Tạo bứt phá, phát triển nhanh và bền vững ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Thứ tư, 03/01/2024 15:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thủ tướng yêu cầu ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần bản lĩnh hơn, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, nền văn hóa ngàn năm văn hiến, phát huy tối đa sức mạnh nội sinh,...
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Sáng 3/1/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo công tác VHTTDL năm 2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, năm 2023, kế thừa những kết quả đạt được năm 2022, với sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể, sự tham mưu đúng, trúng, kịp thời, toàn ngành đã bám sát và triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, các nghị quyết của Chính phủ; tập trung thực hiện nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam; triển khai hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ của Bộ đến từng cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch công tác năm 2023 của Bộ; phục hồi, phát triển thể thao, du lịch; xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, hạnh phúc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong. 

Năm 2023 với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", ngành tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa", tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.

Theo đó, toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Toàn ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm "Dân tộc, Khoa học và Đại chúng" được lan tỏa, các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong quá trình thực hiện, được nhiều tỉnh, thành ủy làm cơ sở trong xây dựng ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định: Nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng "Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp".

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, ngành VHTTDL xác định cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong sự nghiệp "Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới", tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những thành tích của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Thủ tướng khẳng định: Ngành đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu, bước sang năm 2024, toàn ngành VHTTDL cần nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, thể thao và du lịch; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; chú trọng vấn đề động lực sáng tạo và đổi mới, làm mới những cái cũ, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, dân tộc với quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; quốc tế hoá nền văn hóa dân tộc, dân tộc hóa nền văn hoá thế giới; huy động hơn nữa hợp tác công-tư trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Thủ tướng đề nghị ngành VHTTDL không được chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được, không lơ là những diễn biến đang tác động đến sự phát triển của đất nước, không hoang mang, dao động, bi quan trước những khó khăn, thách thức có thể xảy ra. Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần bản lĩnh hơn, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, nền văn hóa ngàn năm văn hiến, phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, phát huy tối đa sức mạnh thể chất của người Việt Nam để tự tin, vững bước đi lên, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.

 

 Hội nghị Tổng kết ngành  VHTTDL năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị toàn ngành VHTTDL cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; nhất là vai trò, vị trí và nhận thức của văn hóa, thể thao và du lịch được nâng lên trên cả nước.

Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn để phát triển văn hóa, thể thao và du lịch nhanh, bền vững….

Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; phát triển thể thao chuyên nghiệp, toàn diện, bền vững; đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình Bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, chọn bước đi phù hợp.

 Trước đó, các đại biểu đã tham quan triển lãm về các thành tựu của ngành VHTTDL năm 2023.

Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ khách du lịch…; đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…); phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỷ đồng.

Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực; phát triển nguồn nhân lực, con người cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách lâu dài, phù hợp đối với các văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên và người làm việc trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm công tác, cống hiến; đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”, xây dựng “con đường di sản quốc gia, “con đường di sản quốc tế”, quan tâm, kết nối thể thao “con người với con người, từ trái tim đến trái tim”; quan tâm tiếp cận bình đẳng thể thao, du lịch nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, nhất là đối với người yếu thế; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương với địa phương, địa phương với địa phương, giữa các ngành phải chặt chẽ, hiệu quả, nhịp nhàng hơn nữa; giữa các lĩnh vực văn hóa với thể thao và du lịch./.

Tin, ảnh: TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực