|
Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: HNV) |
Chiều 21/2, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia là ủy viên phản biện và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Phú Thọ có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Phú Thọ.
Đây là một nội dung quan trọng theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; đồng thời là khâu hết sức quan trọng trong việc đánh giá chất lượng, sự phù hợp của quy hoạch tỉnh; giúp cho tỉnh Phú Thọ có cơ sở để hoàn thiện các nội dung Quy hoạch trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị (Ảnh: Đức Trung) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, cần tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn các mục tiêu để tỉnh Phú Thọ phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030.
Báo cáo khái quát về địa phương, đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Vị trí ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội đã tạo cho Phú Thọ nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong nước và ngoài nước.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, quan điểm phát triển của Phú Thọ trong thời kỳ 2021-2030 là đặt Phú Thọ trong quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra hiệu ứng tốt cho việc phát triển kinh tế của Phú Thọ và đảm nhận được vai trò Trung tâm và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương Tiểu vùng Tây Bắc. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Phú Thọ đặt trọng tâm trở thành: Trung tâm thương mại và logistic gắn với trung tâm chế biến nông, lâm sản, Trung tâm văn hóa - du lịch, Trung tâm khám chữa bệnh, Trung tâm đào tạo của 5 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc. Theo đó, xác định ưu tiên phát triển: Một trung tâm (Đô thị trung tâm Việt Trì); Hai trục (2 Hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây); Ba đột phá phát triển: (i) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; (ii) Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; Bốn nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở 4 lĩnh vực: du lịch, Y tế, Giáo dục, thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; Làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài tỉnh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đức Trung) |
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết một số vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho Phú Thọ có cơ hội bứt phá phát triển trong thời gian tới, trở thành tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thay mặt Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, Vụ trưởng Vụ quản lý Quy hoạch Đinh Trọng Thắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, về cơ bản, quy hoạch tỉnh Phú Thọ cơ bản đáp ứng yêu cầu chung và phù hợp, tuy nhiên, vẫn cần bổ sung để đầy đủ hơn như: Xem xét, làm rõ hơn tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện xã hội, văn hóa lên phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh; bổ sung phân tích, đánh giá so sánh về lợi thế, tiềm năng phát triển, khả năng tạo không gian phát giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh lân cận, nhất là với vùng Thủ đô Hà Nội, đánh giá sự kết hợp, liên kết kinh tế trong thời gian qua, những thuận lợi và khó khăn; làm rõ vai trò tỉnh là cầu nối trong liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng thủ đô Hà Nội. Đáng chú ý, cần nghiên cứu thêm đặc điểm “hội tụ” của một vùng đồng bằng cổ, nơi vốn là kinh đô của Nhà nước Văn Lang, trải từ thành phố Việt Trì cho đến khu vực đền Hùng; hơn thế nữa còn là một Trung tâm và là “cửa ngõ” của vùng Trung du và miền núi phía Bắc kết nối với vùng Đồng bằng sông Hồng, là “điểm giao cắt” giữa hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế tiềm năng Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, và hành lang đô thị chiến lược quốc gia ở Trung du và miền núi phía Bắc gắn với các đô thị trung tâm cấp vùng…
|
Xây dưng Việt Trì thành Thành phố của lễ hội (Ảnh: PV) |
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia và các đại biểu cơ bản đánh giá Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được xây dựng khá công phu, nghiêm túc, bài bản, khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về lập quy hoạch; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của quốc gia; phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khai thác, phát huy tốt vị trí địa kinh tế - chính trị, lợi thế, tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng Đất Tổ; phương pháp lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, đảm bảo theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản có liên quan.
Trên cơ sở hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2020, Báo cáo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đã làm rõ được điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, vị trí của tỉnh đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tổ chức, phân bố không gian và cơ cấu lại các ngành kinh tế, các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển cơ bản phù hợp, phát huy tốt khả năng, cơ hội liên kết của tỉnh với vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, nhất là liên kết phát triển kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh; kết nối giao và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế - xã hội.
|
Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện (Ảnh: PV) |
Các ý kiến thẩm định cơ bản thống nhất với báo cáo quy hoạch đã xác định các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng đảm bảo hài hòa, đồng bộ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương và khả năng huy động các nguồn lực phát triển.
Các đại biểu cũng đã cho ý kiến cụ thể đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; đưa ra các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch; các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường.
Hội đồng thẩm định đã tiến hành bỏ phiếu thông qua quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng thời nhất trí thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng. Cụ thể, Hội đồng thẩm định đề nghị tỉnh Phú Thọ tổ chức rà soát lại các quy định, chủ trương, xu thế mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng... để tránh mâu thuẫn, xung đột; nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các bộ ngành, các chuyên gia phản biện để hoàn thiện Quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.