(ĐCSVN) - Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân đã bày tỏ sự thống nhất cao; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp ngay trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Ngay sau chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp đã “thổi” vào Quốc hội ngày càng rõ nét hơn, khi trên diễn đàn Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu đã thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao với việc cần mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy, tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn về thể chế để khơi thông nguồn lực phát triển; mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về kỷ nguyên mới.
Một trong những đổi mới đáng chú ý mà nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đang triển khai theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đó là đổi mới tư duy làm luật theo hướng luật chỉ quy định khung, không quy định chi tiết mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Bày tỏ thực sự rất ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của đồng chí Tổng Bí thư, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước.
Về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung, đại biểu cho rằng đây là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời kiến nghị cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh cho phù hợp.
Dẫn chứng hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang quy định "văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì có thể thi hành được ngay", đại biểu cho rằng cần xem xét điều chỉnh những quy định tương tự.
Đề cập đến yêu cầu không luật hóa nghị định, thông tư, đại biểu nhận định đây là yêu cầu hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực tế thì thấy rằng trong một số trường hợp vẫn luật hóa những quy định thuộc phạm vi nghị định và hầu hết những nội dung này đều do cơ quan soạn thảo đề xuất.
|
|
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lai Châu) |
Đồng tình rất cao với định hướng của lãnh đạo Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lai Châu) thống nhất quan điểm, xây dựng các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài; những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất lớn, quan trọng, cần phải tạo sự đồng thuận từ nhận thức đến hành động. Để triển khai tốt định hướng đổi mới, Chính phủ cần sớm tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cần làm rõ nguyên tắc xác định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nội dung phân cấp cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, đồng thời quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương khi ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành, vì số lượng văn bản cần ban hành rất lớn.
Đại biểu Mai Văn Hải (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, đổi mới tư duy trong công tác lập pháp là cần phải xây dựng luật một cách minh bạch và có tính bền vững.
“Đây là vấn đề rất cần thiết và quan trọng để tránh tình trạng xây dựng luật có thời gian, tuổi thọ ngắn”, đại biểu nói.
|
|
Đại biểu Mai Văn Hải (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) |
Đồng tình với quan điểm luật chỉ quy định mang tính chất khung, tính chất nguyên tắc; những vấn đề cụ thể thì giao cho Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định, đại biểu cho rằng tính thượng tôn pháp luật sẽ được nâng cao hơn, đi vào thực tiễn tốt hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương), nếu xây dựng luật khung thì các điều khoản quá rộng, chung chung và không áp dụng được trong thực tế; còn nếu xây dựng luật ống thì xây dựng quá chi tiết, tất cả quy định của ngành đưa vào luật, từ đó diễn giải thành nghị định, thông tư. “Như vậy dễ cho ngành này và gây khó khăn cho ngành khác, tư duy đó là tư duy của thông tư và nghị định theo đuôi trong luật”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
|
|
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) |
Dẫn chứng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, tại Điều 10 về kế hoạch phát triển lưới điện, nguồn điện ở địa phương, nếu đưa chi tiết tại địa phương là không phù hợp, bởi nội dung này nên quy định tại Thông tư. Nếu đưa vào luật sẽ rơi vào tình trạng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói là đưa nội dung thông tư vào luật.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân chia sẻ thêm, tư duy xây dựng pháp luật đã thể hiện rõ ngày từ đầu nhiệm kỳ tại Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết luận 19-KL/TW đã khẳng định tinh thần không xây dựng luật khung, luật ống.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu thực tế còn tình trạng luật được ban hành, có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, như vậy thời gian ban hành, sửa đổi một luật mất thời gian, còn phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn sẽ kéo dài thời gian luật đi vào cuộc sống; hơn nữa “tuổi thọ” nhiều luật còn ngắn do sự phát triển của xã hội, phát sinh những vấn đề mới, nhưng một phần do dự báo và tầm nhìn trong công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan được giao xây dựng các dự thảo luật và trách nhiệm của các cơ quan triển khai và thực thi luật. Bởi, luật có đi vào được cuộc sống được hay không là những đơn vị tổ chức thực hiện luật nghiêm túc, để có sự cộng hưởng giúp tuổi thọ của luật kéo dài hơn.
Chia sẻ về chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", cùng với đó tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Cho rằng Quốc hội và Chính phủ thời gian qua đã có những nỗ lực nhằm hoàn thiện các thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay các thể chế về phát triển văn hóa-xã hội, song đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình với đánh giá trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về những hạn chế trong công tác lập pháp thời gian qua, trong đó chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, tuổi thọ ngắn, phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
|
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định, công tác xây dựng pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm là phù hợp. Theo đại biểu, tại Kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Đây là vấn đề rất quan trọng, giúp giải quyết được rất nhiều các thủ tục hành chính và quan trọng hơn là tiết kiệm, chống lãng phí về thời gian như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh trong bài viết về “Chống lãng phí”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra, trong kỳ họp này sẽ sửa đổi nhiều luật mà trọng tâm là phân cấp, phân quyền cho cấp dưới. Tuy nhiên, theo đánh giá, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất, do đó phải nâng cao năng lực thực thi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tổ chức và cá nhân được trao quyền.
Tán thành với việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì các cơ quan Quốc hội phải “đúng vai thuộc bài”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn, đúng vai nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân nhưng đồng thời cũng không bỏ vai, cần thực hiện đúng trách nhiệm Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để chúng ta có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu đúng vai và khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Bởi nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng.
Góp ý cụ thể vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) tán thành đề xuất phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhất là thẩm quyền từ Ủy ban thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, giữa Thủ tướng Chính phủ cho địa phương và UBND tỉnh, rút ngắn thời gian, thủ tục, quy trình đầu tư công.
|
|
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) |
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho hay, thực tiễn khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung ương cho địa phương, trong quá trình thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hay bổ sung thì cũng phải lặp lại quy trình, cũng đề xuất Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phải quyết định điều chỉnh tăng hay giảm.
Theo đại biểu, nếu dự án Luật được thông qua sẽ giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư công mà các đại biểu Quốc hội phản ánh trong các kỳ họp vừa qua. Đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh thực hiện chương trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Do đó, với quan điểm phân cấp mạnh mẽ, địa phương làm địa phương chịu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị phải phân cấp “đến nơi, đến chốn” và những vấn đề đang gặp khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện đại biểu đề nghị phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này.
Dẫn số liệu trong báo cáo của Chính phủ về việc từ năm 2021 đến tháng 8.2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hải Dương) thấy rằng những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp, làm lãng phí thời gian, các nguồn lực xã hội và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đặc biệt lưu ý, trong quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện những vướng mắc, bất cập bên cạnh việc sửa đổi các quy định để khắc phục thì cần phải tích cực giải quyết những bất cập, những hậu quả đã xảy ra, nhất là khi những hậu quả ấy có ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đại biểu nêu dẫn chứng cụ thể: tại Nghị quyết số 142 năm 2024 ngày 29/6/2024 của Quốc hội đã giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41 Quốc hội XV có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100 năm 2023 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 cũng yêu cầu trong năm 2023 chỉ đạo và rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với chủ hộ kinh doanh, cá thể đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuy nhiên đến thời điểm này, chế độ hưởng bảo hiểm của chủ hộ kinh doanh, cá thể thuộc đối tượng nói trên vẫn chưa được giải quyết, trong đó có rất nhiều người đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đến thời gian được hưởng chế độ hưu trí.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương |
“Việc chậm trễ này ít nhiều đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với chính sách bảo hiểm nói chung và gây khó khăn nhất định trong việc nỗ lực mở rộng mạng lưới bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện”, đại biểu nói.
Bày tỏ đồng tình, nhất trí với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên khai mạc Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nhận định, những định hướng chỉ đạo này hoàn toàn đúng đắn, là “điểm mốc” rất quan trọng và sẽ làm thay đổi cơ bản công tác xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, việc xây dựng pháp luật hiện nay cần theo hướng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà còn phải giúp cho việc khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm “nghẽn” để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng nói về những “điểm nghẽn ” trong thể chế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ những điểm nghẽn.
“Nếu như thuộc chức năng của Quốc hội, tôi tin rằng sẵn sàng xử lý kịp thời, đồng thời cũng nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện”, đại biểu bày tỏ.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì thống nhất quan điểm, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phải kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu. Theo đó, phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Cùng với đó, năm 2025, Quốc hội và Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là rà soát, phát hiện những điểm nghẽn và tháo gỡ những điểm nghẽn này, từ đó có cơ sở pháp lý, có công cụ pháp lý để chúng ta thực hiện, tháo gỡ được trên thực tiễn.
Có thể thấy, chuyển đổi tư duy lập pháp theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích đổi mới, sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là vấn đề có ý nghĩa hết sức cấp bách; được coi là khâu đột phá hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải có những đánh giá khách quan, đầy đủ về thực trạng công tác này, trong đó nhìn thẳng vào những rào cản, vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề nhận thức; từ đó thống nhất từ tư duy đến hành động, có giải pháp mạnh mẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách; khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển; để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
(còn tiếp)