Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nuôi trồng thủy sản

Thứ tư, 29/07/2020 16:38
Bạc Liêu cần tăng cường các giải pháp thực hiện an toàn dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh của địa phương cũng như tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao.

Đây là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về việc kiểm tra phòng chống dịch bệnh thủy sản và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu, diễn ra vào ngày 29/7, tại thành phố Bạc Liêu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Bạc Liêu siết chặt việc quản lý giống, kiểm soát chặt chẽ giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đồng bộ với đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ thú y.

Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản cần dựa trên các kết quả quan trắc để chủ động dự báo tình hình dịch bệnh cho các địa phương; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển giao, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, có hiệu quả phù hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong lĩnh vực để xây dựng các mô hình trình diễn; tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ các tổ chức, hộ nông dân phát triển sản xuất theo định hướng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nhật Bình) 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh giống, nuôi trồng thủy sản của tỉnh có nhiều thuận lợi như môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện mạnh mẽ; nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp từng bước tiếp cận và đầu tư của tỉnh; phát triển nông nghiệp, trực tiếp là con tôm với trọng tâm là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm Bạc Liêu để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước.

Trên địa bàn tỉnh có trên 13 công ty, doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản như: Mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP; mô hình nuôi tôm tiên tiến, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; mô hình nuôi tôm sinh thái đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong nuôi tôm được xác định là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh….

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh vật nuôi diễn biến ngày càng phức tạp, tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm đến phòng, chống dịch bệnh, xử lý chất thải, nước thải ra môi trường bên ngoài và tâm lý chủ quan mua giống trôi nổi không có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, không qua xét nghiệm sạch bệnh trước khi thả nuôi; chưa tuân thủ tốt theo lịch thời vụ, quy hoạch sản xuất và các quy trình kỹ thuật trong nuôi trồng thủ sản.

Trong 7 tháng năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh đạt 403.000 tấn đạt 100,75% kế hoạch; trong đó, tôm đạt 203.000 tấn.

Ông Lưu Hoàng Ly cũng cho biết, Bạc Liêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xem xét đầu tư 2 âu thuyền trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu để tiếp ngọt pha loãng nước mặn vùng Nam Quốc lộ 1A để nuôi tôm trong thời điểm hạn mặn; có hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện lại hệ thống thú y, nhất là cơ sở để đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh thủy sản, gia súc gia cầm, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay. Bộ quan tâm di dời Trại thực nghiệm nước lợ Nam sông Hậu - Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam sông Hậu để đảm bảo quy hoạch phát triển của tỉnh.

Cùng với đó, Bộ giúp địa phương nghiên cứu, chuyển giao những công nghệ xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm siêm thâm canh, thâm canh, bán thâm canh nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng; tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Long Điền Tây… phía Nam Quốc lộ 1A, vùng sản xuất tôm - lúa phía Bắc Quốc lộ 1A và các công trình phòng, chống thiên tai phục vụ sản xuất.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra các nhà máy chế biến thủy sản để kiểm soát, ngăn chặn hành vi sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất; tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp tại nơi sản xuất; quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm cải tạo môi trường.

Mặt khác, Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ việc phòng chống dịch bệnh thủy sản của tỉnh và đặc biệt là chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu để tôm Bạc Liêu có thêm nhiều cơ sở được chứng nhận là an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp với các hộ dân tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra thực tế tại Tập đoàn Việt Úc Bạc Liêu, Trại thực nghiệm tôm Bạc Liêu…/.

TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực