Bài 3: Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra

(ĐCSVN)Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư nhấn mạnh phải tăng cường nhận thức, coi thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, ngay từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh nội dung này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp hoàn thiện cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng.

Phóng viên (PV): Thời gian qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã đạt được những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do đâu?.

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Có thể nói vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng trở nên quan trọng, đây là một trong những tiêu chí để đánh giá hiệu quả tham nhũng. Bởi vì tham nhũng là hành vi hướng tới việc chiếm đoạt tài sản. Kết quả quan trọng nhất trong quá trình này chính là thu hồi lại tiền bạc, tài sản đã bị thất thoát, đã bị chiếm đoạt trong các vụ án  hình sự, kinh tế.

Trong thời gian gần đây chúng ta đã có rất nhiều biện pháp để tăng cường, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản và trên thực tế thì tài sản được thu hồi cũng đã tăng lên đáng kể nhưng mà so với yêu cầu, so với số tài sản bị thất thoát thì vẫn là một vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Chẳng hạn trước đây chúng ta chỉ có thể thu hồi được 5% đến 7% tài sản tham nhũng, thì đến nay đã thu hồi được 50% đến 60%. Như vậy là sự tiến bộ lớn nhưng còn lại đến 40%-50% số tài sản chưa được thu hồi lại là con số không hề nhỏ. Bởi vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể phải đến hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng, vì vậy chỉ 1% đã nhiều chưa nói đến 30% - 40%.

Vậy vì sao chúng ta thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt như mong muốn?. Tôi cho rằng rõ ràng có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân từ thể chế, nguyên nhân từ nhận thức, nguyên nhân từ quá trình triển khai các vụ việc, nguyên nhân từ năng lực phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt là năng lực của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng nhất là cơ quan trực tiếp phát hiện, xử lý như: cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra, rồi cơ quan kiểm sát, tòa án hoặc là cách thức chỉ đạo chúng ta trong  quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng. Chẳng hạn dù đã phát hiện ra nhưng chúng ta không có biện pháp ngăn chặn kịp thời tài sản thì tài sản bị tẩu tán hoặc ít nhất là nó cũng làm cho sai lệch đi và như vậy quá trình thu hồi rất là khó khăn. Điều này cũng đã được chỉ ra trong quá trình nghiên cứu cũng như trong Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư ngày 02/6/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.

Từ sự phân tích thực tế đó, chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân đích thực của nó cũng như đưa ra các biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng ngay từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra

PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn, nhất là những điểm nghẽn, vướng mắc về mặt thể chế trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Về mặt thể chế, chúng ta chưa có những quy định để đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; trong quá trình phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng ta cần phải luật hóa.

Hiện nay, các chủ trương của Đảng có, trong đó Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư nhấn mạnh phải tăng cường nhận thức, phải coi thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, ngay từ trong quá trình thanh tra, kiểm tra thay vì như trước kia trong các vụ việc chúng ta thường quan tâm nhiều đến việc xử lý cá nhân, tổ chức.

Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: TH). 

Thứ hai, rõ ràng về mặt thể chế chúng ta cũng có những hạn chế nhất định, chưa có những quy định để đưa ra các biện pháp cần thiết ngay tức thời để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Hoặc là chúng ta có nhưng mới chỉ là bước đầu. Thí dụ như gần đây chúng ta mới có quy định liên quan đến quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng biện pháp tránh tẩu tán tài sản như phong tỏa tài khoản, không cho giao dịch, định giá tài sản…

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mới đưa ra cơ chế là các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có trách nhiệm không chỉ là kiểm soát phần “tĩnh” mà còn kiểm soát cả phần “động”, tức là cả những biến động tài sản và đặc biệt là khi có “biến” nhận được yêu cầu của các cơ quan, tổ chức trong quá trình phát hiện thì họ có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan như yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin hay đóng băng tài sản, yêu cầu cơ quan quản lý bất động sản, đăng ký tài sản không cho giao dịch một động sản, bất động sản nào đó.

Bên cạnh đó, các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự trong áp dụng các biện pháp khẩn cấp vẫn còn nhiều ràng buộc, khó khăn. Trước kia thường khi có án chúng ta mới thu hồi tài sản, như vậy phải trải qua một quá trình rất dài và kẻ tham nhũng đã kịp tẩu tán tài sản tham nhũng và chúng ta phải chịu hậu quả rất rõ ràng. Như vụ án Trịnh Xuân Thanh bị kết án phải nộp khoảng 130 tỷ đồng nhưng trên thực tế cũng chỉ thu được khoảng ba chục tỷ vì một vụ án qua rất nhiều khâu như điều tra, truy tố, xét xử, thậm chí còn sơ thẩm, phúc thẩm, cả quá trình đó nếu không có biện pháp ngăn chặn ngay thì khi đó thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn. Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải lưu tâm kể cả về mặt chỉ đạo, kể cả về mặt luật pháp.

Cần tăng cường thêm quyền hạn cho thanh tra viên để áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn

PV: Như ông vừa chia sẻ vẫn còn những kẽ hở và thiếu sót trong áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời thì dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến để thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bổ sung cho thanh tra quyền đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, cơ quan có thẩm quyền khác áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, nếu trong quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu của tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản... Theo ông điều này có ý nghĩa thế nào trong việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Rõ ràng cơ quan thanh tra có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và đặc biệt trong việc phát hiện thu hồi tài sản tham nhũng. Bởi vì đối tượng của hoạt động thanh tra chủ yếu là khu vực công, cho nên việc chi tiêu ngân sách, đấu thầu mua sắm..., tất cả những câu chuyện như vậy liên quan đến vấn đề tham nhũng. Như vậy, thanh tra có rất nhiều cơ hội để phát hiện ra những tài sản có liên quan đến tham nhũng và bản thân ngành thanh tra cũng có trách nhiệm nghiên cứu các biện pháp tốt hơn nữa để nâng cao hiệu lực thu hồi tài sản tham nhũng.

Thời gian vừa qua cùng với sự việc sửa đổi Luật thanh tra, trong đó nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện và áp dụng biện pháp ngăn chặn để thu hồi tài sản cũng được quan tâm nhiều.

Điều này cũng liên quan đến Chỉ thị số 04/CT-TW của Ban Bí thư, trong đó có nêu rõ cần tăng cường thêm quyền hạn cho thanh tra viên để áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn. Trên tinh thần chỉ đạo như vậy thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ các cơ sở pháp lý để có thể giao ủy quyền cho thanh tra viên trong quá trình tiến hành thanh tra. Bởi vì thanh tra viên nằm trong đoàn thanh tra và dưới sự chỉ đạo của người giải quyết thanh tra, cho nên phải trao cho họ quyền chủ động.

Đương nhiên việc đó phải phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung. Và đặc biệt nếu chúng ta giao thêm quyền cho thanh tra viên, tất nhiên quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với sự kiểm soát, làm sao để thanh tra viên đủ năng lực, trình độ để có thể sử dụng quyền hạn một cách tốt nhất để phục vụ công việc thu hồi tài sản tham nhũng.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức dù đã được hoàn thiện hơn nhưng vẫn mang tính hình thức, chưa đủ sức để truy quét được tài sản tham nhũng. Ông có suy nghĩ như thế nào về đánh giá trên?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Kê khai tài sản chỉ là một trong số biện pháp liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Kê khai tài sản mục đích thứ nhất là bản thân n cán bộ, công chức phải tự kiểm điểm sự liêm chính của mình mỗi khi đặt bút kê khai. Đây là điều rất quan trọng.

Thứ hai, kê khai là để các cơ quan biết được tài sản nắm được thông tin về tài sản và từ đó có sự kiểm soát thông qua sự biến động tài sản xem có dấu hiệu tài sản gia tăng một cách đột ngột, bất thường, từ đó có thể tiến hành các biện pháp thanh tra, kiểm tra, điều tra để chứng minh hành vi phạm tội tham nhũng. Và điều quan trọng như tôi vừa nói, việc kiểm soát tài sản thu nhập cũng nhằm đưa ra các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản sau này.

Hiện nay các cơ quan nhà nước cũng đang triển khai rất tích cực theo Luật phòng chống tham nhũng 2018 với nhiều điểm mới về vấn đề đối tượng kê khai, trình tự, thủ tục, loại tài sản cũng như quy định về xác minh tài sản. Nhưng chúng ta luôn nhớ rằng đó chỉ là một trong các biện pháp và việc kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức cũng cần phải kết hợp với nhiều biện pháp quản lý kinh tế - xã hội khác.

Thí dụ chúng ta không thể kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khi mà không kiểm soát việc chi tiêu tiền mặt. Khi mà hạ tầng công nghệ cho phép chúng ta có thể yêu cầu thanh toán không cần dùng tiền mặt và như vậy mới kiểm soát được thu nhập, biến động tài sản. Bởi bây giờ người ta có thể mang tiền mặt để cho con, giống như vụ án của nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, ông có thể mang một vali giá trị 1 triệu đô la cho con gái.

 Nếu chúng ta yêu cầu trên 1 triệu đồng phải chuyển khoản thì sẽ rõ ngay ngày nào giờ nào, địa chỉ người chuyển và nhận và chúng ta sẽ kiểm soát được các giao dịch đáng ngờ, không rõ ràng.

Thứ ba, chúng ta không chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, chúng ta phải tiến tới kiểm soát toàn bộ xã hội, điều này rất cần thiết. Vì theo quy định con trên 18 tuổi thì bố mẹ không phải kê khai tài sản, điều này dễ dẫn đến việc “lách luật”, bố mẹ tham nhũng chuyển tài sản cho con đã thành niên đứng tên sở hữu.

Khó kiểm soát được nguồn tiền thu nhập được từ bên ngoài

PV: Hiện nay, chúng ta mới chỉ tiến hành kê khai tài sản đối tượng cán bộ, công chức và một số lãnh đạo viên chức nhưng phát hiện được rất ít trường hợp kê khai tài sản không trung thực, điều này cho thấy chưa thực sự hiệu quả. Vậy khi tiến hành mở rộng kiểm soát toàn dân, liệu có quá sức và  khả thi hay không, thưa ông?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Tôi cho rằng quá sức hay không là do mình chứ thực tế ở nước ngoài người ta kiểm soát được. Ở Việt Nam, vấn đề không phải là tất cả các cán bộ, công chức sai phạm, mình không có lý do gì mình nói những người còn lại chưa phát hiện kê khai tài sản không trung thực là sẽ sai phạm.

Chúng ta phải hiểu về mặt lý tình. Thứ nhất là về mặt lý anh phải chứng minh được sự sai phạm đó. Thứ hai là nói đến sai phạm, đây là quy kết thôi. Chúng ta phải thừa nhận một điều là bây giờ cơ chế quản lý của mình chưa tốt. Thực tế có những người nhiều tiền vì tham nhũng thật nhưng cũng có những người không phải vì tham nhũng, chỉ vì chúng ta khó kiểm soát được nguồn tiền thu nhập được từ bên ngoài, cán bộ công chức của mình vẫn có thể “buôn” đất được, “buôn” chứng khoán, “buôn nước bọt” là chuyện rất phổ biến nhưng chúng ta không kiểm soát được. Thế nên giải trình về tài sản tăng thêm rất có thể họ sẽ nói đi mua đất, đây là thực tế. Vì vậy không thể “ bắt nhầm còn hơn bỏ sót” được.

Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là gì, là trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước. Tất nhiên tổ chức, đảng viên có trách nhiệm giải trình nhưng một người bình thường, người ta không có trách nhiệm chứng minh tiền ở đâu ra, trừ trường hợp trong kiểm soát tài sản thu nhập có phần tài sản tăng thêm một cái đột ngột so với trước đây thì phải giải trình nhưng vấn đề giải trình này do chúng ta quản lý chưa tốt, cho nên người ta khai thế nào thì biết thế.

Vì vậy, không thể nói việc kê khai tài sản còn hình thức. Bởi vì một biện pháp không bao giờ được kết quả trăm phần trăm, kể cả nước ngoài. Vậy thì chúng ta phải làm từ không đến có, từ ít đến nhiều chứ đừng mong bằng một biện pháp chúng ta có thể kiểm soát được hết tài sản.

Chúng ta thường nói chống tham nhũng phải có trọng tâm, trọng điểm, nhưng kê khai tài sản chúng ta lại làm ở diện rộng tất cả cán bộ, công chức. Ở nước ngoài đã nghiên cứu khi kê khai tài sản ở diện rộng thì không đủ năng lực để kiểm soát ở mức độ đó, vì vậy thà rằng thu hẹp đối tượng, thì ở phía trên có sức lan tỏa.

Còn tiến tới kiểm soát thu nhập toàn dân lại không phải là câu chuyện kiểm soát tài sản tham nhũng, mà kiểm soát rất nhiều thứ, để không trốn thuế, rửa tiền, kiểm soát tài sản có minh bạch… hay không ?

Kiểm soát quyền lực thông qua kiểm soát hoạt động  công vụ

 PV: Thực tế đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn. Ông có suy nghĩ gì về việc cần thiết phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để chống việc lạm quyền của những người có chức vụ, quyền hạn để “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Đó là vấn đề rất lớn, kiểm soát quyền lực không chỉ là câu chuyện ở một lĩnh vực nào đó mà là vấn đề mà hiện nay chúng ta đang bàn rất nhiều khi xây dựng Đề án Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là Đề án rất lớn do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo. Vấn đề này liên quan đến không chỉ là nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng cơ quan, mà phải trên cơ sở nghiên cứu cả một thiết chế phân công quyền lực giữa cơ quan  lập pháp, hành pháp, tư pháp. Bởi vì Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên có sự sự phân công phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước. Đấy là điều rất quan trọng!

Bây giờ chúng ta phải thể chế hóa trong các quy định của pháp luật. Nó có rất nhiều các góc độ khác nhau, kiểm soát ngay từ thiết chế Nhà nước, giữa hệ thống các cơ quan bây giờ như thế nào?.

Thêm nữa, từ các nội dung lớn như vậy thì rõ ràng chúng ta cần nghiên cứu để điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và tiếp theo đó từng hoạt động một thì phải nghiên cứu rằng chuyện lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền hạn ở chỗ nào để kiểm soát.

Thí dụ hoạt động của cơ quan hành pháp là hoạt động kiếm tiền, vậy thì chúng ta phải kiểm soát việc tiêu tiền, chúng ta phải kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài sản công. Nhưng ở quan lập pháp, chúng ta phải kiểm soát hoạt động lập pháp, xây dựng pháp luật, bởi vì ở đấy  sẽ có khả năng tham nhũng chính sách, sẽ có sự chạy chọt, sẽ có “lobby” chính sách. Vậy chúng ta cũng phải nghiên cứu trong việc xây dựng cơ chế chính sách thì tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm ở chỗ nào để từ đó có các biện pháp ngăn chặn.

Hoặc ở trong hoạt động Tòa án (tư pháp), thường xảy ra việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng ở khâu nào? và xảy ra là do kẽ hở của luật nào?.

Tóm lại vấn đề kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn, chúng ta phải giải quyết từ vấn đề căn cốt của nó là vấn đề phân công quyền lực, xác định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan; và nghiên cứu tính chất đặc thù của từng loại hoạt động. Để từ đó chúng ta tìm ra những khâu, những điểm, những vùng có nguy cơ tham nhũng.

Cuối cùng đó chính là câu chuyện chúng ta kiểm soát quyền lực thông qua kiểm soát hoạt động nhiệm vụ công vụ. Trong đó, trước hết  kiểm soát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bởi vì đó phải là một cơ chế  ràng  buộc lẫn nhau, bản thân người đứng đầu cũng phải tự nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát hoạt động nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức. Như vậy thì cơ chế kiểm soát của chúng ta mới có hiệu quả, không chỉ là một câu chuyện chung chung.

Hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản

PV: Như ông vừa chia sẻ, sở dĩ tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của chúng ta còn thấp vì quy định pháp luật thiếu chặt chẽ. Vậy vấn đề hoàn thiện cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng cần được đặt ra như thế nào, thưa ông?

Vụ trưởng Đinh Văn Minh: Hiện nay theo quy định pháp luật, nếu cán bộ, công chức không trung thực trong kê khai tài sản tức là che giấu thì chúng ta cũng chỉ xử lý về phần “người” thôi, tức là xử lý hành chính, thậm chí xử lý mất chức, đưa ra khỏi kế hoạch, không cho ứng cử, nhưng phần tài sản đó thì chưa thu hồi ngay được mà phải chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng. Đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ để tiếp tục nghiên cứu. Thực ra ngay sau khi Luật phòng chống tham nhũng được thông qua  thì Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu để làm sao tiến tới chúng ta có thể thu hồi tài sản không qua bản án hình sự. Đây cũng là một yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Điều 20 quy định cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, nếu  có một sự gia tăng bất thường không giải trình được thì tài sản bị tịch thu. Tuy nhiên, đây là một yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam chưa áp dụng được.

Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, việc đầu tiên là hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản thu nhập, chúng ta phải có công cụ để giúp kiểm soát tài sản, thu nhập

Các cơ quan phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, phải có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án... để kịp thời theo dõi sự biến động cũng như xử lý khi có vi phạm.

Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trong đó chú trọng các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.

Cùng với đó, cần phải tăng cường hệ thống quản trị, đặc biệt là thuế. Nếu tất cả khoản thu nhập được theo dõi, kiểm soát bởi cơ quan thuế, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của những người trong diện phải kê khai sẽ dễ dàng hơn.

Song song, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới theo hướng phải quy định thu hồi tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc và hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt.

Đi kèm với đó, pháp luật cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án; chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài 1: Nhận diện chế định thu hồi tài sản tham nhũng

Bài 2: Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng còn "trầy trật"?

Bài 4: Thu hồi tài sản tham nhũng có thể không cần qua thủ tục kết tội

Bài 5: Bịt kín "kẽ hở" pháp luật để không thể tham nhũng!

 
Thu Hằng - Việt Anh - Đỗ Thoa - Kim Thanh - Khúc Yến
08/11/2022 15:30