leftcenterrightdel


Bài 5: Việt Nam vững vàng hội nhập 

(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu rất tích cực. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định; tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức hợp lý. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam tự tin, vững vàng hội nhập quốc tế.

Chủ động trở thành “điểm đến lý tưởng”

Trong bối cảnh năm 2020, khi cả thế giới đang đối mặt với dịch COVID-19 cùng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước có chung nhận định là, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc, và có thể vào Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia hay các quốc gia khác. Đặc biệt, Việt Nam được coi là có cơ hội lớn nhất khi giữa những lợi thế về địa lý, thể chế và cả công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Đối với Việt Nam, năm 2019, hoạt động thu hút FDI đạt nhiều kỷ lục mới, song năm 2020, khi đối mặt dịch COVID-19, lượng vốn FDI vào Việt Nam tuy có giảm, nhưng vẫn là những kết quả đáng ghi nhận, và đang có dấu hiệu tăng dần. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so cùng kỳ năm 2019. 

leftcenterrightdel

Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn cho dòng vốn FDI

Mặc dù con số này đạt thấp hơn so năm ngoái, song theo nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, mức giảm này tương đối ít. Bởi dòng vốn đầu tư của thế giới dự báo năm 2020 có thể suy giảm 40%. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn vốn đăng ký mới tăng thêm khoảng 20 tỷ USD, giảm 15% so cùng kỳ. Một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua; số dự án đăng ký mới tăng bình quân 6%, số dự án đăng ký tăng thêm tăng 22,2%. Đây được xem là cơ hội “vàng” để Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, biện pháp chống đại dịch COVID-19 hiệu quả và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) - đón làn sóng đầu tư mới.

Từ góc nhìn quốc tế, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “Sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn FDI chuyển dịch tới Việt Nam. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế.

leftcenterrightdel
 

Theo ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cái quan trọng là cơ hội đó cho ai, mình có tận dụng cơ hội đó để phát triển quốc gia của mình hay không mới cần thiết. FDI đầu tư vào chưa phải là vấn đề quan trọng mà thu hút FDI phải gắn với thúc đẩy phát triển của cả một quốc gia. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc khi doanh nghiệp FDI vào phải đàm phán với chúng ta, được chúng ta chọn lọc. Ai đạt được mục tiêu đó thì tiếp nhận, không đạt cương quyết không tiếp nhận. Thậm chí có thể cực đoan nói không với nhà đầu tư, chứ không tiếp nhận bằng mọi giá, “lót ổ, biệt đãi” vô điều kiện. Chúng ta hỗ trợ ưu đãi thuế, đổi lại họ phải đào tạo lao động cho Việt Nam, nâng cấp chuỗi giá trị. Đặc biệt, chiến lược thu hút FDI cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Trung ương, từ đó tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào phát triển của đất nước Việt Nam.

Để chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư FDI mới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị, Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp VCCI, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với đại bản doanh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam mà không thụ động chờ họ tìm đến với mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực gia tăng áp lực cạnh tranh thu hút FDI, Việt Nam cần phải quán triệt nguyên tắc không hạ chuẩn để chạy đua thu hút FDI mà ngược lại phải “tăng chuẩn” để đón được các nhà đầu tư thế hệ mới, có chất lượng cao.

leftcenterrightdel

Toàn cảnh khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) – nơi thu hút hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp FDI

Cùng quan điểm này, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn thu hút FDI có hiệu quả, có chọn lọc, thì việc Việt Nam chủ động đưa ra, áp dụng các tiêu chuẩn chọn lọc là rất quan trọng, bởi lẽ sau 30 năm thu hút FDI, điều Việt Nam cần nhất từ nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không phải vốn, mà là hợp tác nâng cao năng lực và kết nối với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ. Muốn đón “đại bàng” về làm tổ, Việt Nam không thể “ôm” tư duy cũ, cách làm cũ, mà phải đổi mới đồng bộ. Chính lúc này, rất cần một Chính phủ kiến tạo phát triển.

Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, Việt Nam rất cần thu hút FDI, song không phải bằng mọi giá. Chúng ta phải biết lựa chọn doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, họ chấp nhận liên kết với khối nội trong nước, thay vì “mua đứt” doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam để trục lợi. Nhưng cải cách thế nào để thu hút được FDI theo chính sách được xem là đột phá như định hướng và yêu cầu của Nghị quyết số 50-NQ/TW đã đề ra. 

Ở góc độ khác, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, để thu hút FDI có chất lượng theo Nghị quyết số 50-NQ/TW, đòi hỏi hệ thống cơ quan hành chính phải có sự thay đổi tương thích, chuyển đổi trạng thái hoạt động. Các cơ quan quản lý đang thực hiện thu hút FDI ở trạng thái tích cực thụ động, tức là nhà đầu tư đến, thì họ giải quyết thủ tục đầu tư rất nhanh chóng và thuận lợi. Nhưng trong giai đoạn mới, thu hút FDI cần phải chuyển sang trạng thái tích cực chủ động, nghĩa là chủ động “đi săn” những nhà đầu tư lớn đáp ứng yêu cầu, phù hợp hạ tầng và mang lại lợi ích lớn nhất. 

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị là chủ trương đúng đán về hợp tác phát triển kinh tế đối ngoại. Cá nhân tôi nghĩ, độc lập tự chủ trong thời kỳ kinh tế mở là chúng ta tham gia vào tất cả các chuỗi sản xuất quan trọng của thế giới nhưng chúng ta được tự định giá đóng góp của chúng ta trong chuỗi đó, để sức lao động của người lao động Việt Nam bỏ ra được trả công xứng đáng. 

Cùng quan điển này, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, Nghị quyết số 50-NQ/TW được xem là chính sách đột phá trong thu hút FDI của Việt Nam, nhưng mục tiêu thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo quy mô lớn là khá tham vọng trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam. Ông Tuấn tin là Việt Nam sẽ trở thành “điểm đến lý tưởng” của dòng FDI nếu làm được như vậy.

Tăng cường nền tảng cho hội nhập

Về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhất quán quan điểm: “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” xác định kim chỉ nam cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”.

leftcenterrightdel

Chủ trương đó đã giúp nước ta tự tin bước vào giai đoạn mới của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn chủ động xây dựng các quy tắc mới trong thương mại quốc tế thông qua các FTA thế hệ mới. Trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới, việc ký kết và thực hiện Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là nền tảng cho hội nhập của Việt Nam. Và đây chính là thành qủa đáng ghi nhận của việc hiện thực hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Khóa XII. 

Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhất là các thị trường có FTA, hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông nghiệp, đã vươn lên với sự thay đổi vượt bậc trong năng lực sản xuất của doanh nghiệp và nông dân, từng bước tạo tiền đề quan trọng trong liên kết chuỗi, hướng đến phát triển bền vững.

Tại Hội nghị “Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các FTA” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương và VCCI tổ chức, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết và thực thi các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, sẽ giúp Việt Nam được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế quan, phi thuế quan. Đồng thời có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài TT truyền thống.

Như vậy, sau Hiệp định CPTPP, việc Việt Nam tham gia ký kết EVFTA góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. 

 

leftcenterrightdel

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương Lương Hoàng Thái, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các FTA với các đối tác lớn và khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu cho hàng hóa của Việt Nam. CPTPP là FTA quan trọng nhất trong hơn hai thập kỷ qua, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với 11 quốc gia, chiếm 11,5% tổng kim ngạch toàn cầu. Đối với EVFTA, từ ngày Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế mới của mình trên trường quốc tế.

Riêng EVFTA - một FTA toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so không có FTA này. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Không chỉ vậy, dự kiến EVFTA còn giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; tăng 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

 

leftcenterrightdel

Hình ảnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực thi  Hiệp định EVFTA

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc tự tin mở cửa đón nhận dòng FDI và ký kết các FTA thế hệ mới, mà nổi bật là EVFTA sẽ mở ra “tuyến cao tốc hướng tây” để đưa nền kinh tế Việt Nam đến với một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghiệp thế giới và hệ thống vận hành nền kinh tế chuyên nghiệp, hiệu quả. Qua đó thúc đẩy quan hệ rộng mở, đặc biệt như quan hệ kinh tế Việt Nam – EU, mối quan hệ không chỉ được đánh giá bởi kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư mà còn là tính chất bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước EU. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, cho đến nay Việt Nam đã thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nước đối tác quan trọng nhất trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại – đầu tư song phương cũng như và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu và lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo định hướng đúng đắn của Đảng.

Cùng quan điểm này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, cách làm của chúng ta chưa có tiền lệ trong lịch sử. Lịch sử của dân tộc ta đã trải qua những cái không bình thường. Trong hoàn cảnh xâm lược, chiến tranh, đói khổ, ai cứu vớt chúng ta, là Đảng Cộng Sản. Trong bối cảnh hội nhập, rộng mở quan hệ quốc tế, cuộc sống dần dần sẽ đòi hỏi thay đổi một cách hợp lý hơn. Cải cách theo định hướng, theo ý Đảng cần dựa vào lòng dân, phù hợp với lòng dân thì sẽ tốt hơn.

Việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Đây là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh. Việc thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng với nhiều thành tựu góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng rõ nét nhất cho con đường đúng đắn, sáng suốt mà Đảng đã lựa chọn./. 

Nhóm PV Kinh tế
14/09/2020 23:59