Xuất khẩu qua thương mại điện tử: Chậm chân thì mất thị trường

Thứ hai, 09/12/2024 15:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh khốc liệt, những doanh nghiệp không kịp thích nghi và tận dụng cơ hội sẽ nhanh chóng bị tụt lại, nhường thị trường cho các đối thủ khác.
 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trở thành một phương thức xuất khẩu hiệu quả và ít tốn kém hơn so với cách thức truyền thống. Với sự phát triển vượt bậc của các nền tảng TMĐT như Amazon, Alibaba hay eBay, nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế mà không cần thông qua những khâu trung gian phức tạp.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2023, 53% doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thông qua các sàn TMĐT, trong khi 47% khác sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây dựng. Đáng chú ý, 60% doanh nghiệp khẳng định giá trị hàng hóa xuất khẩu qua TMĐT chiếm từ 10% đến 30% tổng doanh thu xuất khẩu của họ.

Các con số này không chỉ minh chứng cho sự tăng trưởng của TMĐT mà còn cho thấy xu hướng tất yếu của nền kinh tế số. TMĐT xuyên biên giới không chỉ mở rộng thị trường mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường ngách, cải tiến sản phẩm theo nhu cầu cụ thể của khách hàng.

Những trường hợp thành công, như Công ty Phân lân Ninh Bình và Công ty TNHH VIETIMEX cho thấy tiềm năng to lớn của TMĐT xuyên biên giới. Theo ông Dương Như Đức, Giám đốc Phân lân Ninh Bình, nhờ tận dụng các sàn TMĐT, doanh nghiệp của ông đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Đông Nam Á. Trong khi đó, ông Dương Phụ Hàn, Giám đốc Công ty TNHH VIETIMEX chia sẻ rằng, sàn TMĐT Alibaba đã giúp công ty kết nối trực tiếp với nhiều đối tác lớn trên toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, cả hai ông cũng thừa nhận rằng TMĐT không phải là con đường hoàn toàn dễ dàng. Những khó khăn liên quan đến phí giao dịch cao, giới hạn giá trị giao dịch, và các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm vẫn là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp. 

Trong khi các doanh nghiệp lớn đang tích cực tận dụng TMĐT để tăng trưởng, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (SME) lại gặp không ít khó khăn khi bước chân vào sân chơi này. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu kiến thức và kỹ năng số cần thiết để triển khai TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Đông Dương, kinh doanh trên các nền tảng TMĐT mang lại nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề như bảo mật thông tin, logistics và rào cản ngôn ngữ. Những vấn đề này không chỉ làm chậm quá trình xuất khẩu mà còn gây mất niềm tin với khách hàng quốc tế.

Thêm vào đó, các rào cản pháp lý và thuế quan cũng đang là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp Việt. Mỗi quốc gia có một bộ quy tắc riêng về tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hải quan và các loại thuế phí. Nếu không hiểu rõ và tuân thủ nghiêm ngặt, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro lớn trong quá trình giao dịch.

Một vấn đề khác là logistics - xương sống của TMĐT xuyên biên giới. Ông Liu Liang, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Vân Nam (Trung Quốc) nhấn mạnh rằng, vận chuyển nhanh chóng và hiệu quả là yếu tố sống còn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế. Các doanh nghiệp Việt cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống logistics và chuỗi cung ứng nếu muốn cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. 

Bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp Việt cũng đang được hưởng lợi lớn từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự hội nhập kinh tế quốc tế. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, và RCEP đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp, đồng thời giảm bớt rào cản thuế quan đối với nhiều mặt hàng.

Theo ông Yap Kwong Weng, CEO của Việt Nam SuperPort, TMĐT xuyên biên giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ sự hậu thuẫn từ các FTA và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn duy trì vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT.

Ở cấp độ quốc gia, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT. Trung tâm Phát triển TMĐT (Ecomex) đang nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo về TMĐT xuyên biên giới cũng được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao năng lực và phổ biến các quy định mới nhất cho doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực cần thiết để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn và tận dụng tối đa cơ hội từ TMĐT.

Dù TMĐT xuyên biên giới mang lại nhiều tiềm năng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng kịp nắm bắt cơ hội. Trong cuộc đua khốc liệt này, chậm chân đồng nghĩa với việc bị đẩy ra khỏi sân chơi.

Các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ rằng TMĐT không chỉ là một công cụ bán hàng mà còn là chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin với khách hàng quốc tế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, hợp tác với các đối tác bản địa để nắm bắt thị hiếu và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công. Những doanh nghiệp nào sẵn sàng thay đổi tư duy và hành động quyết liệt sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường, trong khi những doanh nghiệp chần chừ sẽ bị bỏ lại phía sau.

TMĐT xuyên biên giới không chỉ là xu hướng mà còn là tương lai của ngành xuất khẩu. Với những lợi thế sẵn có, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng nền tảng số để vươn xa trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế, và chính bản thân họ cũng phải chủ động vượt qua những thách thức hiện tại.

Chậm chân, đồng nghĩa với mất cơ hội. Và, trong cuộc đua TMĐT xuyên biên giới, không có chỗ cho sự do dự./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực