Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước trong những năm tới cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm). Năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng chúng ta phấn đấu là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm).Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm).
Con đường phát triển, chấn hưng văn hóa nhằm xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh toàn dân tộc được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra rất rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
|
Trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: Chúng ta phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá, làm sao để văn hóa thực sự trở thành "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi”.
Để hiện thực hóa những chỉ đạo này, thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 11 năm (2025-2035). Sau nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung Chương trình với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học…; căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, Bộ VHTTDL hiện đang trình Quốc hội cho ý kiến thông qua về chương trình trong kỳ họp thứ 8 khóa XV. Chương trình đã đề ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp cụ thể thiết thực nhằm đưa những chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn. Đây được kỳ vọng là chìa khóa mở cánh cửa cho văn hóa bước vào thời kỳ hội nhập với sức bật mới, đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tạo hành lang thông thoáng để văn hóa phát triển xứng tầm và ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Đây là chiến lược, là con đường sáng đưa văn hóa có những bước phát triển vượt bậc, đột phá vào những năm tới.
Chương trình tập trung xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nêu rõ: Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
|
Để hiện thực hóa chủ trương ý tưởng của Đảng và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 làm sao để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi”. |
Như vậy có thể thấy đây là một chiến lược phát triển văn hóa rất toàn diện, cụ thể, chi tiết thể hiện tâm huyết, trí tuệ không chỉ của ngành văn hóa mà của toàn Đảng, toàn dân. Chương trình cũng được xây dựng bài bản, khoa học.
Chương trình đã đưa ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp căn cơ, đặc biệt là đưa ra quan điểm dài hạn để tương xứng với vị trí của một chương trình quốc gia. Đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Được chỉnh sửa nhiều lần và trong kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa XV đang diễn ra vào tháng 10/2024, hy vọng với những giá trị thiết thực, Chương trình sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua để có thể triển khai ngay trong năm 2025. Đây sẽ là công cụ, chiến lược hỗ trợ để đạt được các mục tiêu mà Đảng đã đề ra, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc. Chương trình cũng sẽ là kim chỉ nam bảo đảm đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa. Chương trình cũng là tiền đề, là chìa khóa mở cánh cổng để Việt Nam hội nhập cùng thế giới trong kỷ nguyên mới…
|
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025-2035 được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, thể hiện tâm huyết và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân đã được báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong nhiều kỳ họp..... |
Mới đây nhất trong phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày ý kiến thẩm tra về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa 2025-2035, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung và quá trình chuẩn bị Chương trình. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Bằng sự tâm huyết dành cho văn hóa, các chuyên gia đã "hiến kế" nhiều giải pháp để chương trình vĩ mô mang tầm quốc gia về văn hóa khi được thông qua sẽ thực sự là "con đường sáng" mở ra nhiều hy vọng và kỳ vọng cho sự phát triển đột phá của văn hóa nước nhà, đặc biệt đáp ứng với kỳ vọng và mong mỏi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây phải chăng sẽ là lời giải, giải bài toán về những bật cập của văn hóa vốn kéo dài nhiều năm trước đây, đồng thời tập trung để “xây dựng thành công nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
|
Theo lộ trình, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV nếu nhận được sự đồng thuận của các đại biểu tại nghị trường nhấn nút thông qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ đi vào thực tiễn. Thế nhưng để Chương trình khi triển khai thực sự là chương trình của “ý Đảng, lòng dân” thống nhất, rất cần vai trò đầu tàu, định hướng, giám sát…. của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Đặc biệt là sự phân bổ nguồn ngân sách đầu tư cho các hoạt động, các địa phương phải đúng, “trúng”... sẽ cổ vũ, động viên được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này.
|
Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày báo cáo Chương trình Mục tiêu văn hóa giai đoạn 2025-2035, trong đó đề xuất số tiền dự kiến để thực hiện "đại công trình" này là 256.250 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đầu tư từ ngân sách cho phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là hơn 122.000 tỷ đồng, giai đoạn 2030-2035 là hơn 135.000 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là nguồn lực lớn nhất mà Chính phủ dự kiến đầu tư cho một Chương trình Mục tiêu quốc gia, cao hơn so với mức đầu tư của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia đang thực hiện và cao hơn gấp nhiều lần so với Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa đã thực hiện ở các giai đoạn trước đó. Việc dự kiến dành một nguồn đầu tư lớn như vậy cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đã được Đảng, Nhà nước đề ra tại Nghị quyết XIII.
Trong phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Trình bày ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật. Về kinh phí thực hiện Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cơ bản nhất trí với dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Đồng thời nhấn mạnh, việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
|
Chương trình kỳ vọng là "con đường sáng" mở cánh cửa để văn hóa hội nhập và "cất cánh" trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
Đánh giá về toàn bộ Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa từ 2025-2035, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định: Đây là Chương trình được thiết kế rất đồ sộ, công phu qua các lần điều chỉnh, Chương trình được báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã hoàn thiện và hợp lý, logic hơn, không còn hiện tượng trùng lắp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai.
Với 7 mục tiêu tổng quát, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030; 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035, 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết bám sát 6 nhóm nhiệm vụ và 4 giải pháp mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa từ 2025-2035 cơ bản đã giải quyết được những yêu cầu trong việc đẩy lùi những hạn chế, bắt tay vào chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới bằng những nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động cụ thể, chi tiết, toàn diện…
Về lộ trình thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện trong giai đoạn 2025-2035. Trong đó năm 2025 chỉ tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác…
Giai đoạn thứ 1 theo kỳ trung hạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031-2035, tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo tới phát triển văn hóa. Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều quyết sách để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng có lẽ từ xưa tới nay rất hiếm chương trình nào được xây dựng triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước lại cụ thể, chi tiết, toàn diện và đồng bộ như Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Để Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ là những ý tưởng đẹp đẽ trên giấy, khẩu hiệu suông hay câu chuyện của phong trào... mà thực sự đi vào cuộc sống, trở thành chương trình của “ý Đảng, lòng dân” đúng như PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đã khẳng định: Muốn thực hiện Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Phải coi xây dựng văn hóa và xây dựng con người là xây dựng tương lai tốt đẹp của dân tộc. Nếu chúng ta không có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta không có con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thì chúng ta rất khó để đưa đất nước đi lên. Mọi người dân, cán bộ, đảng viên, quần chúng miền xuôi, miền núi, các dân tộc, tôn giáo... phải hiểu được mục đích, ý nghĩa, nội hàm của chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa để cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện bằng được cuộc cách mạng này.
“Vạn sự khởi đầu nan”, sẽ chẳng có con đường nào đi đến thành công mà “trải đầy hoa hồng”, hơn nữa đó lại là “con đường” để góp phần chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa, sức mạnh mềm của dân tộc. Nhưng chúng ta tin tưởng và kỳ vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ sớm được triển khai và đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả như mong muốn; tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn dân tộc vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, thịnh vượng./.
Bài 1: Định vị “thương hiệu Việt”
Bài 2: Tạo sức bật đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Bài 3 Khơi thông điểm nghẽn , tăng sức mạnh mềm từ đầu tư