Ngành Nông nghiệp phát triển bứt phá, bền vững hơn trong năm 2023

Thứ sáu, 13/01/2023 16:10
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2023 phải cao hơn năm 2022. Theo đó, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng Nông nghiệp năm 2023 đạt 3,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt cao hơn, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới đạt 80%, đồng thời, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt ít nhất 55 tỷ USD…

Sáng 13/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế

Năm 2022, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy, nhiều chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành công mới. Ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.

Điều này được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022 (Chính phủ giao 50 tỷ USD). Bên cạnh đó, có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng,...

Đáng chú ý, trong năm 2022, công tác mở cửa thị trường có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển. Thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su, cà phê).

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Trong năm 2022, đã xây dựng được 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ….Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021,...

Bên cạnh đó, với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, tăng cả về số lượng và chất lượng số xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lũy kế hết năm 2022, có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, những kết quả trên có được nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã giúp kế nối thương mại nông sản trong và ngoài nước, cùng với tinh thần vượt khó của các Hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân,…đã giúp ngành Nông nghiệp đạt được nhiều thành công trong năm qua.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: B.T)

Phát triển bứt phá, bền vững hơn trong năm 2023

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, chúc mừng những kết quả của ngành NN&PTNT đạt được trong năm 2022. Theo Thủ tướng, năm 2022 là năm rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động lớn của thị trường, biến chuyển của xu hướng tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn nhưng ngành Nông nghiệp đã vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù tăng trưởng của ngành Nông nghiệp là 3,36%, thấp hơn so với khu vực công nghiệp, dịch vụ nhưng góp phần quan trọng, mang lại giá trị trụ đỡ cho nền kinh tế.

“Qua nhiều thăng trầm cho thấy ngành Nông nghiệp khẳng định là vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào” – Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng khẳng định, Nông nghiệp đã đóng góp vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Đồng thời, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt đầu từ đổi mới, đổi mới tư duy nghĩa là phát triển được nguồn lực. Việc đổi mới tư duy góp phần giúp nông nghiệp tăng trưởng, phát triển bền vững hơn.

Cùng với đó là gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến, sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng. Đây là điều rất quan trọng mà ngành Nông nghiệp đang triển khai thực hiện. Đồng thời, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp (Ảnh: B.T)

Cùng với những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại của ngành Nông nghiệp cần được khắc phục. Đó là tăng trưởng chưa bền vững, việc tháo gỡ thẻ vàng IUU chưa được triển khai dứt điểm; các khó khăn về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ hết; ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp hiện đang làm nhưng chưa được nhiều; việc cơ cấu lại lao động trong nông nghiệp cần được thực hiện để có giá trị gia tăng cao hơn….

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị ngành Nông nghiệp cần kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2022, đồng thời tiếp tục phát triển bứt phá, bền vững hơn trong năm 2023.

Năm 2023 là năm được dự báo có rất nhiều khó khăn, do đó, Thủ tướng đề nghị toàn ngành NN&PTNT cần bản lĩnh và linh hoạt bởi khó khăn lúc nào cũng có. Bên cạnh đó, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị để xây dựng ngành Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với phương châm lấy người nông dân là trung tâm, phát triển nền nông nghiệp là nền tảng và phát triển nông thôn làm động lực.

Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, bởi có thương hiệu mới mới thâm nhập được thị trường, tăng năng suất lao động. Đi cùng với đó là quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu ngang tầm với yêu cầu phát triển. Ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa, du lịch.

Thủ tướng cũng lưu ý ngành Nông nghiệp cần phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu cần đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả của các cơ quan đơn vị địa phương, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2023 phải cao hơn năm 2022. Theo đó, Thủ tướng giao chỉ tiêu tăng trưởng Nông nghiệp năm 2023 đạt 3,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng phấn đấu đạt cao hơn, tỷ lệ xã đạt nông thôn mới đạt 80%, đồng thời, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt ít nhất 55 tỷ USD,…

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai Nghị định 105/2022/NĐ-CP, sắp xếp lại 4 tổng cục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, tham gia xây dựng các Luật,... Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình OCOP; đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là về giống; làm tốt công tác dự báo, cung - cầu, thị trường,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực