leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

(ĐCSVN) - Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Để mục tiêu này thành công, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, phải khắc phục bằng được những hạn chế còn tồn tại, những rào cản về tư duy cũng như cần nhiều cơ chế, chính sách để phát triển.

leftcenterrightdel

Nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội to lớn là vậy, nhưng trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bên cạnh những thuận lợi, Thành phố cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, rào cản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển. Đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, đồng đều về vai trò, vị trí, nguồn lực văn hóa. Một số địa phương vẫn chậm trễ trong triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nên thiếu sự đầu tư thỏa đáng. Do đó, nhiều giá trị, di sản văn hóa độc đáo của địa phương vẫn đang nằm im, chờ được khai thác để tham gia vào thị trường, làm giàu cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần cho người dân.

Đó còn là hệ thống quản lý về văn hóa vẫn tản mát ở các sở, ban, ngành khác nhau. Trong khi đó, sự phối hợp, liên kết đồng bộ, hiệu quả, liên ngành giữa các lĩnh vực có liên quan còn thiếu. Kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô còn chưa đồng bộ.

Thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện và thiếu những liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao. Thành phố chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

leftcenterrightdel

TS Bùi Thị Kim Chi, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, Hà Nội rất chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, quan điểm nói chung vẫn coi di sản văn hóa như một loại nguồn vốn cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tức là coi di sản văn hóa như một “tư bản” trong hoạt động kinh tế thông thường để sinh lợi nhuận. Chính vì vậy, các di sản văn hóa đã bị khai thác triệt để khía cạnh kinh tế để đem lại doanh thu, lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm tốt văn hóa, thì phải có người có kiến thức chuyên sâu về văn hóa. Trong khi đó, việc giáo dục, đào tạo, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức và chưa theo kịp sự tiến bộ, phát triển chung của khu vực và thế giới. Vấn đề đào tạo và đào tạo lại trong văn hóa, tuy đã được đề cập một số lần, nhưng cách thực hiện như thế nào, thì trên thực tế, vẫn chưa nhìn thấy rõ. Vẫn chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết cho xây dựng nguồn nhân lực làm văn hóa…

Là một người công tác trong lĩnh vực văn hóa, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) từng phát biểu rằng, thành phố Hà Nội được UNESCO công nhận là "thành phố sáng tạo" nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Ngay cả "công nghiệp sáng tạo", "công nghiệp văn hóa" là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng. Theo ông Vinh, vấn đề mấu chốt ở đây là xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo" cho Hà Nội như thế nào? Làm thế nào để công chúng, bạn bè quốc tế công nhận chúng ta có một "thành phố sáng tạo".

leftcenterrightdel

Một thách thức không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, chính là tài chính và cơ sở vật chất. Trước năm 2020, thành phố thường dành khoảng 1,8% ngân sách cho ngành văn hóa. Mặc dù kinh phí không nhiều, nhưng nhiều khi cũng không giải ngân hết. Trong khi đó, nếu tập trung đầu tư vào phát triển công nghiệp văn hóa, thì không thiếu gì việc để đầu tư. Trước tiên là dành kinh phí tôn tạo và nâng cấp xứng đáng các không gian văn hóa, các thiết chế văn hóa, cải tạo cơ sở hạ tầng cho văn hóa. Chủ động tạo ra các sự kiện thu hút đông khán thính giả và du khách, như các lễ hội văn hóa, hội chợ sách, các triển lãm về văn học và văn hóa dân gian, các lễ hội thời trang và ẩm thực…

Mặt khác, một số doanh nghiệp còn ngần ngại trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa với tư duy cho rằng văn hóa là lĩnh vực tiêu tiền, đầu tư nhiều mà lợi nhuận thu về ít mặc dù đã có những điều kiện thuận lợi cả về môi trường đầu tư và cơ chế chính sách hỗ trợ thông thoáng của địa phương. Rồi không ít nghệ sĩ tài năng trước nay vốn quen với quan niệm chỉ làm những gì mình thích mà ít để ý đến yếu tố công chúng, chưa bắt nhịp vào việc liên kết với doanh nghiệp, nhà phát hành để đưa sản phẩm của mình ra với thị trường...

Một số chuyên gia lĩnh vực văn hóa cũng cho rằng, mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về di sản văn hóa, giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc, tham gia vào hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO nhưng đến với Hà Nội, mọi người vẫn bắt gặp những sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũ, ít có sự đổi mới, chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Các sản phẩm văn hóa chưa được nhận diện một cách sâu sắc, sáng tạo hoặc na ná giống các địa phương khác. Chính điều đó cũng làm giảm sức hấp dẫn của công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thừa nhận rằng, việc triển khai thực hiện các cam kết với UNESCO về di sản văn hóa thế giới và “Thành phố sáng tạo” chưa được tập trung đẩy mạnh; tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra. Mặt khác, phát triển công nghiệp văn hóa không tách rời với phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa và điều đầu tiên cần quan tâm đến là thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường văn hóa của Hà Nội còn yếu, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

leftcenterrightdel

Chưa hết, nguồn lực dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Việc đầu tư, hợp tác, liên kết, phát triển công nghiệp văn hóa từ khâu tạo sản phẩm, dịch vụ, đến thị trường trong nước và nước ngoài chưa được chú trọng đúng mức, chưa gắn với chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng môi trường sáng tạo, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều khó khăn; chưa xây dựng được cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô... 

leftcenterrightdel

Một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả, tạo nên diện mạo, sức sống mới cho Thủ đô. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy giá trị, nguồn lực văn hóa vẫn chưa tương xứng. Do đó, Hà Nội cần nhận diện chính xác, đánh giá đúng mức, từ đó, loại bỏ những hạn chế gây nên những điểm nghẽn.

GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, cho rằng: Với tính chất trung tâm và hội tụ của mình, không nên nhìn nhận văn hiến Thăng Long - Hà Nội, con người Hà Nội bằng con mắt tĩnh mà cần phải tìm hiểu nó như một khái niệm động. Theo ông, văn hiến Thăng Long - Hà Nội là sự hợp lưu của con người ở nhiều vùng miền, là tinh hoa góp lại mà có. Nhà Lý quê ở Kinh Bắc, đã đưa văn hóa Phật giáo về góp mặt với Thăng Long. Nhà Trần quê ở Tức Mặc đã góp thiên tài về tổ chức quân sự ở đất Thiên Trường cho Thăng Long… Tất cả đã bổ sung, góp phần làm nên thành tựu đa dạng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong văn hóa Việt Nam.

leftcenterrightdel

"Tổ tiên ta từ xa xưa đã dồn toàn bộ tâm huyết, trí tuệ và tài năng để tồn tại trên mảnh đất này, để mưu cầu sự phồn vinh, hạnh phúc và truyền lại cho muôn đời con cháu những di sản quý báu về văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm nghiên cứu, tìm hiểu những di sản quý báu đó, trước hết là tìm thấy nền tảng cơ bản của những di sản ấy, phân tích những yếu tố cấu thành, những nguyên nhân lịch sử đã tạo nên văn hiến Việt Nam và văn hiến Thăng Long", GS.TS Đặng Cảnh Khanh nhấn mạnh.

Luận giải thêm ý kiến của GS.TS Đặng Cảnh Khanh, PGS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, nêu quan điểm: Nói đến bản sắc Hà Nội, cần phải nói đến sự pha trộn hài hòa, sự đan xen khó tách biệt, sự thẩm thấu tưởng như khiên cưỡng nhưng qua thời gian lại trở thành phù hợp... giữa những nét "kinh điển, hoa lệ" của châu Âu với những giá trị lịch sử đã được bảo tồn qua năm tháng của con người và văn hoá Hà Nội.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, hiện nay, nhiều người từ các nơi khác về Hà Nội vẫn mang tâm lý về Thủ đô để làm ăn, sinh sống, chưa có ý thức xây dựng mình thành người Hà Nội. “Việc giáo dục con cái, thế hệ trẻ trong những gia đình, dòng họ ở Hà Nội đang là vấn đề lớn đặt ra. Đặc biệt, với những gia đình từ các địa phương khác đến Hà Nội, cần coi Hà Nội không chỉ là nơi sinh sống, làm việc, mà còn cần là nơi gắn bó, yêu thương”, PGS Lê Quý Đức bày tỏ.

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, phân tích, 1.206 lễ hội và 79 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian sẽ là cơ sở bền vững cho phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa cần hết sức thận trọng bởi sự thương mại hóa, kinh tế hóa giá trị di sản có thể là nguy cơ đối với bảo vệ di sản, với lợi ích/quyền của cộng đồng.

Còn PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lại lưu ý: “Hà Nội không chỉ có tiềm năng di sản, mà còn có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhiều sông, hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng... tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. So với nhiều tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh..., Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, phát triển các không gian của thành phố cũng chưa được chú ý đúng mức trong tương quan với phát triển văn hóa, nhất là để lãng phí “trục” sông Hồng - vốn là trục trung tâm của thành phố trước kia.

leftcenterrightdel

Cùng quan điểm với PGS Đặng Văn Bài, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, lý giải, đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ là đô thị nghìn năm tuổi, sức sống của nó chủ yếu được khai thác từ nguồn lực sông Hồng. Mặc dù về mặt hình thức, đô thị này phát triển thiên về một bên sông nhưng nó thực sự là đô thị mở ra sông, lấy sông Hồng làm mặt tiền, làm trung tâm của mọi mối giao lưu và các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, nhất là thời kỳ Pháp thuộc, thời bao cấp, Hà Nội co cụm, nép mình trong đê, quay lưng lại với dòng sông, từ chối mọi khả năng thích nghi và sáng tạo của cộng đồng dân cư dạn dày với nắng mưa, bão lũ sông Hồng. Dù sau đó, Hà Nội tận dụng, phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông thành nhân tố phát triển của Thủ đô nên đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, dự án khai thác lợi thế mặt nước và hai bên sông Hồng nhưng chưa chú trọng quay mặt vào sông... 

Có thể nói, lịch sử đã trao cho Hà Nội một vị thế có một không hai. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước. Với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình", "Thủ đô di sản" và ngày nay là "Thành phố sáng tạo", Thủ đô Hà Nội là cầu nối liên kết Việt Nam với thế giới... Nhiệm vụ của Thủ đô hiện nay là loại bỏ những hạn chế gây nên những điểm “nghẽn”, “gạn đục khơi trong” nhằm phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người - tiềm năng, thế mạnh riêng có tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong thời gian tới./.

(Bài có sử dụng ảnh của một số đồng nghiệp)

Phát triển văn hoá Hà Nội xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến

Bài 2: Đưa công nghiệp văn hóa trở thành mũi nhọn để Thủ đô phát triển bền vững 

Bài 3: Mở “cánh cửa” du lịch văn hóa

Bài 5: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô

Nhóm PV
01/06/2023 17:14