leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

Chị Lê Thị Hiền (36 tuổi) công tác tại Bảo hiểm xã hội huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2009. Công việc của chị hiện nay là làm giám định viên bảo hiểm y tế (BHYT), kiêm giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Cùng với chuyên môn là làm công tác giám định BHYT tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, 15 trạm y tế xã trên địa bàn huyện, chị Hiền cũng thường xuyên đi tuyên truyền về việc tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho người dân tại các xã trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Chị Lê Thị Hiền trao sổ cho người tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: NVCC)

Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện là một nội dung quan trọng, được BHXH huyện Mộc Châu triển khai đến từng tổ, bản, tiểu khu, tuyên truyền theo hình thức nhóm nhỏ. Hằng tuần, hằng tháng, các cán bộ, viên chức của BHXH huyện liên hệ với các trưởng bản, tổ trưởng, tiểu khu trưởng để kết nối, thông báo với người dân. Khi tập trung được người dân (tại nhà văn hóa bản, tiểu khu hoặc tại nhà trưởng bản, tiểu khu trưởng, nhà người dân,…), thì bất kể là buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối, các tuyên truyền viên sẽ có mặt kịp thời để trao đổi với người dân.

Chị Hiền cho biết, ban ngày, các cán bộ, viên chức như chị làm việc tại văn phòng của BHXH, hết giờ làm là lên đường di chuyển đến các xã ngay. Vì nhiều xã ở xa, buổi tối đường sá đi lại cũng khó khăn hơn, trong khi người dân cũng đi làm cả ngày, buổi tối tập trung được ít người, thường thì phải tối muộn người dân mới đến dự. Bởi vậy, những buổi tuyên truyền tại cơ sở như vậy thường kết thúc muộn, các cán bộ tuyên truyền về đến nhà cũng là lúc nửa đêm. Do vậy, việc sắp xếp giữa công việc cơ quan và công việc gia đình cũng cũng gặp nhiều khó khăn nhất định.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh tuyên truyền việc tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố Sơn La. (Ảnh: Kiều Giang)

Là người đã có gia đình và có hai con nhỏ, trong khi công việc tuyên truyền lại hay phải đi vào buổi tối, ở những địa bàn xa, chị Hiền cho biết, chị may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình nên cũng yên tâm với công việc. Đặc biệt, chồng chị cũng làm cùng ngành nên dễ chia sẻ, thông cảm với nhau. “Có những hôm cả hai vợ chồng cùng đi tuyên truyền thì ông bà (ở cách đó 12 km) đến trông con, trông nhà giúp. Nhờ vậy, hai vợ chồng em cũng yên tâm hơn, nhất là những hôm đi làm vào buổi tối, đến đêm về muộn”, chị Hiền chia sẻ.

 Chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, chị Hiền kể về một kỉ niệm đáng nhớ vào tháng 12/2020. Khi đó, đội tuyên truyền của BHXH Mộc Châu có buổi tối tuyên truyền tại bản Sò Lườn, xã Mường Sang. Là 1 bản của xã Mường Sang, cách trung tâm huyện không quá xa, khoảng 10 km, đường vào bản là đường đất, buổi tối mùa đông rất lạnh, có kèm theo mưa, nên đường đi vào bản lầy lội, trơn trượt rất khó đi.

leftcenterrightdel
Chị Lê Thị Hiền là một trong những cá nhân tích cực của BHXH huyện Mộc Châu trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. (Ảnh: NVCC)

“Buổi tuyên truyền hôm đó gồm có đồng chí Đặng Thị Hồng Giang (lúc đó là Phó Giám đốc BHXH Mộc Châu, tôi và đồng chí Bình). Vì toàn là nữ nên hôm đó xe của chồng đồng chí Bình đã đưa đoàn vào bản. Trên đường đi, xe bị trơn trượt nhiều lần, gần đến bản thì xe ko thể di chuyển được. Thế là chúng tối tiếp tục đi bộ, mà đi bộ buổi tối đường không có điện, đường nhiều bùn đất nên rất trơn, di chuyển rất khó khăn. Đến được bản cũng là 8h tối, nhưng phải đợi đến 9 giờ tối, người dân bản mới đến đông đủ và buổi tuyên truyền mới bắt đầu được. Buổi tuyên truyền kết thúc vào khoảng 11h đêm, chúng tôi đi bộ từ nhà văn hoá của bản ra xe, và phải nhờ vào sự hỗ trợ của người dân mới qua được chỗ lầy. Chưa hết, trên đường về gần hết địa phận xã Mường Sang, chúng tôi gặp tổ công tác của Công an huyện Mộc Châu chốt chặn kiểm tra ma túy (bản Sò Lườn là một điểm nóng về ma túy trên địa bản huyện). Các đồng chí công an yêu cầu dừng xe và kiểm tra trên xe, giấy tờ, và hỏi: “Các anh chị đi đâu mà về muộn? Đi từ đâu về? Đi làm công việc gì?…”. Chúng tôi phải chờ đợi khá lâu thì mới có thể tiếp tục di chuyển về nhà trong đêm mưa rét”.

leftcenterrightdel

Là người có gần 20 năm gắn bó với công việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, cô Cao Thị Huấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Quyết Tâm (thành Phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã chia sẻ với chúng tôi về mối cơ duyên gắn bó với công việc này.

Cô cho biết, cơ duyên đến với công tác bảo hiểm xã hội bắt nguồn từ bố của cô. Trước đây, bố đẻ cô Huấn là tổ trưởng chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của tổ 3, phường Quyết Tâm. Do sớm biết đến những chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội mà đến năm 2014, cô Huấn tham gia làm đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

leftcenterrightdel
Cô Cao Thị Huấn dành nhiều thời gian để tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân về việc tham gia BHYT và BHXH tự nguyện. (Ảnh: Kiều Giang)

Theo chân cô Huấn đến thăm một số hộ gia đình đã hoặc chưa tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, chúng tôi thấy được sự yêu mến, tin tưởng của mọi người dành cho cô.

Vợ chồng cô Lê Thị Thắm và chú Trần Đức Dương (phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La) khi thấy chúng tôi đến, đã cho chúng tôi xem hai cuốn sổ  ghi quá trình tham gia BHXH của cô chú. Cô Thắm kể: “Chúng tôi có hai cuốn sổ này là nhờ công tuyên truyền, vận động của chị Huấn. Hai vợ chồng tôi làm nghề kinh doanh tự do, nên chỉ mong sau này khi về già được lĩnh lương hưu. Có như vậy mới yên tâm tuổi già”.

Vợ chồng cô Thắm có một tiệm tạp hóa nhỏ bán ngay tại nhà. Việc cả hai cô chú cùng tham gia BHXH trải qua một quá trình tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng. Cô cũng bày tỏ lo lắng về “những lúc nếu không làm ăn được, kinh tế khó khăn thì lấy tiền đâu để đóng”. Tuy vậy, nhận thấy những lợi ích từ việc tham gia BHXH, cô chú đã tham gia và góp phần “truyền cảm hứng” cho người thân và hàng xóm về việc mua BHYT và BHXH tự nguyện.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Cao Thị Huấn cho biết, vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, nhưng để duy trì việc tham gia thường xuyên, liên tục còn khó hơn nhiều. Theo cô Huấn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn cho nên để vận động được một người dân tham gia, người làm đại lý thu phải đồng hành, theo suốt quá trình. Muốn vậy, người làm đại lý thu phải gần gũi với bà con, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, từ đó tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm lâu” thì người dân mới hiểu được lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH, BHYT.

leftcenterrightdel
Cô Cao Thị Huấn giải thích về những quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện với vợ chồng cô Lê Thị Thắm và chú Trần Đức Dương (phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La).  (Ảnh: Kiều Giang)

Cô Cao Thị Huấn hay chị Lê Thị Hiền là hai trong số những người góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa tỉnh Sơn La. Họ là “những cánh tay nối dài”, góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến gần hơn với người dân, để ngày càng có nhiều người dân có thể tham gia và thụ hưởng chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta./.

Nhóm PV Thời sự
24/01/2024 15:39