Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước vĩ đại

Thứ năm, 09/07/2020 12:13
(ĐCSVN) - Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã để lại tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất của người trí thức yêu nước, người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung và người lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Xuất thân trong một gia đình công chức trung lưu, với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quê hương Long An cùng nhiệt huyết yêu nước, mong muốn học hành để phục vụ đất nước, ông đã từ giã quê hương sang du học tại Pháp từ năm 11 tuổi. Với thành tích học tập rất xuất sắc, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường Đại học Luật khoa và Văn khoa Aixen – Provence nhận vào học tại khoa Luật của trường và đã tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc tháng 9/1932. Đây là thời điểm đánh dấu bước trưởng thành của người trí thức yêu nước, về sau trở thành người cộng sản kiên trung, nhà cách mạng nổi tiếng của Đảng và dân tộc ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ thăm và làm việc tại Nhà máy dệt Thành Công (TP HCM) năm 1984. (Ảnh tư liệu).  

Ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, ông đã trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.

Những biến động lịch sử dồn dập trong những năm 1940-1945 lôi cuốn Luật sư tham gia phong trào thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Với vai trò một luật sư, ông hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức, phản đối hành động xâm lược, chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và bọn tay sai.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ông trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng góp sức lực trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.

Ngày 16-10-1949, Luật sư đã vinh dự được kết nạp vào Ðảng cộng sản Ðông Dương. Ðây là dấu mốc quan trọng nhất và đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Trở thành người cộng sản tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Hữu Thọ càng tăng lên. Bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, Luật sư đã quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Do những hoạt động yêu nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nhiều lần bị địch bắt. Tất cả những thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ của quân thù đều không lay chuyển được ý chí của nhà trí thức yêu nước

Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ông được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội bầu giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tháng 11-1988, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một nhà lãnh đạo có uy tín. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Là Chủ tịch Quốc hội, điều đồng chí Nguyễn Hữu Thọ lo lắng trước tiên là làm sao cho nhân dân “được ăn no, mặc ấm, được học hành” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng chí đã nhận thấy rõ một thực tế là nhân dân ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, lại vừa buộc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới của Tổ quốc và vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới; Trong khi tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều giảm sút, lạm phát gia tăng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đồng chí đã trực tiếp đi thực tế khảo sát ở cơ sở và nhận thấy rằng cung cách điều hành, quản lý trì trệ, cơ chế làm việc quan liêu, bảo thủ kéo dài, chậm được cải tiến, đổi mới cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Ông đã có những quan điểm, những đề xuất quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý đất nước bằng pháp luật.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đổi mới hoạt động của Quốc hội. Điều làm ông suy nghĩ nhiều nhất là làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan lập phát duy nhất, đồng thời là cơ quan giám sát tối cao đối với việc quản lý điều hành các mặt hoạt động đời sống xã hội của Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều thời gian, công sức vào việc chỉ đạo hoạt động của các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là ủy ban Pháp luật. Đồng chí cho rằng ủy ban Pháp luật phải được kiện toàn một cách nhanh chóng, phải thêm một số tiểu ban để soạn thảo các bộ luật cần thiết chưa có hoặc không còn phù hợp; Việc quản lý điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội bằng các luật là phương thức bảo đảm dân chủ cao nhất.

Với cương vị là Chủ tịch Mặt trận, đồng chí đã nhiều lần xuống địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới, với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ, chính kiến, tôn giáo, dân tộc... Xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo với tổ chức Mặt trận theo tinh thần Ðảng vừa là người lãnh đạo vừa là một thành viên của Mặt trận, làm sao để Mặt trận trở thành chỗ dựa chính trị tin cậy của Nhà nước.

Với tuổi đời 86 và hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho dân tộc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, với những cương vị khác nhau, qua các thời kỳ lịch sử đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học cao quý. Nhân dân ta và bạn bè trên thế giới sẽ mãi ghi nhớ người con trung hiếu của dân tộc Việt Nam, một nhà trí thức lớn yêu nước tiêu biểu, đã cống hiến trọn vẹn tài năng và kinh nghiệm của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng nói: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn người con Việt Nam anh hùng ấy”.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với đất nước; qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn đất nước và tinh thần đai đoàn kết dân tộc; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực