Bài 3: Ứng dụng chuyển giao khoa học giúp cà phê Sơn La vươn ra thế giới

(ĐCSVN) - Vốn là tỉnh “quanh năm bán sắn, bán ngô”, chỉ trong gần chục năm trở lại đây, người dân Sơn La đã phát huy thế mạnh của vùng đất dốc đưa nông sản của tỉnh phát triển, vươn lên trở thành một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”. Một trong những hiện tượng điển hình đó phải kể đến việc trồng và sản xuất cà phê nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sớm đưa cà phê vươn ra thế giới. 

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, với nền đất đỏ vàng phì nhiêu, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc. Để phát triển cà phê bền vững, tỉnh Sơn La đã lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác cây cà phê; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ phục vụ sản xuất cà phê…Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.700 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039 ha, 1.560 hộ gia đình tham gia.

Cà phê Bích Thao - đơn vị đi đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Là một trong những Hợp tác xã (HTX) đi đầu trong quy mô sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cà phê chất lượng cao, HTX Cà phê Bích Thao xã Hua La, thành phố Sơn La đã chú trọng xây dựng và phát triển cà phê theo chuỗi khép kín từ trồng trọt, chăm sóc, đến chế biến sản phẩm; hệ thống chế biến cà phê khép kín từ sơ chế bằng máy tách vỏ cà phê liên hòa công nghệ cao đến tách vỏ cà phê, phơi sấy, rang xay và xử lý nước thải.

leftcenterrightdel
Cây cà phê được trồng và chăm bón đúng kỹ thuật của HTX cà phê Bích Thao. 

Dẫn chúng tôi tới thăm vườn cà phê và nơi sản xuất từng hạt cà phê thơm ngon, nổi tiếng nơi đây, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao cho biết: Được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2017, HTX Cà phê Bích Thao là một trong những HTX đi đầu trong xây dựng quy mô sản xuất và xuất khẩu cà phê chất lượng cao. Đây cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến cà phê, phát triển sản phẩm theo chuỗi khép kín từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, chế biến, xây dựng thương hiệu đến khi tiêu thụ.
Phân tích về quy trình sản xuất cà phê nơi đây, ông Nguyễn Xuân Thao cho hay, nhận thấy vùng nguyên liệu cà phê trồng từ năm 1994 đã bị già cỗi, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; từ năm 2017, 2018 khi được chuyển giao công nghệ của Viện khoa học nông nghiệp, HTX đã chuyển sang trồng cà phê hữu cơ, đến nay đã trồng 150 ha cà phê đặc sản. Giống này kháng được bệnh, thích nghi môi trường hiện tại, năng suất cao, giá trị cao hơn.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao (thứ nhất từ trái sang phải) giới thiệu về quy trình chế biến cà phê. 

Theo ông Thao, để có sản phẩm chất lượng, 100% phải là cà phê chín đỏ, thu hái, sơ chế theo quy trình và được phơi trong nhà kính. Để sản xuất trà quả cà phê, cà phê sẽ được thu hái từ 9-10 giờ sáng và 15-17 giờ chiều, đảm bảo giữ được lượng đường tự nhiên có trong vỏ cà phê. Cà phê thu hái về sẽ được rửa, hong khô từ 3-4 giờ rồi thực hiện tách vỏ. Công đoạn tách vỏ không sử dụng nước như quy trình sản xuất truyền thống nên tránh gây ô nhiễm môi trường. Vỏ cà phê được sản xuất thành trà, nhân dùng để chế biến cà phê mật ong.

Giám đốc HTX cà phê Bích Thao cũng cho biết thêm, để liên kết những người sản xuất cà phê trên địa bàn xã Hua La - thành phố Sơn La, HTX đã tiến hành thử nghiệm các giống mới có chất lượng cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến. Từ năm 2019 đến nay, HTX của ông đã ký hợp đồng và cung cấp sản phẩm cà phê nhân cho một số đơn vị xuất khẩu. HTX vẫn duy trì xuất khẩu sang Đức và đã mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông. Bên cạnh việc xuất bán cà phê nhân HTX còn phát triển hệ thống bán lẻ cà phê bột mang nhãn hiệu cà phê Bích Thao Sơn La.

leftcenterrightdel
Sản phẩm cà phê của HTX Bích Thao ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa còn phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính tại châu Âu. 

Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Nha Trang... Đến thời điểm này, các sản phẩm cà phê của HTX Bích Thao ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa còn phục vụ xuất khẩu ra các thị trường khó tính tại châu Âu như Đức, Pháp, Mỹ...

Cà phê Phúc Sinh - “thủ phủ” điển hình trên đất Sơn La

Được biết, hiện toàn tỉnh Sơn La có 6 doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê lớn (Minh Tiến; Cát Quế; Phúc Sinh; Minh Châu; Bích Thao; AraTay) thì cả 6 đơn vị đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” và đều tham gia chế biến sâu, sản xuất ra cà phê hạt rang, cà phê bột phục vụ tiêu dùng trong ngoài tỉnh. 

Ngoài HTX cà phê Bích Thao, nhà máy cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) cũng là một “thủ phủ” điển hình về đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ để tạo nên thương hiệu cà phê trên đất Sơn La.

Chia sẻ với chúng tôi, các hộ gia đình trồng cà phê nơi đây cho biết: Niềm vui của họ được nhân đôi khi Nhà máy cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh đã hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 11/2018. Khi bắt đầu hoạt động, bên cạnh việc sản xuất và chế biến, nhà máy đã thực hiện việc đầu tư cho vùng trồng hữu cơ của bà con các huyện ở Sơn La, tiếp tục gia tăng độ chế biến sâu hơn đối với sản phẩm cà phê.

leftcenterrightdel

Cà phê Phúc Sinh của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La tại bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) là một “thủ phủ”điển hình về đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ để tạo nên thương hiệu cà phê trên đất Sơn La. 

Cụ thể, từ vùng trồng, nhà máy đã phối hợp cùng các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu kỹ thuật chuẩn cho việc trồng cà phê nơi đây.

Đến tận nơi “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của nhà máy đã hướng dẫn để giúp các hộ trồng cà phê hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách thức thu hái, phơi phóng an toàn, cách đóng gói nguyên liệu…để tạo ra sản phẩm cà phê chất lượng đưa ra thị trường.

Bà Hoàng Thị Na, nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) cho biết, gia đình trồng cà phê hơn 10 năm nay, đã trải qua nhiều bấp bênh do cà phê khó bán. Giờ có Nhà máy Phúc Sinh về thu mua, phấn khởi lắm. “Chúng tôi yên tâm trồng cà phê, chăm bón tốt, quả to, được mùa, làm hàng sạch, bán cho nhà máy với giá tốt hơn, đỡ bấp bênh hơn trước nhiều rồi”, bà Na chia sẻ.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, Nhà máy Phúc Sinh có quy mô lớn, gồm các hạng mục: khu nhà xưởng chính; hệ thống xử lý nước thải; nhà văn phòng... Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc đồng bộ, thế hệ mới nhất đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê là Penagos - Columbia, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại rộng 2.600 m2, với công suất 200 m3/ngày đêm.

Việc nhà máy thu mua cà phê của nông hộ, hỗ trợ kỹ thuật, tạo công ăn việc làm là những bước đầu tiên trên hành trình đưa cà phê ra thế giới, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về hướng đi mới cho phát triển nông sản, trong đó có cà phê, ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Sơn La cho biết: Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 khâu đột phá và 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp; trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển bảo vệ thương hiệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La" do UBND tỉnh Sơn La phối hợp với với Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Để phát triển bền vững ngành cà phê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

leftcenterrightdel
Tỉnh Sơn La luôn đẩy mạnh xây dựng phát triển thương hiệu cho mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh, trong đó có cà phê. 

Toàn tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha. Đặc biệt, hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường: Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để tiếp tục chinh phục những thị trường khó tính, Sơn La đã và đang từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực đáp ứng những quy định, tiêu chuẩn, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, giải pháp thứ nhất là phát triển cà phê bền vững, xây dựng quy trình sản xuất cà phê sạch theo các tiêu chuẩn RA, 4C, UTZ…Và đầu tiên phải là giống, phải tiếp tục nghiên cứu những bộ giống cà phê tốt nhất, phù hợp với điều kiện của vùng trồng Sơn La. Tái canh những vùng trồng cà phê già cỗi, chất lượng kém, sức chống chịu với bệnh và biến đổi thời tiết... để làm sao từng bước xây dựng vùng cà phê cây non, khoẻ để cho ra những sản phẩm cà phê tốt nhất.

Ông Nguyễn Thành Công cũng khẳng định, để phát triển cà phê bền vững, tỉnh sẽ đánh giá toàn diện vùng trồng cà phê, đánh giá quy trình trồng, quy trình sản xuất, canh tác, thu mua, thu hái và chế biến tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng vùng cà phê Sơn La phát triển bền vững. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cà phê theo định hướng để cà phê Sơn La sẽ vươn tầm ra thế giới.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, để tiếp tục phát triển các sản phẩm nông sản, trong đó có cà phê, ngành KH&CN tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Sở sẽ ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong nông nghiệp để chọn, tạo ra giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới có năng suất chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, tuần hoàn; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu gắn với quy hoạch của tỉnh./.

Bài 1: Không thể thiếu vai trò khoa học công nghệ trong xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Bài 2: Ứng dụng công nghệ cao – Chìa khóa vàng để nông nghiệp Việt bứt phá

Bài 4: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang vướng rào cản nào?

Bài 5: "Phủ" tri thức khoa học trên những cánh đồng nông nghiệp 

Nhóm PV Thời sự
26/12/2023 09:15