Là huyện ngoại thành, nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng, nhiều năm qua huyện Hoà Vang luôn nỗ lực là địa bàn cung cấp lương thực, thực phẩm, nguồn nhân lực và các dịch vụ nông nghiệp thiết yếu cho khu vực nội thành Đà Nẵng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố năng động, là trung tâm lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, TP Đà Nẵng đã dành nhiều quan tâm, đầu tư thúc đẩy đưa Hoà Vang phát triển, từng bước trở thành một đô thị vệ tinh, là cầu nối cửa ngõ từ Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên với Đà Nẵng.
|
|
Trung tâm hành chính huyện Hoà Vang. |
Với vị trí và tầm quan trọng đó, trong các quy hoạch, định hướng phát triển, cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng của TP Đà Nẵng luôn đặt ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy Hoà Vang phát triển. Trong đó, nền tảng, động lực lớn trong những năm qua là các cơ chế, chính sách giúp Hoà Vang xây dựng nông thôn mới (NTM), ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng đô thị. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cấp, xây dựng Hoà Vang trở thành đô thị loại IV, hướng đến trở thành thị xã trong tương lai sớm nhất.
Đặc biệt, tại Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 07/7/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng về xây dựng và phát triển huyện Hoà Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đặt ra các mục tiêu lớn để các cấp, các ngành và huyện Hoà Vang phấn đấu, nỗ lực, đưa huyện Hoà Vang trước mắt trở thành đô thị loại IV; trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất.
Cũng từ định hướng này, ngày 02/11/2023, tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “Phấn đấu xây dựng huyện Hoà Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành Thị xã trực thuộc thành phố Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất”.
Trên cơ sở song hành 02 mục tiêu lớn là xây dựng Hoà Vang thành đô thị loại IV và trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất, trong thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền huyện Hoà Vang nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung đã liên tục đưa ra nhiều chủ trương, chính sách lớn. Đồng thời đẩy mạnh các nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư, tập trung và phát huy các nguồn lực để Hoà Vang đủ điều kiện, từng bước phát triển theo những định hướng đã nêu.
“Đây vừa là thách thức lớn, đồng thời cũng là lợi thế, động lực để Hoà Vang phát huy, cụ thể hoá, tạo ra những bước đi mang tính đột phá, từng bước phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của TP Đà Nẵng hiện nay và trong tương lai” - đồng chí Lê Trung Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Hoà Vang khẳng định.
Công tác dân vận là trọng tâm, then chốt
Công tác dân vận ở thời kỳ nào cũng luôn giữ vị trí cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng ta đặt ra. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Chính vì vậy, trong bối cảnh huyện Hoà Vang đang nỗ lực tiến đến mục tiêu trở thành đô thị loại IV, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện ở mức cao hơn, trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng thì công tác dân vận giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng.
Thực tế, nhiều năm qua, Huyện uỷ Hoà Vang đã có rất nhiều chủ trương, chỉ đạo để công tác dân vận phát huy vai trò, trách nhiệm; đồng thời chủ động tạo nên những “mũi đột phá” trong vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, tích cực đóng góp, tham gia dưới mọi hình thức cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo ra những nguồn lực to lớn, mạnh mẽ, đủ sức đưa Hòa Vang không ngừng phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Hoà Vang Lê Trung Thắng cho biết, cùng với ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, các kế hoạch theo nhiệm kỳ đại hội và hằng năm, từng quý, từng tháng; thậm chí có những lúc, những nơi theo yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, Huyện uỷ cũng đã ban hành các kế hoạch chuyên đề để chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong toàn huyện thống nhất, cùng tập trung thực hiện. Trong đó, tất cả mọi chủ trương, mọi chỉ đạo đều ưu tiên tập trung vận động, khơi dậy truyền thống đoàn kết, nhất trí của xã hội, các tầng lớp Nhân dân.
"Dận vận phải làm cho Nhân dân hiểu vị trí và vai trò của mình vừa là chủ thể hưởng thụ nhưng cũng là đối tượng phải tích cực đóng góp, tham gia; được nói lên tiếng nói của mình, được biết (phải công khai, minh bạch), được kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện theo đúng phương châm: “Dân làm chủ”, “Dân là chủ”. Từ đó, mỗi người dân được nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác, tự nguyện cùng đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất để tạo nên sức mạnh tổng hợp chung, là nguồn lực và cũng là động lực to lớn để cùng với cấp uỷ, chính quyền hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch đề ra” - đồng chí Lê Trung Thắng khẳng định.
Từ những định hướng, chủ trương đó, trong những năm qua, Huyện uỷ Hoà Vang đã chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị trên địa bàn tích cực vào cuộc làm tốt công tác dân vận, xem dân vận là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, then chốt để huy động các nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đó tiếp tục đầu tư, mở rộng và hoàn thiện các tiêu chí ở mức cao hơn để đưa Hoà Vang trở thành đô thị loại IV và sẽ là thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất.
Để hoàn thành mục tiêu trên, hơn 10 năm về trước, bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng tại Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19/3/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên đia bàn Thành phố”, Huyện uỷ Hoà Vang đã cụ thể hoá và ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện, trong đó yêu cầu công tác dân vận phải đi đầu, đột phá, lắng nghe, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời tổ chức các đoàn công tác về cơ sở, hỗ trợ giải quyết các khó khăn của Nhân dân. Trong quá trình đó gắn kết vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, tích cực đồng thuận, đồng hành và đóng góp vật chất, tinh thần, ngày công… để cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương hoàn thành các công trình, dự án phục vụ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
|
|
Nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng theo hướng chuẩn đô thị tại Hoà Vang được thi công bởi sự đóng góp tích cực của Nhân dân địa phương. |
Thông tin về những nhiệm vụ được toàn ngành dân vận và cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc trong hơn 10 năm qua, đồng chí Bùi Nam Dũng, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) huyện Hoà Vang chia sẻ, có rất nhiều nhiệm vụ mà công tác dân vận phải vào cuộc. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ và bám sát thực tế yêu cầu ở địa phương, công tác dân vận sôi nổi nhất trong thời gian này là tham gia các đoàn công tác vận động giải phóng mặt bằng, giải toả đền bù; vận động Nhân dân tích cực hiến đất, hiến cây trồng, ruộng, vườn, tiền, của… để làm đường giao thông, xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở; đồng thời tích cực tham gia bảo vệ môi trường, thi đua thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới…
Muốn vận động Nhân dân đồng tình, đồng thuận trước hết phải đưa người có uy tín đến để phân tích, động viên; đồng thời người đứng đầu như thôn trưởng, bí thư chi bộ, cán bộ, đảng viên phải làm gương, đi đầu. Đây là yêu cầu, đồng thời cũng là phương châm để chỉ đạo các đoàn công tác, các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, thôn phải tuân thủ trong quá trình thực hiện công tác dân vận.
Nhấn mạnh điều này, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Hoà Vang cho biết, Hoà Vang đã chỉ đạo 11/11 xã, đến tất cả các thôn của 11 xã xem đây là nguyên tắc bắt buộc khi vận động Nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, phong trào tại địa phương. "Áp dụng nguyên tắc này, trong vận động giải phóng mặt bằng, giải toả, đền bù, đầu tiên là thành lập đoàn công tác họp dân để phổ biến chủ trương, lắng nghe ý kiến đóng góp, nguyện vọng của Nhân dân. Trên cơ sở đó sẽ họp đưa ra phương án tốt nhất, rồi lại tiếp tục họp dân, phân tích, vận động Nhân dân hiểu, tự giác tham gia, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, hiến cây trồng để nhường đất làm giao thông, các công trình phúc lợi”- đồng chí Bùi Nam Dũng cho hay.
Cũng thông qua công tác dân vận, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các đoàn công tác đã tham mưu với Huyện uỷ, UBND huyện căn cứ các quy định pháp luật để đưa ra các mức hỗ trợ, đền bù cho dân khi có công trình, dự án đi qua ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Trong đó, một thành công rất lớn mà đến nay Hoà Vang đang tiếp tục áp dụng để mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư triển khai các dự án lớn phục vụ cho mục tiêu xây dựng Hoà Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV là vận động Nhân dân ủng hộ đất theo cơ chế “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” 50% - 50% (dân chịu đóng góp, ủng hộ 50% giá đất của mình khi có dự án, công trình đi qua và Nhà nước đền bù 50% giá trị còn lại). Đối với cây cối hay các tài sản khác, tuỳ giá trị thực tế mà người dân yêu cầu phải đền bù, song trên thực tế, công tác dân vận phải kiên trì vận động để Nhân dân đồng tình, ủng hộ dự án, công trình đi qua một cách tốt nhất, nhanh nhất.
Từ những đóng góp, đồng thuận của Nhân dân, đến nay huyện Hoà Vang đã về đích 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, hiện tiếp tục hoàn thành được công nhận 05 xã nông thôn mới nâng cao và 22 thôn nông thôn mới nâng cao; có 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trên nền tảng thành công trong việc xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua, hiện Hoà Vang đang tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ của TP và các tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn huyện để đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình, dự án phục vụ mục tiêu của đô thị loại IV. Trong đó, đáng quan tâm là hiện toàn huyện đã và đang triển khai thực hiện 13 tuyến đường giao thông trọng yếu theo hướng giao thông đô thị. Song song đó là hàng chục tuyến đường khớp nối, liên thông giữa các địa phương trong huyện và khu dân cư các xã; giải phóng mặt bằng và khởi công nhiều công trình cũng như nâng cấp các thiết chế văn hoá như công viên vườn dạo, nhà văn hoá, cống rãnh, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh… phù hợp theo tiêu chí đô thị.
Trong 10 năm (2021-2022), tổng nguồn kinh phí hỗ trợ cho Hoà Vang xây dựng mục tiêu nông thôn mới là gần 640 tỷ đồng và hơn 11 tỷ 369 triệu đồng cho vay. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là 482 tỷ 685 triệu đồng; các địa phương trong toàn TP Đà Nẵng hỗ trợ 08 tỷ 389 triệu đồng; các Đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ Đà Nẵng là 42 tỷ 833 triệu đồng; các hội quần chúng (đặc thù) là 105 tỷ 983 triệu đồng.
Cùng với đó, nhiều tổ chức, đơn vị còn đăng ký và thực hiện các công trình, phần việc hết sức thiết thực như: Xây dựng và nâng cấp Nhà văn hoá thôn; xây trường mẫu giáo, nhà đại đoàn kết; sửa chữa nhà dột nát cho người nghèo, khó khăn; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng các tuyến đường giao thông ở khu dân cư, công trình chiếu sáng công cộng và đường giao thông; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ tiền ăn, gạo hàng tháng cho người già neo đơn, người khuyết tật; hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho phụ nữ, trẻ em nghèo; hỗ trợ phương tiện sinh kế; hỗ trợ tư vấn pháp luật, mổ tim bẩm sinh miễn phí, tặng xe đạp cho học sinh nghèo; tổ chức sáng tác tranh, ảnh, biểu diễn nghệ thuật với chủ đề xây dựng nông thôn mới; tư vấn cải tạo vườn tạp, hỗ trợ các nguồn cây giống, con giống; xử lý môi trường; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các vườn ươm; chuyển giao kết quả nghiên cứu và hỗ trợ một số mô hình về hệ thống nước lọc sinh hoạt; hỗ trợ trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy... (theo Báo cáo của Ban Dân vận Thành uỷ Đà Nẵng).