Đối ngoại phải luôn gắn với đối nội

Thứ hai, 13/03/2023 19:35
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối ngoại phải luôn gắn với đối nội, do đó, làm bất cứ điều gì cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. 

Ngày 13/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường nhận nhiệm vụ.

Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Bộ Ngoại giao những năm gần đây đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các Trưởng cơ quan đại diện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ thông qua các lớp học chuyên đề, trao đổi, làm việc với các bộ, ngành địa phương. Đây là việc làm hết sức thiết thực và hữu ích.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất, coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động.

Nhắc lại câu nói "Ngoại giao là kết tinh của trí tuệ, là cuộc sống diễn ra hàng ngày", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong các hoạt động của mình, Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam luôn đặt lợi ích quốc gia lên trước hết và trên hết, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương góp phần tích cực bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ an ninh quốc gia "từ sớm, từ xa", bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam làm tốt bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tích cực phối hợp, thúc đẩy để 15 nước châu Âu còn lại phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư và Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản của Việt Nam.

Hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các Trưởng cơ quan đại diện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ như: tổ chức các lớp học chuyên đề, trao đổi, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, làm việc với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội..., Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cách làm thiết thực để các Trưởng cơ quan đại diện nhanh chóng tiếp cận với nhiệm vụ mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc gặp mặt 

Với sứ mệnh là người đại diện cho Đảng và Nhà nước tại sở tại, triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ngoại giao đóng góp rất tích cực để đất nước có được cơ đồ, vai trò, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày nay. Ngược lại, vị thế, vai trò, uy tín của đất nước hiện nay cũng tạo điều kiện cả về thế và lực, tạo môi trường thuận lợi cho công tác ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, bảo bối của ngoại giao các nước và nhất là Việt Nam ta chính là sức mạnh tổng hợp. Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh sức mạnh tổng hợp này là sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Do đó, chúng ta phải tiếp tục nâng tầm ngoại giao để đóng góp tích cực hơn vào việc nâng cao hơn nữa uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nêu bật ý nghĩa của đối ngoại Quốc hội trong 3 trụ cột của nền ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đối ngoại Quốc hội kết nối nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, kết nối chính sách và tầm nhìn phát triển của đất nước ta với các đối tác. Do đó, cần triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại, trong đó có đối ngoại Quốc hội trên tinh thần tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội ta với cơ quan lập pháp nước sở tại, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các Nghị sỹ của nước sở tại.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối ngoại phải luôn gắn với đối nội, do đó, làm bất cứ điều gì cũng phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương trong đó có các diễn đàn liên nghị viện, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế.

Công tác đối ngoại phải góp phần tích cực vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa”, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải luôn ghi nhớ và thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đến nay đã được 10 năm, phải nắm vững các bài học kinh nghiệm thời gian qua để áp dụng cho công tác của Cơ quan đại diện trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó, phải luôn nêu cao tinh thần vì Nhân dân phục vụ, nhất là trong bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các Trưởng cơ quan đại diện và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Làm tốt công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm cho đồng bào, kiều bào thực sự hướng về quê hương đất nước, củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với đặc thù công tác ngoài nước, các Trưởng cơ quan đại diện có lợi thế lớn trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin và chính sách của các nước, các đối tác của ta. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác giám sát của Quốc hội, xây dựng pháp luật cũng như kinh nghiệm phòng ngừa và xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế của nước bạn, từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước.

“Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn dành sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ để tương xứng với thế và lực mới của đất nước, xứng đáng là nền ngoại giao của một nước 100 triệu dân”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

 

Phân tích một số tình hình nổi bật tại địa bàn phụ trách của các Trưởng cơ quan đại diện lần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao, các đoàn kênh Đảng, kênh Quốc hội để tăng cường quan hệ chặt chẽ toàn diện tất cả các mặt với các đối tác; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước là Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện; tăng cường triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Trong đó, tại các địa bàn châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan) cần tích cực phối hợp, thúc đẩy các nước châu Âu còn lại phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) và Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Tại các địa bàn Châu Phi, châu Mỹ và Nam Á (Nam Phi, Nigeria, Angeria, Angola, Canada, Brazil, Venezuela, Bangladesh) cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới, tận dụng thế mạnh của ta trong hợp tác về nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hạt điều từ các nước châu Phi. Đồng thời, không ngừng củng cố, xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác để làm cơ sở vận động sự ủng hộ của các nước bạn đối với lợi ích của ta trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương khác.

Tại các địa bàn Đông Nam Á (Malaysia, Brunei) là láng giềng gần gũi, phải coi trọng duy trì quan hệ đoàn kết gắn bó, song phương và trong khuôn khổ ASEAN; tăng cường tham vấn phối hợp về những vấn đề chung có tác động đến lợi ích an ninh sát sườn của ta và của khu vực, trong đó có các vấn đề trên biển; cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các Trưởng cơ quan đại diện quan tâm đến vấn đề tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như sở tại của cán bộ cơ quan đại diện. Nhấn mạnh, ngoại giao cũng chính là cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng đồng thời cũng phải giữ vững nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, là lợi ích quốc gia, dân tộc; tự tin, kiên định với tiền đồ tương lai đất nước mình nhưng đồng thời cũng phải tranh thủ hết sức sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực