Điểm sáng về “Dân vận khéo” ở Sơn Trà

Chủ nhật, 19/05/2024 12:47
(ĐCSVN) - Nại Hiên Đông là phường ven biển của quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Đây là địa phương có nhiều đặc thù về dân cư, điều đó đòi hỏi công tác dân vận trên địa bàn cũng không ngừng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức để đáp ứng yêu cầu ổn định, quản lý và phát triển.
 

Điểm sáng về “Dân vận khéo” ở Sơn Trà

Nại Hiên Đông là phường ven biển của quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng). Đây là địa phương có nhiều đặc thù về dân cư, điều đó đòi hỏi công tác dân vận trên địa bàn cũng không ngừng đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức để đáp ứng yêu cầu ổn định, quản lý và phát triển.

Trước yêu cầu đó, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trên địa bàn đã dành nhiều quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức, phát động nhiều mô hình, cách làm hay liên quan đến “Dân vận khéo”. Nhờ đó, liên tục nhiều năm qua, nơi đây là một điểm sáng về công tác này và qua đó đã đóng góp quan trọng vào việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, đồng thời giúp các tầng lớp Nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia, tạo ra sự lan toả mạnh mẽ của nhiều phong trào thi đua yên nước nơi dải đất ven biển này.

Mỗi ngày trên địa bàn phường Nại Hiên Đông tiếp tục lan toả những tấm lòng thơm thảo vì cộng đồng.

Bài học dân vận từ những buổi đầu…

Nhắc đến Nại Hiên Đông - dải đất ven biển của TP Đà Nẵng những năm trước 2000 khi TP Đà Nẵng vừa mới được chia tách với tỉnh Quảng Nam, rất nhiều người còn nhớ về hình ảnh của những dãy nhà chồ siêu vẹo, chật chội, tạm bợ và nhếch nhác ven sông Hàn, ven Vịnh Mân Quang, Thọ Quang.

Tuy nhiên, sau một thời gian với nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo TP, mà người "thuyền trưởng" đưa ra nhiều quyết sách táo bạo để phát triển TP, trong đó có việc xoá nhà chồ là cố Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh. Khi đó, cả hệ thống chính trị từ TP đến quận và phường đã được huy động để vào cuộc làm công tác dân vận; vận động bà con vạn chài sống trên những dãy nhà chồ siêu vẹo, sẵn sàng sập đổ rất nguy hiểm đến tính mạng khi mưa bão về để lên đất liền sinh sống.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành uỷ Đà Nẵng, chỉ khi bà con rời bỏ các ngôi nhà chồ để lên sinh sống trên đất liền thì đời sống mới phát triển và an toàn; con em của bà con mới có điều kiện để được đi học; văn hoá, tinh thần và các chính sách về y tế, sức khoẻ… mới được bảo đảm; đồng thời bộ mặt đô thị TP mới được khang trang, hiện đại.

Từ quan điểm chỉ đạo đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng và quận Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó đặc biệt đi đầu là thực hiện tốt công tác dân vận, vận động bà con rời bỏ nhà chồ, lên bờ cất nhà để ở.

Mặc dù thời gian đầu rất khó, bởi rời bỏ nhà chồ lên bờ cũng đồng nghĩa với việc bà con rời bỏ các thói quen, lối sống cũ quen thuộc và những mưu sinh kinh tế thường ngày nơi sông nước. Cạnh đó là những lo toan về tài chính, vật chất khi làm nhà trên đất liền cũng như các sinh kế đi theo… khiến bà con chưa đủ niềm tin để sẵn sàng thực hiện.

Chính trong hoàn cảnh đó, công tác dân vận hơn bao giờ hết đã được phát huy, gắn với những cách làm hay, thiết thực, kiên trì và đáp ứng “đúng”, “trúng” những lo lắng, chưa yên tâm của bà con. Từ đó, dần dần từng hộ đã lên bờ, sống trong những ngôi nhà vững chãi an toàn. Cũng chính từ đây, nhiều con đường, khu phố mới đã xuất hiện và đông đúc thêm. Điều này cho thấy nơi đây là vùng đất “lành”, an toàn và đáng sống.

Không chỉ có vậy, ngay sau khi lên bờ, cuộc sống mưu sinh với nghề đánh bắt trên sông, ven biển của bà con không những không bị mai một, mất đi mà vẫn được duy trì, phát triển bởi có sự vào cuộc, đồng hành kịp thời, thiết thực của các cấp uỷ, hệ thống chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể địa phương và cộng đồng xã hội.

Từ sự vào cuộc đồng bộ đó và qua lăng kính của công tác dân vận, rất nhiều nguồn lực đã được huy động, giúp bà con vạn chài ở Nại Hiên Đông có điều kiện ổn định cuộc sống, mua sắm ngư lưới cụ, máy móc, phương tiện để hành nghề biển, từng bước ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển.

Những kết quả to lớn có được đó có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận. Cũng qua việc này, công tác dân vận tại Nại Hiên Đông nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học thiết thực; đồng thời minh chứng rõ hơn vai trò quan trọng của công tác dân vận, trong đó có “Dân vận khéo” được xem như là “đòn bẩy” để thúc đẩy sự đồng thuận, đồng hành của xã hội; tạo sức mạnh to lớn và gắn kết chặt chẽ, bền vững mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là nguyên nhân mở đầu cho mọi sự phát triển, thịnh vượng sau này.

Mô hình nhà chồ tại không gian trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng. 

 

Nơi “Nở rộ” những phong trào, mô hình “Dân vận khéo”

Trong những năm qua, TP Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai, quan tâm làm tốt công tác dân vận (từ dân vận trong Đảng đến dân vận chính quyền). Nhờ làm tốt công tác dân vận mà TP đã rất thành công trong thực hiện nhiều đột phá; có nhiều mô hình, cách làm hay, thậm chí còn có những mô hình, cách làm rất riêng và chỉ có Đà Nẵng mới có (điển hình như dân vận tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong hiến đất, di dời để có quỹ đất làm công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển TP; dân vận Nhân dân ủng hộ chủ trương cùng chính quyền xây dựng các phong trào, mô hình “Thành phố 3 không”, “Thành phố 5 có", "Thành phố môi trường", “Thành phố đáng sống”…).

“Một cánh én không làm nên mùa xuân”, bởi thế những mô hình, phong trào “Dận vận khéo” ở TP Đà Nẵng để đi đến thành công đều không thể tự phát, đơn lẻ mà trái lại có sự đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân. Và cũng chính từ thực tiễn, trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay đã cho thấy vì sao Nại Hiên Đông lại là địa bàn có nhiều mô hình "Dân vận khéo" đến vậy. Từ trong “rừng hoa” Dân vận khéo ở Nại Hiên Đông đã góp phần không ngừng bổ sung thực tiễn công tác dân vận của Đảng bộ và chính quyền TP Đà Nẵng hiện nay; đồng thời qua đó tiếp tục khơi dậy, phát huy các nguồn lực để địa phương không ngừng lớn mạnh, phát triển.

Thông tin về các mô hình “Dân vận khéo” mà hiện nay phường Nại Hiên Đông đang phát huy, nhân rộng, đại diện lãnh đạo Đảng uỷ phường cho hay, hiện trên địa bàn phường có đến hơn 15 mô hình “Dân vận khéo”. Tất cả những mô hình "Dân vận khéo" này đều đang phát huy tác dụng, đặc biệt là đã và đang đi vào đời sống xã hội, được các khu dân cư, tổ dân phố, các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực.

“Với quan điểm của Đảng bộ phường chúng tôi, dân vận chính là vận động Nhân dân hiểu, đồng thuận và tích cực hưởng ứng làm theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như những chỉ đạo, phong trào của các cấp uỷ, chính quyền địa phương đưa ra. Mọi ngành, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực tham gia làm công tác dân vận. Dân vận phải tập trung làm những việc có lợi cho dân, có lợi cho Đảng, cho Nhà nước. Đặc biệt, xuất phát từ một phường ven biển, có nhiều khó khăn, đời sống Nhân dân, nhất là Nhân dân thuộc diện tái định cư hoặc từ nơi khác đến sinh sống, làm ăn, những người neo đơn, khuyết tật, mẹ đơn thân… nên rất cần sự hỗ trợ các nguồn lực để giúp bà con vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống. Chính điều này càng đòi hỏi công tác dân vận phải thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được những mong đợi, kỳ vọng và mang lại lợi ích thực sự cho người dân”- Phó Bí thư Đảng uỷ phường Nại Hiên Đông Lê Thị Ngọc Liên chia sẻ.

Công tác dân vận tại Nại Hiên Đông ngày càng thiết thực, hiệu quả,
đáp ứng được những mong đợi, kỳ vọng và mang lại lợi ích thực sự cho người dân.

Theo Phó Bí thư Đảng uỷ phường Nại Hiên Đông, trong hơn 15 mô hình “Dân vận khéo” tại địa bàn phường hiện nay đã được Đảng uỷ, UBND phường tổng kết, đánh giá, “đây là những mô hình hiệu quả, có sự lan toả và tác động lớn đến đời sống xã hội ở địa phương. Vì vậy, sau khi tổng kết, đánh giá, Ban Thường vụ Đảng uỷ phường đã chỉ đạo thúc đẩy nhân rộng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là trên thực tế ở địa phương, còn rất nhiều mô hình công tác dân vận khác nhưng quy mô và sức lan toả, tính hiệu quả chưa cao, cần có thêm thời gian để bám rễ, sinh cành rồi mới tiếp tục tập trung phát huy, nhân rộng”- đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ phường Nại Hiên Đông nhấn mạnh thêm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Phan Thuỳ Dung, các mô hình “Dân vận khéo” ở Nại Hiên Đông thời gian gần đây được “nở rộ”, nhất là qua đại dịch COVID-19 và thời kỳ hậu COVID hiện nay. “Trong cái khó lại ló cái khôn”, câu nói này rất đúng với hoàn cảnh, điều kiện của Nại Hiên Đông. Nếu như quay lại thời kỳ vận động bà con vạn chài sống ở các khu nhà chồ lên bờ đã giúp công tác dân vận tại Nại Hiên Đông ngập tràn với những cách làm hay, mô hình hiệu quả, thiết thực, đáp ứng được sự mong đợi của người dân thì trong những năm về sau, khi Nại Hiên Đông là “đất mở” để tiếp nhận nhiều đối tượng đến sinh sống, làm ăn, công tác dân vận tại đây cũng không ngừng kế thừa, đổi mới và sáng tạo, năng động hơn để góp phần ổn định đời sống xã hội, đưa kinh tế người dân phát triển, bộ mặt đô thị ngày thêm khang trang, hiện đại. Đặc biệt, trong 03 năm diễn ra đại dịch COVID-19, công tác dân vận càng thể hiện rõ hơn tầm quan trọng, vị trí của lĩnh vực công tác này trong đời sống xã hội.

Thông qua công tác dân vận, Nại Hiên Đông đã huy động và phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng và chống dịch. Các con số: Hơn 239 triệu đồng do người dân ủng hộ; gần 1 tỷ đồng là trị giá hàng hoá và vật tư y tế; trên 2.200 suất quà và nhu yếu phẩm khác cho các hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 700 triệu đồng được các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Từ nguồn hỗ trợ này để UBND phường triển khai cấp phát cho 489 hộ nghèo, 359 hộ cận nghèo, 299 hộ vừa thoát nghèo, 88 hộ công nhân và 2.158 hộ khó khăn với trên 57 tấn gạo và 1,2 tỷ đồng là những con số “biết nói” về kết quả mà công tác dân vận tại phường Nại Hiên Đông đã mang lại trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Phan Thuỳ Dung, các mô hình
“Dân vận khéo” ở Nại Hiên Đông thời gian gần đây được “nở rộ”. 

Khi đại dịch COVID-19 đi qua, trong bối cảnh cả nước, toàn xã hội cùng chung tay để khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước khôi phục, phát triển nền kinh tế thì đâu đó, ở nhiều góc phố, nhiều khu dân cư… vẫn còn những mảnh đời rất khó khăn. Chính trong lúc này, công tác dân vận lại tiếp tục khẳng định sứ mệnh của mình nhằm góp phần xoa dịu những nỗi đau mất mát do dịch bệnh để lại cũng như trang trải mỗi bữa ăn, khắc phục các khó khăn về kinh tế hằng ngày…

Điển hình các nhóm từ thiện liên tục có những đóng góp không nhỏ cho người dân địa phương như: “Bữa sáng yêu thương” tại khu dân cư Nại Hưng 2 do lực lượng dân, quân, chính khu dân cư này trực tiếp đứng ra vận động các nhà hảo tâm với 02 lần/tháng (vào ngày 1 và 15 hàng tháng) để trao 100 suất ăn trị giá số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên/1 lần. Mô hình này kéo dài nhiều năm nay và được Đảng uỷ, UBND phường Nại Hiên Đông chỉ đạo nhân rộng, phát huy hơn 01 năm qua.

Hiện nay có khá nhiều địa chỉ từ thiện dang hoạt động tích cực tại Nại Hiên Đông. 

Trong khi đó, nhiều địa chỉ từ thiện khác cũng tồn tại nhiều năm qua tại Nại Hiên Đông, là sản phẩm từ công tác dân vận tạo ra, được tổ chức 2 lần/tháng.

Điển hình là nhóm từ thiện chị Tuyết tại số 33 Trần Thánh Tông (Nại Hiên Đông) cấp phát miễn phí suất ăn cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật… vào các ngày Mồng 1 và Rằm âm lịch hàng tháng với trị giá 3.000.000 đồng/lần; Tủ bánh “Tình thương” tại ngã tư Dương Vân Nga- Phạm Huy Thông (Nại Hiên Đông) phát mỗi lần 200 suất ăn trị giá 3.500.000 đồng/lần vào ngày đầu tháng và giữa tháng; Tủ bánh “Tình thương” tại Chung cư C2 Nại Hưng 1 (Nại Hiên Đông) phát mỗi lần 100 suất ăn miễn phí với trị giá 1.000.000 đồng/lần; nhóm “Sống để yêu thương” và “Bếp cơm không đồng” tại 357 Khúc Hạo (Nại Hiên Đông) phát mỗi lần 400 suất ăn miễn phí trị giá 4.500.000 đồng/lần; nhóm “Thiện Tâm” kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài nước hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường Nại Hiên Đông hơn 107.650.000 đồng trong năm 2023…. 

“Không chỉ là những bữa ăn miễn phí do các nhóm, tổ từ thiện qua vận động, kêu gọi trong xã hội ủng hộ mà có, quan trọng hơn là sau mỗi suất ăn, mỗi phần quà hỗ trợ đó là cả tấm lòng yêu thương, chia sẻ, sự đoàn kết, hỗ trợ để cùng nhau phát triển của xã hội.

Nếu công tác dân vận kém thì chắc chắn sẽ không thể nào có được những quả ngọt đó. Bởi thế, từng cấp uỷ, từng chi bộ, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở (tổ dân phố, khu dân cư) và mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu luôn quan tâm chăm lo xây dựng, thúc đẩy công tác dân vận hiệu quả, thiết thực; chủ động xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” đa dạng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, có sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phường vững mạnh. Trên thực tế trong thời gian vừa qua, yêu cầu cần tập trung là hướng công tác dân vận đến cơ sở bằng mọi nguồn lực để giúp đỡ các hộ yếu thế trên địa bàn, nhất là các mô hình “Dân vận khéo” về đảm bảo an sinh xã hội đã được quan tâm, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan và tạo sự lan tỏa khá mạnh mẽ”, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Phan Thuỳ Dung nhận định thêm.

Thông qua công tác dân vận, nhiều nguồn lực trong xã hội được huy động để chính quyền phường Nại Hiện đông trao đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là các đối tượng khó khăn. 

Tiếp tục nhân lên những mô hình, cách làm hay

Để công tác dân vận phát huy vai trò và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, hằng năm Đảng uỷ phường Nại Hiên Đông đều xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai đến các cấp uỷ ở cơ sở; đồng thời lựa chọn một số mô hình “Dân vận khéo”, có tính lan toả và hiệu quả thiết thực để chỉ đạo nhân rộng.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Đảng uỷ phường cũng chú trọng chỉ đạo UBND và các ngành, đơn vị có liên quan duy trì hoạt động tiếp, đối thoại với công dân; xem đây là giải pháp quan trọng mang hiệu ứng cao và thiết thực, kịp thời để người dân thông hiểu, đồng thuận với các chủ trương, các vấn đề còn khúc mắc, nhờ đó tránh và hạn chế tối đa các vụ kiện, khiếu nại vượt cấp hoặc gây bức xúc kéo dài trong Nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo UBND phường đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với nhiều đối tượng người dân trên địa bàn, trong đó có 310 hộ nghèo còn sức lao động để nắm bắt nhu cầu của các hộ, đồng thời tư vấn, định hướng, tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm giúp các hộ này vươn lên thoát nghèo bền vững. Tham dự các buổi đối thoại, ngoài lãnh đạo UBND phường là lãnh đạo của Uỷ ban MTTQ và các hội đoàn thể của phường. Sau đối thoại, các thành viên tiến hành họp xét, thống nhất danh sách, nhu cầu hỗ trợ đối với từng hộ. Trên cơ sở những thống nhất đó, UBND phường tiếp tục tổ chức buổi đối thoại lần hai thống nhất nhu cầu và hướng dẫn các thủ tục theo quy định.

Cùng với các buổi đối thoại này, UBND phường cũng chủ trì tổ chức 02 đợt đối thoại kết hợp với khảo sát thực tế tại 70 hộ gia đình cần hỗ trợ sinh kế, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên nhu cầu chính đáng của mỗi hộ. Qua đối thoại, các hộ cam kết sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả các phương tiện, nguồn vốn được hỗ trợ, trong 02 năm các hộ phải phấn đấu thoát nghèo.

“Tại các buổi đối thoại, chủ trì đối thoại là đồng chí Chủ tịch UBND phường sau khi trực tiếp trao đổi và nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng hộ; trên cơ sở đó giải quyết tại chỗ những trường hợp đã rõ ràng về nhu cầu vay vốn, học nghề để sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong số những hộ này, có không ít các trường hợp là đối tượng thất nghiệp hoặc sau khi sa ngã tham gia   vào các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật phải đi cải tạo về cần có việc làm để ổn định cuộc sống và tái hoà nhập với cộng đồng. Vì thế, các buổi đối thoại còn là đợt “tập huấn”, dịp để động viên các đối tượng chí thú làm ăn, tránh sa ngã hay tái phạm. Do vậy, phường nhận định các buổi đối thoại là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực để người dân nâng cao nhận thức, từng bước đồng thuận với các chủ trương, chính sách, pháp luật và gắn kết có trách nhiệm với cộng động, xã hội nên cần phải duy trì, phát huy hơn nữa trong  thời  gian đến”- Phó Bí thư Đảng uỷ phường Nại Hiên Đông Lê Thị Ngọc Liên chia sẻ.

Mỗi buổi đối thoại, lãnh đạo phường Nại Hiên Đông hiểu hơn và tìm ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả, đáp ứng như cầu, mong mỏi của người dân. 

Ngoài các buổi đối thoại, thời gian qua, UBND phường còn thành lập tổ hỗ trợ xử lý, giải quyết các thủ tục hành chính. Thành viên của tổ này là các bạn đoàn viên, thanh niên công tác tại các lĩnh vực có liên quan như Công an, Tư pháp, cán bộ Hộ tịch, Văn phòng… Các thành viên của tổ rất tích cực, ngoài tư vấn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa còn thường xuyên tham gia các đợt ra quân hướng dẫn làm căn cước công dân và các giấy tờ liên quan đến thủ tục đăng ký đất đai, sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, tổ hỗ trợ này cũng thường xuyên định kỳ hàng tháng xuống khu dân cư để tư vấn, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính ngay tại khu dân cư. Riêng với những đối tượng neo đơn, người tàn tật, người bị bệnh không đi lại được, các thành viên của tổ cũng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời khi có nhu cầu liên quan đến thủ tục hành chính. Qua hoạt động này, tổ hỗ trợ đã giúp nhiều người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh, gọn, tránh sai sót và tiết kiệm được thời gian, chi phí. Đây là hoạt động được các tầng lớp Nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Vì thế, UBND phường đang chỉ đạo tiếp tục duy trì, triển khai thường xuyên.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đến nay, Đảng uỷ Phường Nại Hiên Đông đã chỉ đạo duy trì và đẩy mạnh lan toả các mô hình “Dân vận khéo” có tính thiết thực. Đảng uỷ phường cũng chỉ đạo Ban Dân vận phường chọn mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, có tính lan toả mạnh để đăng ký với Ban Dân vận Quận uỷ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, nhân rộng.

Trong các mô hình được lựa chọn này có 02 mô hình thu hút sự quan tâm, tích cực tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các lực lượng dân, quân, chính cũng như người dân trên địa bàn phường. Đó là các mô hình: “Cựu chiến binh với môi trường, gắn với phân loại rác thải và xây dựng vườn rau sạch” của Hội Cựu chiến binh phường và “Huy động mọi nguồn lực cho công tác an sinh xã hội tại Khu dân cư”; “Bữa sáng yêu thương” và “Vườn cây thuốc nam” của Chi bộ Nại Hưng 2A.

Đồng chí Lâm Quang Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nại Hiên Đông nói  về  các  mô  hình  "Dân  vận  khéo" do Hội Cựu chiến bình phường  đang triển khai.

Qua tìm hiểu chúng tôi được đồng chí Lâm Quang Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nại Hiên Đông cho hay, đầu năm 2023 mô hình “Cựu chiến binh với môi trường, gắn với phân loại rác thải và xây dựng vườn rau sạch” do Hội Cựu chiến binh phường triển khai tại 14/16 chi hội cơ sở. Theo đó, ở 14/16 chi Hội cơ sở này đã xây dựng thùng thu gom rác thải tái chế và bình quân mỗi tháng qua thu gom rác thải để đổi thành tiền khoảng 2 triệu đồng; trong khi đó với vườn rau sạch 200m2 xây dựng tại chung cư số 1 Nại Thịnh Đông 2 từ một khu đất rác và đá gây mất mỹ quan, Hội Cựu chiến binh phường đã huy động toàn thể hội viên của chi hội cùng các hộ gia đình khu chung cư làm sạch cải tạo trồng rau. Qua đó vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đồng thời tạo thói quen cho người dân bỏ rác thải đúng nơi quy định.

Hằng tháng vườn rau này thu hoạch được 50kg rau các loại trị giá khoảng 750.000/tháng. Vườn rau cũng cung cấp nguồn rau sạch cho cán bộ, hội viên Hội Cựu Chiến binh và một số người dân trong khu vực. Từ số tiền thu hoạch được, Hội sử dụng vào việc nâng cao công tác an sinh xã hội ở các chi hội. Ngoài ra, từ nguồn thu gom rác tái chế, Hội đã tặng 01 xe đạp trị giá 1.500.000 đồng cho con Hội Cựu Chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp năm học mới, mua 3 thẻ bảo hiểm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn và 14 suất quà cho các cháu lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và hội viên Hội Cựu Chiến binh khó khăn với số tiền 4,2 triệu đồng.

Trong khi đó, với mô hìnhBữa sáng yêu thương” và “Vườn cây thuốc nam” của Chi bộ Nại Hưng 1A được hình thành từ  ý tưởng của đồng chí Bí thư chi bộ, đưa ra họp bàn với Chi bộ và Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư cùng quân dân chính khu vực thống nhất chủ trương, biện pháp hành động. Đồng chí Bí thư chi bộ làm gương ủng hộ 2,3 triệu đồng trước để đóng 01 tủ bánh. Tủ bánh với tiêu đề Tủ bánh tình thương, cán bộ, nhân dân khu vực Nại Hưng 1A kính tặng…” và nguồn kinh phí ban đầu được cán bộ, đảng viên hưởng ứng ủng hộ.

Sau khi đi vào hoạt động, cùng với các cán bộ, đảng viên của chi bộ, các hộ dân trong khu dân cư đã cùng ủng hộ dể tủ bánh được hoạt động thường xuyên. Đến nay trang Zalo “Nhóm từ thiện khu vực NH1A” có 55 thành viên tham gia, thường xuyên dõi hoạt động của Nhóm và công khai thu- chi hàng tháng. Tủ bánh được duy trì thường xuyên 2 năm nay, mỗi tháng 2 buổi sáng vào các ngày Mồng 1 và Rằm âm lịch, các món ăn được thay đổi như: Bánh mỳ kèm sữa hoặc cháo, bánh cuốn…

Đồng chí Lê Văn Hoà, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Nại Hưng 2A nói  về mô hình “Bữa sáng yêu thương” được triển khai trên địa bàn dân cư hiện  nay.

Theo đồng chí Lê Văn Hoà, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận Nại Hưng 2A, bình quân mỗi sáng các phần ăn được trao tặng miễn phí đến với cộng đồng dân cư có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 1,2 đến 1,5 triệu đồng, được cán bộ nhân dân khen ngợi, đồng tình ủng hộ. Từng buổi phát quà đều phân công cán bộ tham gia tiếp nhận bánh, sữa, cháo... từ các nguồn cung cấp và sắp vào tủ để phát cho dân. Những người, hộ gia đình khó khăn về kinh tế đến nhận, ban tổ chức cử người mang đến tận nhà những người bệnh tật không đi lại được.

Nói về mô hình “Vườn cây thuốc nam” của Chi bộ Nại Hưng 1A, đồng chí Bùi Thế Hoa, Bí thư chi bộ cho biết, tại khu vực Nại Hưng 1A  có 4 tòa nhà chung cư và nhiều khu đất trống bỏ hoang, rất nhếch nhác, là nơi để ruồi, mũi, chuột sống gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người. Để tạo môi trường xanh sạch, đẹp, cấp ủy chi bộ bàn bạc, thống nhất cải tạo khu đất trống để trồng một vườn thuốc nam. Đến nay diện tích khu vườn thuốc nam đã lên trên 700 m2, được trồng nhiều loại cây thuốc như: Nhân trần, đinh lăng, gừng, sả, rẻ quạt, sâm đất, ngãi cứu, long tu,….

“Hàng ngày chi bộ phân công đảng viên thay phiên tưới và chăm sóc vườn thuốc. Từ đây, nhiều đồng chí đảng viên và cán bộ dân quân chính học tập cách trồng thuốc nam cũng về nhà tự tạo những góc vườn thuốc nam rất tiện lợi. Mỗi khi gia đình hoặc người quen bị các bệnh thông thường có thể lấy dùng để chữa bệnh. Đồng thời, đây cũng là cách đơn giản nhưng thiết thực để làm cho khu dân cư xanh, sạch, đẹp và tránh ô nhiễm môi trường sống từ các bãi đất hoang. Với cách làm này, hiện mô hình “Vườn thuốc nam” của chi bộ chúng tôi thực sự được lan tỏa trong cộng đồng”- đồng chí Bùi Thế Hoa, Bí thư chi bộ Nại Hưng 1A chia sẻ.

Chia tay Nại Hiên Đông - nơi chúng tôi được nghe, thấy và chứng kiến những cách làm hay, mô hình hiệu quả mà công tác dân vận đã mang lại, có thể đâu đó, tại nhiều địa phương khác cũng có nhiều mô hình, cách làm “Dân vận khéo” như nơi đây, song dù ở đâu cũng vậy, nếu những cái tốt được lan toả thì xã hội càng tốt thêm. Đây cũng là niềm tin tưởng mà chúng tôi thấy được tại mảnh đất Nại Hiên Đông đầy ân tình và đáng sống này./. 

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực