Với 52 loại saponin, sâm Lai Châu có giá trị cao vượt trội

Thứ tư, 10/07/2024 08:44
(ĐCSVN) - Theo các nhà khoa học, cùng với sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có chứa trên 52 loại Saponin, cao vượt trội so với các loại sâm khác trên thế giới. Đặc biệt, trong thành phần rễ củ sâm Lai Châu có chứa hoạt chất Majonoside-R2 (MR2), có tác dụng và ưu điểm vượt trội trên tim mạch, gan thận, đồng thời giúp giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Theo các nhà khoa học, trong sâm Lai Châu có đến hơn 52 loại saponin, cao vượt trội so với các loại sâm khác trên thế giới. Đặc biệt trong thành phần rễ củ sâm Lai Châu có chứa hoạt chất Majonoside-R2 (MR2) - là hợp chất tìm thấy ở 2 loài sâm trên thế giới là sâm Việt Nam và sâm Nhật Bản. 

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sâm và dược liệu Việt Nam đã xác định hàm lượng trung bình hoạt chất chính MR2 trong các mẫu sâm Lai Châu là 4,24 ± 0,75%, có giá trị cao vượt trội so với quy định hiện nay của Dược điển Việt Nam (0,4%) và chiếm hơn 50% tổng saponin toàn phần.  

Vùng trồng Sâm Lai Châu hữu cơ rộng 10ha, trong đó diện tích nhà màng hơn 2ha tại Sìn Hồ, Lai Châu của công ty Dược phẩm Thái Minh.

Hoạt chất MR2 trong sâm mang tới nhiều tác dụng và ưu điểm vượt trội so với các dòng sâm khác trên thế giới trên tim mạch, gan thận đồng thời giúp giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Hiện nay, sâm Lai Châu chủ yếu được sử dụng ở dạng tươi hoặc sấy khô, chưa có sản phẩm chế biến sâu. Theo đó, Viện nghiên cứu Sâm và Dược liệu Việt Nam đã sáng chế ra quy trình công nghệ chế biến Hồng sâm Lai Châu và chuyển giao cho nhà máy Thái Minh Hi-tech thương mại hóa sản phẩm. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được sử dụng từ những củ sâm Lai Châu 6 tuổi nuôi trồng hữu cơ theo quy trình 7 bước khắt khe, sử dụng công nghệ lên men vi sinh trong chế biến. Sau quá trình chế biến, Hồng sâm Lai Châu vẫn giữ được những đặc tính dược lý riêng biệt của sâm Việt Nam, làm cải thiện các tác dụng sinh học như chống oxy hóa, nâng cao khả năng tăng cường sức khỏe cao hơn so với dạng chưa chế biến và dễ hấp thu các hoạt chất vào cơ thể hơn.

Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fuscidiscus) được phát hiện từ năm 2013, dựa vào phân loại của WFO, Sâm Việt Nam được chia làm: PanaxPanax vietnamensis var. vietnamensis (Sâm Ngọc Linh), Panax vietnamensis var. fuscidiscus (Sâm Lai Châu) và Panax vietnamensis var. langbianensis (SâmLangbian). Tuy nhiên, cập nhật phân loại mới nhất của COL, Sâm Lai Châu được xem là đồng danh chính thức của Sâm Việt Nam, điều này có nghĩa sâm Việt Nam chỉ có một thứ duy nhất là sâm Langbian.

Sâm Lai Châu được thương mại hóa qua các sản phẩm chất lượng tốt, dễ sử dụng. 

Tất cả bộ phận của cây sâm Lai Châu đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống trầm cảm. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần. Sâm Lai Châu có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng gần giống với tác dụng của nhân sâm.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang xây dựng Đề án phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu Sâm Lai Châu, đến năm 2030, mở rộng diện tích trồng sâm đạt khoảng 3.000ha, sản lượng khoảng 30 tấn/năm; đến năm 2035, trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao; cây Sâm Lai Châu thành một trong những cây chủ lực giá trị cao gắn vào quá trình phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu tại những nơi có điều kiện phát triển Sâm dưới tán rừng./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực