|
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
(Ảnh: Lâm Hiển/ĐBND) |
Sáng 15/7, tại điểm cầu Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.
Cuộc bầu cử luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào và cử tri cả nước. Công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức bầu cử được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, linh hoạt và sáng tạo trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu. Cử tri đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, cử tri cả nước đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm vào công tác bầu cử. Trong bối cảnh khó khăn, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu vùng xa, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị, hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng chống dịch bệnh COVID- 19 vẫn hăng hái tích cực tham gia bỏ phiếu bằng ý chí và tinh thần dân tộc. Vì vậy cử tri đi bầu lần này rất cao, đạt 99,6% tổng số cử tri cả nước.
|
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Lâm Hiển/ĐBND) |
Sau khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng kết về cuộc bầu cử lần này, trong đó nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã ban hành 2 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành có liên quan đã ban hành 144 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, làm cơ sở triển khai công tác bầu cử với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, tất cả vì thành công chung của cuộc bầu cử.
Cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).
Các cử tri cũng bầu 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.
Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng cho rằng, cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động. Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú. Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định...
Tiếp đó, Hội nghị cũng nghe đại diện lãnh đạo Chính phủ báo cáo tổng kết công tác tham gia cuộc bầu cử của Chính phủ; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng kết công tác mặt trận tham gia bầu cử.
Hội nghị cũng đã nghe đại diện lãnh đạo Ủy ban bầu cử một số tỉnh thành phố trình bày tham luận về kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử liên quan đến việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu HĐND và giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu HĐND các cấp; về kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử liên quan đến việc lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử và thành lập các khu vực bỏ phiếu; về kinh nghiệm trong công tác triển khai bảo đảm an ninh, trật tự, y tế, các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 bảo đảm cho cuộc bầu cử; về kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; về đánh giá quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thông tin tuyên truyền, vận động bầu cử./.