(ĐCSVN) – Mặc dù diễn biến của dịch COVID-19 với sự xuất hiện chủng mới Delta rất phức tạp, khó lường, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dù thực hiện Chỉ thị 16, Hà Nội vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động. Và chính sự chuyển hướng mạnh mẽ từ “phòng ngự” sang “tấn công”, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ đã giúp Thủ đô bảo vệ “trái tim” khỏe mạnh nhất.
Không để bất ngờ trong mọi tình huống
Khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, Hà Nội là nơi có nguy cơ bùng phát rất lớn vì bên trong đã phát sinh một số ổ dịch phức tạp, bên ngoài thì 8 tỉnh tiếp giáp đều có dịch. Nhờ dự báo chính xác tình hình, thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu; đồng thời điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Những ngày chưa giãn cách trước tháng 7, từ ngày 27/4-22/7/2021 (87 ngày), Hà Nội bắt đầu xuất hiện trở lại các ca dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 23/7, cả nước ghi nhận hơn 7.300 ca mắc mới. Một số tỉnh, thành phố có số ca mắc tăng lên “chóng mặt” với con số hàng nghìn. Số ca tử vong cũng bắt đầu tăng. Ngày hôm đó, Hà Nội ghi nhận 53 ca mắc (trong đó có 32 ca tại cộng đồng), nhiều ca không rõ nguồn lây.
Trước tình hình trên, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố được kích hoạt “chế độ” sẵn sàng đối phó với dịch bệnh. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, trực tiếp đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Chủ tịch UBND TP đã có hàng loạt chỉ đạo quyết liệt để các cấp, các ngành vào cuộc triển khai sớm ngăn chặn dịch lây lan…. Trong đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo: “Dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh thì mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”.
Từ 06h00 ngày 24/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội lần thứ nhất trong 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7/2021 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bước vào một giai đoạn rất cam go. Mật độ dân số nội đô rất cao, sự giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước lớn, trong khi biến thể Delta lại có mức lây lan nhanh; lượng khách nhập cảnh cũng không nhỏ và các chuyến bay giải cứu... có thể dẫn đến mất kiểm soát là những thách thức rất lớn song Hà Nội đã vững vàng, kiên định, từng bước ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng.
Vì vậy, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Thành phố ngày 4/8, Phó Thủ tướng nhận xét rằng: Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động. Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh nhưng cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ, lúng túng.
Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, song vẫn linh hoạt trong cách triển khai đã đưa số ca mắc trong đợt giãn cách lần 2 (từ ngày 8/8 - 23/8/2021) giảm hơn 200 ca so với đợt giãn cách lần 1. Không chủ quan với kết quả trong đợt giãn cách lần 2, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách lần 3 (từ ngày 23/8 - 6/9/2021); đồng thời cân nhắc trên mọi phương diện và quyết định triển khai giãn cách lần 4 (từ 6/9 đến 6h00 ngày 21/9/2021).
|
|
Xét nghiệm diện rộng - một trong hai mũi giáp công "thần tốc" để tìm ra F0. |
Kết quả, trong lần giãn cách thứ 4, toàn thành phố chỉ ghi nhận 312 trường hợp dương tính với số ca mắc trung bình/ngày giảm mạnh, còn 28,3 ca/ngày (đợt 1: 71,2 ca/ngày, đợt 2: 56,8 ca/ngày, đợt 3: 71,1 ca/ngày). Đáng chú ý, các ca mắc này chủ yếu là trong khu cách ly, khu vực phong tỏa và có những ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng…
Không chỉ giảm về số ca mắc, các điểm phong tỏa cũng thu hẹp lại, còn 15 điểm quy mô thôn, xã tại 10 quận, huyện. Điều này đồng nghĩa với việc tăng các xã vùng xanh - vàng, giảm vùng đỏ - cam so với thời điểm ngày 6/9/2021. Cụ thể, số xã vùng đỏ còn 3 xã; vùng cam còn 22 xã; vùng vàng tăng 21 xã lên 26 xã; vùng xanh tăng 27 xã lên thành 528 xã…
Trong buổi kiểm tra và làm việc với Hà Nội ngày 13/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, tránh nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội”.
Đáng chú ý, để chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống, Hà Nội còn xây dựng và chuẩn bị các “kịch bản” cao hơn trong công tác phòng chống dịch. Thực tế, từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 4.200 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng thành phố đã xây dựng kịch bản dự kiến có tới 40 nghìn ca F0 và đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện nay, các đơn vị đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 ca F0, đã bố trí 22.100 giường bệnh để thu dung, điều trị người bệnh thể nhẹ; 2.000 giường điều trị bệnh nhân trung bình và nguy kịch. Thành phố chuẩn bị 118.000 chỗ cách ly đối tượng F1, đang vận hành hơn 40.000 chỗ... Thành phố đã lắp đặt, nâng cấp hệ thống ô-xy của 24 bệnh viện, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh. Ngoài ra, thành phố nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở; kích hoạt đội ngũ bác sĩ tình nguyện đang công tác tại các bệnh viện của thành phố và các tỉnh, thành phố chung quanh, cũng như các y sĩ, bác sĩ về hưu... với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới thầy thuốc đồng hành.
Trao đổi với báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, 2 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội. Chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1.
"Thần tốc" hai mũi giáp công
Nếu như giãn cách xã hội được xem là “thời gian vàng” để bóc tách F0 thì chiến dịch xét nghiệm diện rộng, bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại COVID-19. Triển khai nhiệm vụ này, tất cả các lực lượng y tế được huy động đã nỗ lực hết sức, không chỉ lấy mẫu và tiêm chủng ban ngày, mà ngay cả tối muộn đến đêm khuya cũng “sáng đèn” tiêm vắc xin cho người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, tối 9/9, tại điểm tiêm chủng của quận Hoàn Kiếm đặt tại Cung Văn hoá lao động Hữu nghị Việt - Xô, lực lượng y tế thay ca, duy trì hết công suất của điểm tiêm này. Mặc dù đã gần 11h đêm, hàng trăm người dân vẫn có mặt chờ làm thủ tục, kiểm tra sức khoẻ để được tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong số này có nhiều người già.
|
|
Bao phủ tiêm chủng được xem là “chìa khóa” để truy vết, khoanh vùng triệt để ca bệnh và là “vũ khí” hữu hiệu để chống lại COVID-19. |
Có mặt kiểm tra tại điểm tiêm này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, để đẩy nhanh công tác tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng này, Hà Nội đã huy động tổng lực với sự tham gia của hệ thống y tế công lập, tư nhân, cùng sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương, bệnh viện ngành công an, quân đội và sự hỗ trợ của các y, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm, kỹ thuật viên, sinh viên đã được 12 tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng cử tới hỗ trợ Thủ đô.
Đúng vậy! Trong hai chiến dịch lớn này của Thủ đô, không thể không nhắc đến sự góp sức của gần 8.000 nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ Hà Nội, tham gia công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Tại huyện Thường Tín, 15h ngày 9/9, 100 bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Hưng Yên đã có mặt để hỗ trợ huyện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin. Với chiếc ba lô khá nhỏ gọn, bác sĩ Đỗ Tiến Đạt chia sẻ: "Là trái tim của cả nước, Hà Nội luôn cùng nhịp đập với các tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành phố cùng Hà Nội đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 cũng chính là bảo vệ cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô và cả nước".
Hay bác sĩ Chuyên khoa I Bùi Văn Học, Trưởng đoàn cán bộ, y, bác sĩ của tỉnh Phú Thọ cho biết, Đoàn có 299 người đều là cán bộ, y, bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cán bộ, y, bác sĩ tỉnh Phú Thọ sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình làm việc cả thứ 7, chủ nhật và có thể đến đêm khuya để hỗ trợ quận Đống Đa tốt nhất.
Đặc biệt, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, lãnh đạo UBND TP Hà Nội từ đồng chí Chủ tịch tới các Phó Chủ tịch đã thường xuyên đến nhiều điểm tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra và động viên các lực lượng. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phấn khởi khi nhận thấy trong những ngày cuối của chiến dịch, tốc độ tiêm vắc xin đã được đẩy lên rất cao, số mũi tiêm ngày sau cao hơn ngày trước, có ngày cao điểm, tiêm được gần 600 nghìn liều. Thành phố luôn nỗ lực cao nhất, tiếp thu, điều chỉnh kịp thời các giải pháp để đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe người dân, giảm số người mắc và hạn chế ca tử vong.
Trong quá trình tiêm chủng, điều đáng nói là không chỉ những người dân có hộ khẩu tại Hà Nội, mà người nước ngoài, người tạm trú trên địa bàn đều được tiêm miễn phí để bảo đảm phòng dịch. Tại điểm tiêm của phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thị Mai cùng chồng là anh Phạm Văn Hùng hiện đang thuê nhà ở tổ dân phố số 24, phường Khương Đình cho biết: Do giãn cách nên chúng tôi không về quê được. Dù là đối tượng chỉ thuê nhà nhưng vợ chồng tôi rất vui vì được tổ dân phố phát phiếu đi tiêm. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành không chỉ cho người dân có nhà mà cả cho những đối tượng như chúng tôi.
Không chỉ có công dân đang sinh sống tại Thủ đô, người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại thành phố Hà Nội cũng được thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng COVID-19. Anh Luangkhampheng Khammany, quốc tịch Lào, hiện là sinh viên năm cuối của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Tôi cảm thấy may mắn khi vừa được tiêm vắc xin. Khi đến tiêm, tôi đã được các tình nguyện viên hướng dẫn tận tình từ khâu khai báo thông tin cá nhân đến các khu vực đo huyết áp, khám sàng lọc và tiêm. Từ đáy lòng, tôi rất cảm kích và biết ơn chính quyền Thủ đô, tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình”.
|
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá việc triển khai xét nghiệm, tiêm vắc xin COVID-19 ở Hà Nội khá tốt và tương đối nhanh, bài bản. |
Kiểm tra thực tiễn tại các điểm tiêm, xét nghiệm quận Đống Đa và Long Biên ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá việc triển khai xét nghiệm, tiêm vắc xin COVID-19 ở Hà Nội khá tốt và tương đối nhanh, bài bản. “Hai mũi giáp công của Hà Nội là đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc như vậy là đúng đắn”- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Với sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 17 đợt tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng. Theo đó, 5.795.703 người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1, đạt 96,3%; mũi 2 1.078.449 mũi, đạt 17,9%. Riêng về xét nghiệm diện rộng, từ ngày 8/9-15/9/2021, đã lấy được 4.197.528 mẫu, đạt 84% kế hoạch; trong các ngày sau đó, các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch…
Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8 đến 15/9, thành phố đã lấy tổng số gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát y tế, đạt 84% kế hoạch; qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính, kịp thời cách ly, điều trị. Nhờ đó, tình hình dịch được kiểm soát tốt. Số ca mắc trong đợt giãn cách thứ tư giảm mạnh, trung bình mỗi ngày có 27,7 ca mắc, trong ba đợt giãn cách trước ghi nhận trung bình 66,3 ca/ngày. Số ca nhiễm trong cộng đồng còn 2,7 ca/ngày, trong ba đợt giãn cách trước ghi nhận trung bình 19,3 ca/ngày. Số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị cũng giảm, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi tăng.
Như vậy, chỉ sau tám ngày "thần tốc" cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, thành phố đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, giúp thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từ đó từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Qua đó, người dân Thủ đô cũng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng: Thành phố sẽ từng bước kiểm soát dịch bệnh và bước sang giai đoạn “bình thường mới”./.
Bài 1: Chung sức, đồng lòng chống "giặc" dịch
Bài 3: Đảm bảo cung ứng hàng hóa, nỗ lực duy trì sản xuất
Bài 4: Có một Hà Nội nghĩa tình như thế!
Bài 5: Đi từng bước thận trọng, chắc chắn để phục hồi kinh tế