Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Hai chính sách này ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Trong những năm qua, chính sách BHXH của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Là một trong những địa phương của cả nước triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tới người dân, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La trong gần 30 năm qua đã không ngừng nỗ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước và ngành BHXH Việt Nam.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với các sở, ban, ngành nên việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của BHXH tỉnh Sơn La thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ở Sơn La đạt trên 97% và Sơn La cũng là một trong những địa phương có kết quả đáng mừng về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện..
Vượt một chặng đường khá xa từ Hà Nội, chúng tôi đến thăm cô Lê Thị Minh (tiểu khu 21, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) vào đúng dịp gia đình cô có niềm vui lớn. Tiếp chúng tôi khi đang tất bật các công việc chuẩn bị vì “nhà có việc”, cô Minh không giấu nổi những niềm vui hiện rõ trên gương mặt. Không chỉ là vui vì việc đại sự “lấy vợ cho con trai”, cô vui vì bởi: “Giờ các em đã lớn, đến tuổi dựng vợ gả chồng và có cuộc sống riêng rồi, cô không lo sau này phụ thuộc vào các con. Có lương hưu rồi, cô yên tâm lắm. Sau này già cả, không đi làm được thì cũng không phải lo lắng quá nhiều. Mừng lắm cháu ạ”.
|
|
Giám đốc BHXH huyện Mai Sơn Trần Quốc Quỳnh trao Quyết định hưởng lương hưu cho cô Lê Thị Minh. (Ảnh: BHXH Mai Sơn) |
Niềm vui “có lương hưu” của cô Minh dường như lan tỏa ra cả các thành viên khác trong gia đình, họ hàng. Chú Phạm Văn Thịnh (chồng cô Minh) chia sẻ: “Tôi là người luôn ủng hộ việc tham gia BHXH tự nguyện, bởi đây là một chủ trương giàu tính nhân văn của Đảng, Nhà nước. Khi tham gia BHXH tự nguyện đủ thời gian theo quy định, những người lao động tự do như vợ tôi được nhận lương hưu – điều này giúp giảm gánh nặng cho chính bản thân người được hưởng lương và giảm cả gánh nặng cho con cái khi về già. Buổi trao quyết định nhận lương hưu cho vợ tôi được tổ chức đúng vào ngày 20/10/2023 với sự tham gia của đông đảo người dân trong tiểu khu nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Nhiều người rất bất ngờ vì điều này. Sau đó, cuốn sổ hưu của vợ tôi trở thành câu chuyện được nhiều quan tâm và truyền cảm hứng cho nhiều người khi họ còn băn khoăn việc tham gia BHXH tự nguyện”.
Theo Giám đốc BHXH huyện Mai Sơn Trần Quốc Quỳnh, cô Lê Thị Minh là trường hợp đầu tiên của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng. Cô chính thức được nhận quyết định nghỉ hưởng lương hưu vào ngày 20/10/2023 sau khi tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện đủ 20 năm.
Cô Minh làm nghề buôn bán nhỏ tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Cô kể, cách đây nhiều năm khi thấy các cô, các chú tuổi hưu trí đi lĩnh lương hưu hằng tháng, cô “thèm” lắm và mong ước sau này khi hết tuổi lao động cũng được lĩnh lương hưu như thế.
Tháng 12/2007, Chính phủ Ban hành Nghị định số 190/2007/NĐ-CP về Hướng dẫn một số điều của Luật bảo hiểm xã hội tự nguyện và ngày 31/01/2008 có Thông tư hướng dẫn một số Điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Qua thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình chu đáo của cán bộ viên chức Bảo hiểm xã hội huyện Mai Sơn, cô Minh đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện.
|
|
Chú Phạm Văn Thịnh chia sẻ với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về niềm vui của gia đình khi cô Minh được hưởng lương hưu theo chế độ của BHXH. (Ảnh: Thu Lan) |
Từ tháng 01/2008 đến 9/2023, mỗi tháng cô đều chắt chiu một khoản tiền nhỏ từ nguồn thu nhập do buôn bán để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đến tháng 10/2023, cô Lê Thị Minh đủ tuổi nghỉ hưu, đến thời điểm này quá trình tham gia BHXH của cô là 15 năm 9 tháng, như vậy cô còn thiếu 4 năm 3 tháng để đủ 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cô Lê Thị Minh đã thực hiện đóng một lần cho những năm còn thiếu đó. Do vậy, sau khi hoàn tất số tiền tham gia BHXH đủ 20 năm, cô Lê Thị Minh đã chính thức được hưởng chế độ hưu trí từ ngày 1/11/2023, tỷ lệ tính lương hưu 55%, mức lương hưu được hưởng hằng tháng là 4.635.241đồng.
Qua tiếp xúc với nhiều người dân là lao động tự do, điều mà chúng tôi nhận thấy là họ thường có tâm lý lo lắng về nguồn thu nhập không ổn định khi về già, rồi các rủi ro, bất trắc liên quan đến vấn đề sức khỏe… Hiểu được điều này, ngày càng có nhiều người dân tìm hiểu và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và người thân.
|
|
Chị Hồ Thị Loan (bên phải) tìm hiểu về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: Kiều Giang) |
Chị Hồ Thị Loan (36 tuổi), người kinh doanh quần áo tại một khu chợ ở thành phố Sơn La cho biết: Bản thân chị ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm và rất muốn tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, do đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ (chị có 3 người con) nên kinh tế chưa dư giả. Chị cũng đang thu xếp và cân đối chi tiêu để có thể sớm mua bảo hiểm tự nguyện, để sau này cũng có thể hưởng lương hưu khi về già.
Trong khi đó, cũng có nhiều người dân vẫn còn tỏ ra nghi ngại về BHXH tự nguyện. Bởi họ cho rằng, thời gian chờ đến ngày “hái quả” là khá lâu – 20 năm tham gia BHXH tự nguyện mới có thể lĩnh lương hưu. Trong khi một số người lo rằng mình không có đủ điều kiện kinh tế để tham gia BHXH đầy đủ số năm theo quy định.
Sơn La là một trong những địa phương đứng trong top 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh mới có 4.495 người tham gia BHXH tự nguyện, thì đến 31/12/2020 số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 25.226 người, tăng 20.731 người so với năm 2018. Đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh có 30.334 người tham gia BHXH tự nguyện; và đến hết tháng 12/2023, số người tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Sơn La là 41.940 người, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động là 5,5%, tính trên số người đang tham gia đạt 104% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đạt 119,7% kế hoạch UBND tỉnh giao.
|
|
Cán bộ, viên chức BHXH Sơn La tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến BHXH cho người dân. (Ảnh: Thu Lan) |
Trong khi đó Sơn La là tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc ít người, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Để đạt được kết quả nổi bật đó, ngành BHXH tỉnh Sơn La có những cách làm sáng tạo và nhiều kinh nghiệm hay. Theo ông Thiều Quang Ngãi – Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La, việc đưa cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc, phát huy vai trò các già làng, trưởng bản là yếu tố quyết định trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Thành công của Sơn La cũng đến từ việc kịp thời khen thưởng, động viên, nhân rộng những điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, việc biên soạn bộ tài liệu tuyên truyền cũng rất được chú trọng với các tiêu chí: ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ; thời gian thuyết trình ngắn, tập trung vào giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT; tham gia được hưởng những quyền lợi gì; mức đóng bao nhiêu sẽ được hưởng là bao nhiêu...
Nhìn vào số lượng người tham gia BHXH tự nguyện qua các năm có thể thấy rằng BHXH tỉnh Sơn La đã nỗ lực triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) do Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành vào ngày 23/5/2018.
Nghị quyết số 28 ra đời, với những nội dung mang tính cải cách, tiến bộ, đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH. Trong đó, những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức. Nói một cách khác, Nghị quyết số 28 đã góp phần “lấp đầy” những “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.
Câu chuyện thành công của Sơn La trong phát triển BHXH tự nguyện có thể coi là một minh chứng cho việc Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được ban hành kịp thời đã tháo gỡ khó khăn, thách thức trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH và thổi "luồng gió" đưa chính sách BHXH phát triển theo hướng linh hoạt, đa dạng, hiện đại./.
(Còn nữa)