leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh các ngành kinh tế của TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, du lịch là một ngành mà TP có lợi thế thu hút du khách và kích cầu tiêu dùng. Vì vậy TP Hồ Chí Minh xác định tiếp tục tập trung nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thực hiện các giải pháp tăng tốc, phục hồi phát triển ngành du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế của Thành phố.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

TS Lê Bá Chí Nhân – Chuyên gia kinh tế cho rằng: Chúng ta thấy, quý I/2023 tốc độ tăng trưởng của TP Hồ Chí Minh là 0,7%, nhiệm vụ quý II của TP Hồ Chí Minh rất nặng nề, đó là phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để lấy lại tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh việc thực hiện giải ngân đầu tư công, thực hiện cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, Thành phố cần có giải pháp cụ thể “kích hoạt” sự phát triển của ngành du lịch nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cho Thành phố.

Nhìn từ kết quả tăng trưởng quý I của ngành du lịch Thành phố cho thấy, du lịch là lĩnh vực dịch vụ phục hồi tốt, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6,79% (đóng góp 89% vào mức tăng trưởng chung, không kể thuế sản phẩm)… Do đó, cần triển khai hiệu quả các biện pháp kích cầu du lịch.

Cùng với việc đa dạng các sản phẩm du lịch đặc thù, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, để thu hút lượng khách quốc tế lớn đến từ các thị trường khác nhau, cần phải tổ chức lại không gian du lịch tại TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
 

“Chúng ta xác định đường hướng trong phát triển du lịch của Thành phố là gì? Du khách họ cần gì khi đến đây? họ phải vui chơi, giải trí, thăm thú rồi mới tiêu tiền; ngành du lịch cần phải đặt ra câu hỏi du khách họ đến Thành phố họ sẽ đi đâu, làm gì và tiêu tiền vào những dịch vụ như thế nào? Từ đó có cách tổ chức lại không gian phù hợp, để khách khi đến phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể tham gia cùng một lúc là tham quan, mua bán và ăn uống và đặc biệt cần phải thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình kinh tế ban đêm, bởi khách nước ngoài họ chủ yếu là du lịch và tiêu tiền về đêm là chính.”

Bên cạnh đó, TS Lê Bá Chí Nhân cũng kiến nghị, cần đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật đường phố ở khu vực Nhà hát TP và các tuyến phố đi bộ; tổ chức các xe di động bán quà lưu niệm liên quan đến TP Hồ Chí Minh, liên quan đến đất nước Việt Nam…

Ngoài ra du khách đã đến thì họ sẽ có nhu cầu quay trở lại, vì vậy Thành phố cần tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn các lễ hội văn hóa, ẩm thực quy mô lớn để phục vụ nhu cầu của du khách.

“Nếu lên Google gõ từ khóa Thái Lan sẽ ra rất cụ thể các tuyến phố hay các điểm du lịch, nhưng nếu gõ TP Hồ Chí Minh thì lượng thông tin gắn kết để du khách năm được thì còn rất khiêm tốn, như vậy đòi hỏi Thành phố và ngành du lịch cần phải xây dựng một kế hoạch quảng bá, giới thiệu về mình một cách sống động, rõ ràng và sắc nét hơn”- TS Lê Bá Chí Nhân nêu.

Một trong những vấn đề thúc đẩy ngành du lịch phát triển đó là sự liên kết mạnh mẽ giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong khu vực, trong vùng và cả nước. Chia sẻ về vấn đề này, TS Tạ Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Liên kết ở đây phải rất rộng, có thể là liên kết ngành chính là ngành du lịch liên kết với ngành nông nghiệp hay các ngành khác tạo ra sản phẩm để đảm bảo nguồn cho hoạt động du lịch; Hay liên kết về mặt văn hóa; liên kết trong phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường sông, đường hàng không…

leftcenterrightdel
 

Về liên kết vùng, chúng ta thường bàn với nhau về vấn đề chuỗi cung ứng dịch vụ, nhưng bên cạnh đó tôi cho rằng chúng ta cần phải tạo ra được những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Nhờ liên kết vùng, các địa phương sẽ dựa vào lợi thế của mình để tạo ra các sản phẩm thế mạnh; đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh, từ đó có chuỗi giá trị du lịch mang tính chất nâng cấp chuỗi giá trị du lịch ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, sản phẩm du lịch mang giá trị sinh kế, nhưng không thể khuyến khích người dân chuyển từ sinh kế vốn có sang sinh kế du lịch mà phải phải lấy sinh kế du lịch làm sinh kế cộng thêm. Đó chính là bản sắc du lịch.

leftcenterrightdel
 

TS Tạ Duy Linh cho biết: Bối cảnh của TP Hồ Chí Minh là bối cảnh mở, hiện TP TP thiếu các sản phẩm du lịch tự nhiên, nhìn tổng thể nó sẽ giúp TP Hồ Chí Minh đa dạng về mặt sản phẩm, nhưng cần phải có sản phẩm du lịch đặc trưng. Vậy, vấn đề đặt ra mỗi một quận, huyện cần phải có sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền.

“Tôi kỳ vọng TP Hồ Chí Minh có một sản phẩm du lịch cộng đồng trong không gian đô thị, có sức khác biệt trong cả nước Việt Nam. Có thể tôi tham vọng khi nói như vậy, nhưng thực tế, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã cùng với Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch Thành phố ngồi lại tìm hiểu, chia sẻ với mong muốn sẽ hình thành được một sản phẩm du lịch cộng đồng trong không gian đô thị.

Chúng tôi kỳ vọng khi khách du lịch đến với TP Hồ Chí Minh, ngoài trải nghiệm sản phẩm du lịch về đô thị thì đâu đó cũng sẽ có những sản phẩm du lịch cộng đồng trong không gian đô thị. Ở đó nó có sự gắn kết của cộng đồng, của con người trong không gian đô thị về mặt văn hóa ứng xử; đồng thời mô hình ấy sẽ là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới, tạo nên tính khác biệt có sự hội tụ về mặt văn hóa, hội tụ về mặt văn hóa ứng xử, ẩm thực, tài nguyên, kinh doanh và thương mại dịch vụ… chúng tôi hy vọng sản phẩm này sẽ hoàn thành và ra mắt trong năm 2023”- TS Tạ Duy Linh bộc bạch.

Là một trong những đơn vị triển khai hàng loạt các chương trình thể thao marathon tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước, ông Nguyễn Tử Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần TropiAd chia sẻ: Cùng với nguồn thu có thể đong đếm đường từ những runners, những đường chạy marathon len lỏi trong các con phố còn là trải nghiệm du lịch góp phần lan tỏa đến với hàng triệu người theo dõi cuộc đua.

leftcenterrightdel
 

Các giải chạy bộ nở rộ tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung nó nằm trong xu thế được thế giới gọi là du lịch thể thao. Loại hình du lịch thể thao ở các quốc gia phát triển hoặc các quốc gia coi trọng loại hình du lịch này có đóng góp khoảng từ 20-25% tổng doanh thu của ngành du lịch, tốc độ tăng trưởng hàng năm là khoảng 10%.

leftcenterrightdel
 

Ở Việt Nam hiện chưa có một tổ chức nào thống kê cụ thể, nhưng nhìn vào những con số của thế giới để thấy một điều rõ ràng rằng du lịch thể thao là một tiềm năng rất lớn.

Riêng TP Hồ Chí Minh phong trào, số lượng giải rất nhiều diễn ra hàng tháng, hàng tuần, tuy nhiên nó chưa thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ bởi thực tế nó chỉ mới phát triển bề rộng, chưa phát triển chiều sâu. Trong khi TP có vị trí giao thông thuận tiện, đủ hạ tầng cơ sở để có thể xây dựng một giải marathon mang thương hiệu của TP Hồ Chí Minh để có thể tạo điểm nhấn, thu hút du khách quốc tế đến với TP.

Để làm được điều đó, ông Nguyễn Tử Anh cho rằng “TP cần phải có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, đơn vị tổ chức và người dân sở tại.

“Tổ chức giải chạy marathon không chỉ đơn thuần để thu hút hàng nghìn vận động viên đến chạy, mà còn là dịp để thành phố đó quảng bá và phát triển du lịch mạnh mẽ, thu về lợi nhuận khổng lồ cho nhiều lĩnh vực như lưu trú, dịch vụ ăn uống, các địa điểm vui chơi giải trí… Vì vậy cần có sự phối hợp quảng bá tuyên truyền về sự kiện sâu rộng và mạnh mẽ trên hệ thống hàng không, các công ty du lịch lữ hành để xây dựng hành trình; đồng thời có chính sách giảm giá cho các vận động viên khi đến tham dự…” – Ông Nguyễn Tử Anh cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, năm 2023 TP thu hút 4,5 đến 5 triệu lượt khách quốc tế, 30-35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt từ 150-160 ngàn tỷ đồng, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, ngành du lịch tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trong và ngoài nước về việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của TP. Triển khai phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố theo Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2023 về du lịch gắn với văn hóa, nghệ thuật, về du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, về phát triển du lịch ẩm thực, chương trình “100 điều thú vị”; sản phẩm chủ lịch du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch về đêm…

leftcenterrightdel
 

Cùng với đó, bà Hiếu cũng cho biết, Sở Du lịch xác định câu chuyện hợp tác, liên kết sẽ với các vùng, các địa phương trong cả nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Ngành Du lịch. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác liên kết với gần 50 địa phương thuộc 6 cụm trên cả nước. Trong thời gian qua, các cụm liên kết đã tổ chức các hoạt động khảo sát để hình thành sản phẩm, công tác quảng bá xúc tiến du lịch… tạo ra nền tảng cho việc liên kết, hợp tác vùng một cách bền vững.

Cụ thể, Thành phố sẽ đẩy mạnh hình thành sản phẩm liên kết vùng theo hướng đưa khách từ Thành phố đến các tỉnh và ngược lại; trong đó, định vị TP Hồ Chí Minh là điểm đến mua sắm, vui chơi, giải trí và là nơi du khách trải nghiệm một đô thị du lịch sống động và hiện đại. Tăng cường quảng bác các sản phẩm vùng nhằm thu hút khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh và từ TP Hồ Chí Minh đi các vùng trên cả nước.

leftcenterrightdel
 Cùng với việc đổi mới các sản phẩm du lịch, sự chuyên nghiệp sẽ góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của Thành phố với bạn bè quốc tế (Trong ảnh: Du khách Pháp tham quan điểm du lịch Đảo Thiềng Liềng- huyện Cần Giờ- TP Hồ Chí Minh)

Thành phố cũng xác định cùng với việc đổi mới các sản phẩm du lịch, sự chuyên nghiệp cũng góp phần quan trọng để khẳng định thương hiệu. Vì vậy Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai mạnh mẽ công tác phối hợp, đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm của TP Hồ Chí Minh cũng như các vùng lân cận như Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, góp phần gia tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.

leftcenterrightdel
 

Trong buổi làm việc với Sở Du lịch TP vào đầu tháng 4/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh quan điểm phát triển ngành du lịch là chất lượng và đa dạng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi du lịch phát triển thì kéo theo nhiều ngành khác. Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cần có sự chia sẻ để tạo ra chuỗi sản phẩm, tạo lợi nhuận cao nhất. Với nguồn lực còn hạn chế thì không nên ôm đồm và dàn trải, nên tập trung.

TP Hồ Chí Minh có vị thế là điểm đến của khách du lịch trước khi đến với các địa phương khác, bởi vậy cần có sự liên kết các vùng cùng chia sẻ và phát triển sản phẩm đặc trưng riêng.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tập trung sản phẩm chất lượng, đầu tư chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn hơn; Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng; Đẩy mạnh quảng bá, tận dụng khoa học - công nghệ trong giới thiệu TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện: Hoàng Mẫn - Phú Đức - Lan Hương và Nhóm PV.

 

Bài 1: Bước chuyển mình mạnh mẽ - Khẳng định thương hiệu trên bản đồ thế giới

Bài 2: Đa dạng các sản phẩm kinh tế đêm.

 

29/04/2023 15:39