Xu hướng tích cực của một số lĩnh vực kinh tế trong 8 tháng

Thứ sáu, 01/09/2023 09:11
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bối cảnh thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn.

Nhiều tín hiệu gia tăng ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trong 7 tháng qua

Nhiều giải pháp đã được tích cực triển khai thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Do đó, trong tháng 8, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hơn so với tháng trước và cùng kỳ 2023.

 Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vị trí trọng yếu của nền kinh tế (Ảnh: PV)

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng 2023 của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tiến độ thu hoạch lúa hè thu đạt kết quả tích cực, chăn nuôi phát triển ổn định. Nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu phục hồi do nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường tăng.

Tính đến 15/8/2023, cả nước thu hoạch được 1.071,6 nghìn ha lúa hè thu, năng suất đạt 57,5 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 11 triệu tấn. Chăn nuôi trong tháng phát triển tương đối ổn định, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 8 ước tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022; tính chung 8 tháng năm 2023 tăng 3,2%, trong đó tôm tăng 4,1%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ 2022.

Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ 2022; vận chuyển hành khách tăng 14,4% và luân chuyển tăng 28,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,1% và luân chuyển tăng 13,4%. Trong 8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).

Nguồn: Tổng cục Thống kê  

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022; tính chung 8 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, gấp 5,4 lần.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng 23,1% so với cùng kỳ 2022, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023.

Nguồn: Tổng cục Thống kê   

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2023 đã khởi sắc hơn tháng trước, có hơn 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 79,9 nghìn lao động, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,6% về vốn đăng ký và tăng 1,2% về số lao động so với tháng 7/2023.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 8 tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2022. Số dự án cấp mới đạt 1.924 dự án, tăng 69,5%; vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta.

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng cao nhất với 4,89%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18%; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%; đến nay bình quân 8 tháng tăng 3,1%.

Trong 8 tháng vừa qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. Chính phủ đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công từ 1.624 nghìn đồng/tháng lên 2.055 nghìn đồng/tháng, tương ứng với mức tăng 26,54%. Số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng năm nay giảm 5,1%; số người chết giảm 3,6%; số người bị thương nhẹ giảm 9,8% so với cùng kỳ 2022.

Theo các chuyên gia, đà hồi phục sức khỏe của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tốt lên, trong tháng 7 và 8/2023. Đặc biệt, với việc Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023 cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãm hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… của chính sách tài khóa, đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu. Trong đó, gia hạn thuế giúp doanh nghiệp có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế GTGT giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế.

 Sản xuất công nghiệp phục hồi, là một trong các điểm sáng tích cực của nền kinh tế 8 tháng qua (Ảnh: PV)

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cũng có tác động rất lớn, đơn cử như việc VND từ đầu năm đến nay vẫn giữ ổn định, chỉ sụt giảm giá trị so với USD khoảng 2%, hy vọng đến cuối năm chỉ sụt giảm 2 - 3%. Đồng tiền ổn định giúp chi tiêu trong nền kinh tế tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giúp hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhiều, từ đó thúc đẩy sử dụng vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế, kể cả đi vay hay các hoạt động huy động vốn, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, có những chính sách khuyến khích lãi suất thấp hơn của hệ thống ngân hàng khi giảm lãi suất 1,5 - 2% gói 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các chính sách ưu đãi lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội đang hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều bất ổn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong mỏi thúc đẩy nhanh chính sách hoàn thuế GTGT để gỡ vướng trong khâu ách tắc dòng tiền. Bởi hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn. Đặc biệt, thời gian tới khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn và nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xu hướng chung toàn cầu.

Thêm nữa, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các bộ, ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí; hỗ trợ về tài chính và tín dụng; thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng.../.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực