leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của trang phục truyền thống các DTTS đang trở thành vấn đề cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay đối với những người làm công tác văn hóa và được chính chủ thể là đồng bào các dân tộc quan tâm.

VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐÃ TRỞ THÀNH NHIỆM VỤ THIẾT YẾU 

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS). Trong số đó lại có những DTTS có nhiều chi, nhánh khác nhau và đều có trang phục truyền thống riêng, khác biệt với các dân tộc khác. Mỗi DTTS lại có rất nhiều mẫu trang phục gốc dùng cho từng mục đích khác nhau (lễ hội, cưới hỏi, tang ma, thường ngày…). Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển bền vững văn hóa, làm cho trang phục truyền thống phổ biến, nâng cao lòng tự hào dân tộc, có ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Do đó, việc bảo tồn, phát huy bản sắc trang phục truyền thống các DTTS luôn được quan tâm, đặc biệt là sau Kết luận 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” ngày 27/7/2011. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kết luận 65 là phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, trang phục, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian.

Tiếp đó, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, với mục tiêu đề ra là bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS. Đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Đặc biệt, tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021-2025, đã dành riêng Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, nhấn mạnh mục tiêu “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống... để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người”.

Duy trì, phát triển các làng nghề thủ công và mời nghệ nhân, thợ giỏi trong cộng đồng trao truyền nghề dệt, nghề may trang phục truyền thống cho lớp trẻ; tạo nguồn nguyên liệu để sản xuất ra trang phục truyền thống... Tổ chức lễ hội, không gian văn hóa để đồng bào thường xuyên có cơ hội được mặc trang phục dân tộc mình, quảng bá hình ảnh về bản sắc trang phục qua các kênh du lịch, điện ảnh...

Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho những nghệ nhân tiêu biểu, người lưu giữ, truyền dạy sản xuất các sản phẩm trang phục truyền thống trong đồng bào DTTS; tổ chức biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân định kỳ từ cấp cơ sở nhất là đối với DTTS rất ít người.

leftcenterrightdel
 

Về phía các cơ quan quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai có hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống các DTTS.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc từ Trung ương đến cấp cơ sở; tổ chức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống truyền thống của các DTTS. Tổ chức các lớp truyền dạy kỹ năng nghề dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống các DTTS, mở các lớp về kỹ năng mặc trang phục truyền thống của các dân tộc cho học sinh là người DTTS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa các bộ trang phục gốc truyền thống của đồng bào DTTS; xây dựng bảo tàng số trang phục truyền thống các dân tộc...

Có thể tham khảo từ cách làm với áo dài trong bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc. Nhiều năm qua, từ một trang phục nhiều người ngại mặc vì cho rằng bất tiện, áo dài ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt. Không chỉ ngày lễ, tết mà áo dài có mặt cả trong sinh hoạt đời thường. Có được điều đó là nhờ chúng ta có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá áo dài. Thường xuyên phát động “Tuần lễ áo dài”, “Tháng áo dài”… Đặc biệt là mục tiêu đưa áo dài từ di sản văn hóa trở thành di sản du lịch nhằm lan tỏa tình yêu áo dài không chỉ ở trong nước mà còn ra thế giới.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ 4.0 TRONG BẢO TỒN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Cùng với những thách thức, xâm lấn văn hóa của thời đại công nghệ số, áp dụng thành tựu kỹ thuật số 4.0 được coi là giải pháp hiệu quả trong bảo tồn giá trị và bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhìn nhận: “Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau”.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin là cơ hội và phương tiện để bảo tồn và lưu giữ di sản văn hóa hiệu quả, dùng làm tư liệu phục chế và phổ biến, quảng bá giá trị di sản khi cần đến. Tốc độ biến đổi đang đi nhanh hơn rất nhiều so với câu chuyện tổ chức lớp truyền nghề dệt, nhuộm, thêu, mở rộng vùng nguyên liệu, phục dựng, đề xuất mô hình bảo tồn... Vì vậy cần nhanh chóng kiểm kê, sưu tập, lập danh mục trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, tiến hành số hóa các tri thức dân gian, hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật, nghề dệt, kỹ thuật thêu, những câu chuyện liên quan đến trang phục. Sưu tập và số hóa những bộ trang phục nguyên gốc khi chưa bị lai căng, biến đổi về họa tiết, hoa văn, kỹ thuật may mặc... tránh thực trạng rất khó tìm lại được trang phục gốc như của đồng bào Rơ măm, Ơ đu, Brâu.

Cùng với công tác sưu tầm và lưu giữ trang phục của đồng bào dân tộc tại các bảo tàng, việc số hóa sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận với bản sắc văn hóa các tộc người nhanh chóng và thuận lợi, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA THẾ HỆ TRẺ TRONG GIỮ GÌN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự kế thừa giữa các thế hệ, công cuộc bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào DTTS sẽ xảy ra tình trạng “đứt gãy” bởi giới trẻ xa rời trang phục truyền thống của dân tộc, thế hệ nghệ nhân đang ngày một già đi, lớp người kế cận dường như không còn. Đây là một vấn đề đáng báo động nếu tình trạng này kéo dài sẽ thì những trang phục dân tộc truyền thống dân tộc thiểu số sẽ ngày càng bị mai một và mất đi. Vì vậy, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ để bảo tồn và giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc.

leftcenterrightdel
 

Để giáo dục thế hệ trẻ có ý thức bảo tồn về trang phục truyền thống, Tuyên Quang quy định học sinh trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh mặc đồng phục là trang phục dân tộc vào ngày thứ 2 và thứ 4 hằng tuần. Đồng thời, khuyến khích, tạo cho các em học sinh niềm đam mê tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đưa trang phục truyền thống vào chương trình học giáo dục lịch sử địa phương, các buổi ngoại khóa...

Với mong muốn từng bước bảo tồn, phát huy tốt giá trị của trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội… đây là cơ hội để các dân tộc được chưng diện và khoe với mọi người về trang phục của dân tộc mình, qua đó quảng bá thu hút khách du lịch đến tham quan, giao lưu văn hóa truyền thống tại các địa phương.

Nhằm góp phần giữ gìn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trường THCS Tân Thượng (Tân Thượng, Di Linh, Lâm Đồng) đã đưa ra cách làm sáng tạo bằng cách cho học sinh dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống vào thứ 2 mỗi tuần và các dịp lễ, hội truyền thống do nhà trường tổ chức. Qua đó, các em có thêm sự tự hào, tự tin khi khoác lên mình trang phục truyền thống. Tạo nên một không gian văn hoá dân tộc thiểu số đa màu sắc trong môi trường học đường. Các em sẽ cùng vận động nhau giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo nên sự gắn kết trong nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích các thầy, cô giáo người dân tộc thiểu số cũng mặc trang phục truyền thống mỗi khi lên bục giảng. Điều này sẽ góp phần lan tỏa niềm tự hào về nét đẹp riêng của mỗi dân tộc đến với các em học sinh nhiều hơn. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Theo TS Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các địa phương cần tạo dựng môi trường để thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận, học hỏi, thực hành sáng tạo với các bộ trang phục dân tộc. Cụ thể, các thôn bản cần sớm hình thành và phát triển các HTX dệt thổ cẩm. Đây được xác định là môi trường để các bạn trẻ yêu, gắn bó, có trách nhiệm với nghề dệt truyền thống hơn; được học tập nghề dệt thủ công, những người lớn tuổi có thể cầm tay chỉ việc cho con cháu một cách thuận lợi.

Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) Đinh Xuân Thắng đề xuất, muốn phát huy hiệu quả vai trò của giới trẻ trong bảo tồn trang phục truyền thống thì cần tổ chức triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các DTTS”. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan trình diễn trang phục truyền thống từ Trung ương đến cấp cơ sở, tập trung vào đối tượng người trẻ; tổ chức tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các DTTS. Đặc biệt, các lớp truyền dạy kỹ năng nghề dệt, thêu hoa văn, bồi dưỡng kỹ năng mặc trang phục truyền thống cho học sinh là người dân tộc phải thường xuyên được tổ chức ngay trong các cơ sở giáo dục.

Đối với công tác tuyên truyền, TS. Chử Thị Thu Hà, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nêu quan điểm, mạng xã hội đang là hình thức truyền thông có tác động mạnh mẽ. Do đó, việc quảng bá, đưa thông tin đến giới trẻ bằng các phương tiện truyền thông hiện đại là giải pháp phù hợp nhất. Đồng thời, qua các kênh thông tin này, các bạn trẻ cũng chính là người tuyên truyền, chia sẻ về giá trị của trang phục truyền thống đến đông đảo bạn bè đồng trang lứa, thậm chí là công chúng quốc tế.

TÍCH CỰC ĐƯA TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VÀO NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG VÀ QUẢNG BÁ QUỐC TẾ

Ngành thiết kế thời trang của Việt Nam tuy còn khá trẻ, song những năm gần đây các nhà thiết kế trẻ rất coi trọng khai thác và sử dụng các yếu tố văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc trong quá trình thiết kế sáng tạo sản phẩm.

leftcenterrightdel
 

Nhà thiết kế Minh Hạnh từng khẳng định: “Gươm báu đi chinh chiến xứ người không gì khác chính là bản sắc dân tộc”, nhiều nhà thiết kế đã định hình phong cách, tên tuổi nhờ biết khai thác vốn văn hóa dân tộc trong thiết kế của mình.

Năm 2009, Nhà thiết kế Minh Hạnh được mời đại diện cho Việt Nam tham gia Chương trình thời trang Alta Roma - High Fashion ở Italia. Tại đây, 30 mẫu thiết kế được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những thiếu nữ dân tộc thiểu số sống ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Điểm nhấn của mỗi bộ trang phục chính là chất liệu vải và những mẫu thêu thủ công tinh xảo. Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu về bộ sưu tập của mình bằng câu chuyện của những thiếu nữ dân tộc thiểu số. Các cô gái thường tự làm trang phục cho mình bằng những chất liệu được dệt từ những cây cỏ dại trên núi và khung dệt sợi thủ công vô cùng thô sơ. Sau đó, sử dụng các loại lá cây và các loại cây củ trong rừng sâu để nhuộm vải. Những tấm vải này lại được in bằng sáp ong và thêu đầy màu sắc, rồi được phơi trên bếp lửa để khói bếp nhuốm vào vải trong suốt 6 tháng. Tiếp đó là mang những tấm vải này ra giặt tại dòng suối bắt nguồn từ rừng sâu. Cuối cùng, các thiếu nữ dùng những tấm vải này để tự may thành những chiếc váy áo đầy màu sắc để mặc đi tới những phiên chợ miền cao, những lễ hội của chính dân tộc mình...

Ngày nay, trong một thế giới phẳng, thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi chúng ta đều có chung nỗi băn khoăn, lo lắng về hiểm họa bị mất gốc, lai căng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Do vậy, vấn đề khai thác truyền thống đưa vào trong các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đang là vấn đề được xã hội quan tâm.

Nhà thiết kế Diego Chula nổi tiếng yêu thổ cẩm Việt. Năm 2020, ông đã cho ra mắt bộ sưu tập “Hương rừng sắc núi”. Các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập góp phần nâng tầm cho các sản phẩm thổ cẩm ứng dụng và mang đến sự quảng bá tích cực về nghề dệt vải truyền thống.

leftcenterrightdel
 

Năm 2022, Nhà thiết kế Thạch Linh ra mắt bộ sưu tập trang phục “Âm sắc đại ngàn” với những chiếc áo dài và váy thổ cẩm. Bằng tình yêu đặc biệt dành cho văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, Nhà thiết kế Thạch Linh đã kết hợp chất liệu thổ cẩm dệt thủ công, thổ cẩm được in ấn các họa tiết đặc sắc cùng các phụ kiện độc đáo và đính hạt thủ công trên áo váy cầu kỳ, tỉ mỉ để tạo nên những bộ trang phục rực rỡ. Nhà thiết kế Thạch Linh cho biết, cô mong muốn góp phần lưu giữ chất liệu, nghề thủ công dệt thổ cẩm đặc sắc của đồng bào DTTS vùng cao phía Bắc.

Hay như Nhà thiết kế Vũ Việt Hà với bộ sưu tập “Ký gửi người Mông vào tương lai” ra mắt tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong làng thời trang Việt Nam. Trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp bất tận của văn hoá truyền thống, thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam là một kho tàng và cũng là tài sản lớn đối với những người yêu trang phục dân tộc như Nhà thiết kế Vũ Việt Hà. Đáng chú ý là trang phục của đồng bào Mông Đen đến nay vẫn giữ được nét đẹp nguyên bản và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại lai nào. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp di sản này, Vũ Việt Hà sáng tạo nên bộ sưu tập “Ký gửi người Mông vào tương lai”. Từng thiết kế, phụ kiện, họa tiết trong bộ sưu tập đều được Nhà thiết kế chăm chút. Thông qua đó, nhà thiết kế mong muốn phát triển văn hoá truyền thống từ quá trình nghiên cứu trang phục của đồng bào Mông Đen tại Sapa (Lào Cai)./.

(Mời đọc Bài 1: Trang phục dân tộc góp phần nhận diện bản sắc riêng các dân tộc thiểu số)

Mai Khánh - Trí Dũng
30/10/2023 09:32