|
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đức Toàn) |
Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong bối cảnh đại dịch COVID – 19 diễn ra ngày 21/8.
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái và đại diện 20 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 9 điểm cầu của các huyện, thị, thành phố và 9 điểm cầu tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Yên Bái đã thành lập mới 209 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên gần 2.600, với tổng vốn đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng. Tổng số HTX thành lập mới đến hết ngày 15/8 là 63, nâng tổng số HTX hiện có toàn tỉnh lên 564. Tổng số lao động trong các doanh nghiệp là trên 42.000 người, 28.000 thành viên trong các HTX. Thu nhập bình quân của người lao động từ 5,4 - 6,7 triệu đồng/tháng.
8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp và HTX tỉnh Yên Bái nộp ngân sách Nhà nước trên 823 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã có 418 doanh nghiệp, 41 HTX phải tạm ngừng hoạt động, 28 doanh nghiệp và 2 HTX giải thể, số lao động bị mất việc được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tháng 8 là trên 2.360 người với tổng số tiền chi trả trên 31 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã được thông tin các chính sách của Trung ương và của tỉnh về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ứng phó với tác động của dịch COVID-19.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX trong bối cảnh dịch COVID-19, các đại biểu đã cùng thảo luận, đề xuất, kiến nghị, đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX để duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Hầu hết các ý kiến đề nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn về: thủ tục thuê đất; thông tin về quy hoạch về sử dụng đất; bình ổn giá vật liệu; miễn giảm thuế; giảm lãi suất ngân hàng; hỗ trợ vốn vay; giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động …
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng cũng như kết quả mà các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đạt được trong thời gian qua.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung cao nhất thực hiện "mục tiêu kép”, đặc biệt, tập trung phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, quyết tâm kiểm soát và giữ vững "vùng xanh" an toàn.
|
Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Đức Toàn) |
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn yêu cầu các sở, ban, ngành cần triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX theo chính sách của trung ương, của tỉnh; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, các thủ tục qua dịch vụ công ích, trong đó đặc biệt quan tâm đến các thủ tục về đất đai; thực hiện tốt hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn, hoãn thuế, phí cho doanh nghiệp, HTX chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đảm bảo nhanh gọn, kịp thời, đúng chính sách.
Cùng với đó, thực hiện tốt các giải pháp lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường; triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ; khẩn trương tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nâng cao chất lượng quản trị, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thương mại điện tử, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tập trung khai thác thị trường nội địa, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới./.