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng; phổ biến cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới thông qua các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, bản tin, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điểm đáng chú ý, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong hỗ trợ thực hiện Chương trình, như cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng của tỉnh Hà Giang; cơ chế hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang); cơ chế hỗ trợ đội văn nghệ thôn, bản (Sơn La). Một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản (Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên…) làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, các mục tiêu cơ bản của Chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… đã có đơn vị cấp huyện hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019.
Một gian hàng trưng bày các sản vật nông thôn mới tỉnh Sơn La (Ảnh: K.D)
Về lĩnh vực giao thông, sau hơn 9 năm thực hiện, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn, bằng toàn bộ kết quả thực hiện giao thông nông thôn của các giai đoạn trước. Đến nay, tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa/hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là ở những khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đồng thời phát triển các mô hình du lịch cộng đồng…
Ở lĩnh vực tìm hướng đi cho sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương hình thành khá rõ nét và khai thác được các thế mạnh đang từng bước trở thành trung tâm cây ăn trái tập trung quy mô lớn của cả nước, như vải thiều (Bắc Giang), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình); bưởi (Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La); chuối (Phú Thọ, Thái Nguyên); na (Lạng Sơn); xoài (Sơn La); mận (Lào Cai, Sơn La)…
Cũng trong thời gian qua, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó đã hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường... Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân từng bước được cải thiện (năm 2018 ước đạt khoảng 28 triệu đồng/người), tuy thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (khoảng 35-36 triệu đồng) nhưng đây cũng là một con số tích cực trong điều kiện khó khăn đặc thù của vùng miền núi.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của của người dân ngày càng được nâng cao. Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa màu sắc và phong phú về văn hóa tinh thần của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, nhiều địa phương đã phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân tộc truyền thống như hát Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái; văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường; múa khèn của dân tộc Mông… Nhiều địa phương đã biết tận dụng và phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm quan như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang...
Có thể khẳn định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các địa phương, đặc biệt sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của các đồng chí lãnh đạo các cấp, đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của các tỉnh, đồng thời góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của vùng giai đoạn 2010-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng nông thôn mới
của tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: K.D)
Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước. Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số; nhiều địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng cho các lĩnh vực trọng yếu khác; năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai và chất lượng của Chương trình...
Lấy tam nông là chiến lược trong phát triển
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương cần quán triệt Nghị quyết 26/NQ-TƯ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia với 4 điểm: Tam nông là “chiến lược”; xây dựng nông thôn mới là “căn bản”; hiện đại hoá toàn diện nông nghiệp là “then chốt” và nông dân là “chủ thể”.
Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều khó khăn như miền núi phía Bắc, nhưng vẫn thực hiện vượt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và với nhiều mô hình thành công thì không có lý do gì các tỉnh khác lại không làm được.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, sau Hội nghị này, Trưởng Ban Chỉ đạo giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá kỹ hơn việc triển khai Bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay theo tinh thần nghiên cứu các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cấp thôn - bản, cấp xã, huyện, phân cấp mạnh hơn cho các tỉnh, huyện trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo tiền đề triển khai ngay khi bước vào giai đoạn mới 2021-2030. Theo đó, ngoài cấp xã, huyện, tới đây phải đặt trọng tâm vào nông thôn mới cấp thôn, bản; tính toán điều chỉnh về kinh phí, về tiêu chí, về kết cấu hạ tầng giao thông và tiêu chí thu nhập của các tỉnh trong vùng, làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu cụ thể đối với vùng trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm và cho rằng, hiệu quả của công tác chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng nông thôn mới là cần thước đo hiệu quả hoạt động và sự ủng hộ của người dân với chính quyền.
Nhấn mạnh nguồn lực đầu tư cho chương trình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các tỉnh đánh giá kỹ hơn về chính sách để lại 8% tiền đấu giá sử dụng đất cấp xã để chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản cũng như cơ cấu nguồn vốn đóng góp cho chương trình để tăng cường huy động nguồn lực của cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý với các địa phương cần tránh tâm lý thỏa mãn và cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi chính sách nói chung, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, tăng cường cơ sở hạ tầng, vừa giữa gìn được nét văn hoá đặc trưng của vùng miền./.