leftcenterrightdel

 Bài 2: Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng còn "trầy trật"?

(ĐCSVN) – Sự chậm trễ hoặc bỏ qua việc kê biên, phong tỏa tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra, điều tra, truy tố chính là một trong những kẽ hở của pháp luật, dẫn đến nhiều đại án tham nhũng khó thu hồi tài sản.

Thời gian qua, tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước, tài sản của nhân dân, nhưng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi lại rất thấp.

Thực tế cho thấy, một vụ việc có thể thanh tra, điều tra, truy tố kéo dài hàng năm nếu chúng ta không có biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản kịp thời thì  đây chính là “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.

leftcenterrightdel

Nhiều ý kiến lo ngại nếu không thu hồi triệt để được tài sản thì kẻ tham nhũng sẽ “hy sinh đời bố củng cố đời con” với tư tưởng “cứ vơ vét, vào tù là xóa hết”. Qua phản ánh của báo chí và một số vụ án hình sự, ở một số địa phương, hiện tượng người thân hữu đứng tên nhà, đất, ôtô không phải ít, thậm chí có trường hợp để mẹ già hơn 90 tuổi hay con của một số lãnh đạo mặc dù tuổi đời còn rất trẻ (đã thành niên) nhưng đã có khối tài sản “kếch sù” đã cho thấy lỗ hỗng về cơ chế, pháp luật, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ kê khai tài sản cán bộ, đảng viên. Bởi theo quy định, đối tượng cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản chỉ phải kê khai tài sản của vợ (chồng) và con chưa thành niên. Nếu tham nhũng bị phát hiện và xử lý thì đương nhiên khối tài sản “kếch sù” kia không bị thu hồi.

Mới đây khi nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà (SN 1960) - “hạ cánh” chưa được 2 năm bị khởi tố, điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", dư luận không khỏi giật mình khi một cựu quan chức “cấp huyện” ở nhà hơn 100 tỷ đồng, chưa tính đến giá trị hệ thống cây cảnh xung quanh cũng đáng giá vài chục tỷ đồng. Đáng chú ý khi lực lượng chức năng tạm niêm phong, thu giữ 4 chiếc xe hạng sang tại nhà ông Phạm Hồng Hà trị giá hơn 20 tỷ đồng, thì vị này chỉ đứng tên 1 chiếc xe rẻ nhất giá khoảng 1,8 tỷ đồng.

Dư luận cũng đặt ra nhiều nghi ngờ, bức xúc về những vụ án khi bị khởi tố, kẻ tham nhũng đi giám định “bỗng nhiên” lại mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là những vụ án lớn.

Khó thu tài sản bất minh "ẩn nấp" ngoài xã hội

Trên diễn đàn Quốc hội,  ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND tối cao, đại biểu Quốc hội Đoàn TP.Hồ Chí Minh thừa nhận, so với yêu cầu thì “rõ ràng số mất với số lấy lại vẫn chưa tương xứng”.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí . Ảnh; quochoi.vn.

Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng cho hay: “Chúng ta chỉ mới có kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm, sở hữu mà có thể hợp pháp hay không hợp pháp, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không thì vẫn bỏ một khoảng trống rất lớn”.

Vì vậy, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì tài sản tham nhũng mà các đối tượng có thủ đoạn che giấu, ẩn nấp ở ngoài xã hội, nhờ người khác đứng tên như xe ô tô, nhà đất thì khó “đụng” vào được.

“Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn” – Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) cũng thẳng thắn nêu: Hiện nay còn 40% đến 50% số tài sản tham nhũng chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Đại biểu Phạm Nam Tiến nêu rõ, hiện nay chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của đối tượng phạm tội, tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát, trở thành nơi ẩn nấp của tài sản tham nhũng.

Kê biên, phong tỏa tài sản kịp thời, không để lợi dụng tẩu tán tài sản

Đề cập đến khó khăn trong công tác thi hành án tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chia sẻ: Nhiều vụ việc người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị thấp, không đủ để thi hành nghĩa vụ. Một số tài sản kê biên đảm bảo thi hành án có tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, phức tạp, gây khó khăn trong việc xác minh và xử lý.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi (Ảnh: TH)

Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là công tác có tính chất liên ngành, trong đó khâu thi hành án dân sự (xử lý tài sản) là khâu cuối cùng, nên hiệu quả của công tác này phụ thuộc nhiều vào công tác truy tìm, phong tỏa, kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, thậm chí là từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Theo Thứ trưởng: “Thiếu một khâu nào đều ảnh hưởng đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản phi pháp nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án”.

“Có kê biên, phong tỏa kịp thời, đúng pháp luật thì đương sự mới không lợi dụng để tẩu tán tài sản và việc xử lý tài sản của các cơ quan THADS sẽ đạt kết quả cao hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra hiện vẫn còn những quy định chưa theo kịp yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng như: chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục trong hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; luật pháp, cơ chế, chính sách còn nhiều kẽ hở, dễ để bị lợi dụng tham nhũng

Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định "chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại" cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng, bởi khi khởi tố bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể xác định được ngay thiệt hại mà tội phạm gây ra làm căn cứ quyết định phần tài sản phải kê biên, do đó, cơ quan tố tụng có thể chưa áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa dẫn đến đương sự có thể tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện.

“Thực tiễn cho thấy, nơi nào, vụ việc nào được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thì nơi đó, vụ việc đó tỷ lệ thu hồi cao”, Thứ trưởng nói.

Không thể để tiền của Nhà nước, nhân dân vào tay kẻ "ăn cắp"

 

Trao đổi trong Chương trình Đối thoại trên sóng VOV1, ông  Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhận định: Thường trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, ở giai đoạn tiền điều tra như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã “đánh động” cho đương sự. Trong khi đó, quá trình điều tra lại kéo dài, rất khó để bắt quả tang như các loại án hình sự khác…

“Đây là loại án cực kỳ khó. Mục đích của hoạt động tham nhũng chính là “ăn cắp” và ngay từ đầu, họ đã tính toán việc giấu giếm tài sản nếu bị phát hiện. Không phải lúc nào chúng ta cũng kê biên ngay lập tức vì phải có căn cứ pháp lý. Chúng ta chưa tạo được khung pháp lý để kiểm soát tài sản của công dân nói chung chứ không riêng cán bộ, công chức”, ông Tuyển chỉ ra.

leftcenterrightdel
Ông  Phí Ngọc Tuyển, Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ . Ảnh: vov.vn.

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, tài sản tham nhũng thường biến tướng rất mạnh, có thể chuyển ra nước ngoài, có thể được đưa vào quá trình từ thiện, xã hội, thậm chí sử dụng vào các công trình tâm linh… Chính vì thế, cần thiết phải có những quy định chi tiết hơn, bảo đảm quá trình kiểm soát tài sản ngay từ ban đầu và trong quá trình điều tra, xác minh tài sản tẩu tán thì thủ tục xác minh phải rõ ràng, cho cơ quan chức năng quyền được xác minh các tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Đặc biệt, đối với những tài sản tăng lên một cách bất thường.

Phó cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng cho hay: Chúng ta đang có Luật Thuế thu nhập cá nhân, đó là một cơ sở tốt nhưng dứt khoát, chúng ta phải có Luật Thuế tài sản. Tất cả phải được quản lý bằng hệ thống cơ sở dữ liệu chung và được kết nối với nhau. Khi đó, chúng ta sẽ kiểm soát được, ngăn chặn được ngay từ ban đầu hành vi tham nhũng.

“Chỉ khi nào thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, thất thoát thì cuộc đấu tranh với tham nhũng mới thành công. Tiền của Nhà nước, tiền của nhân dân phải được thu hồi và trả về, không thể để tiền đó vào tay những “ăn cắp”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, một bất cập lớn trong hoạt động thanh tra thời gian qua, đó là việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích được phát hiện trong quá trình thanh tra và khắc phục kiến nghị xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3, 4 Quốc hội khoá XV cho thấy, dường như giải pháp cho bất cập nêu trên chưa được chú trọng.

leftcenterrightdel
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển (Ảnh: quochoi.vn)

Mặc dù dự thảo Luật có quy định về việc tạm giữ tài sản, giấy phép (Điều 80) nhưng biện pháp này không được áp dụng trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, mặc dù khoản 3 Điều 68 dự thảo Luật có quy định việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, song lại chưa có quy định về việc chuyển tiếp biện pháp ngăn chặn cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan. 

Theo quy định của dự thảo Luật thì việc áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tạm giữ tài sản, đồ vật sử dụng trái phép chỉ được thực hiện đối với tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra. Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật và phát hiện có dấu hiệu của việc chuyển dịch tài sản nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng các biện pháp nêu trên...

Từ thực trạng trên cho thấy cần có giải pháp căn cơ để "bịt kín" kẽ hở pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới./.

 

Bài 1: Nhận diện chế định thu hồi tài sản tham nhũng

Bài 3: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ quá trình thanh tra, kiểm tra

Bài 4: Thu hồi tài sản tham nhũng có thể không cần qua thủ tục kết tội

Bài 5: Bịt kín "kẽ hở" pháp luật để không thể tham nhũng! 

Thu Hằng - Việt Anh - Đỗ Thoa - Kim Thanh - Khúc Yến
06/11/2022 09:18