(ĐCSVN) - Cùng với xu hướng du xuân thưởng ngoạn Tết ngày nay, “miền đất sử thi” Hòa Bình đang là một trong những điểm dừng chân được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Cách Hà Nội hơn 70km, mất khoảng 1h30 đồng hồ đi ô tô, chúng ta đã lạc bước vào một vùng đất với nhiều nét văn hóa tuy mộc mạc, giản dị mà lại rất đặc sắc, đậm nét dân tộc Mường - một trong 54 dân tộc Việt Nam.
Được truyền đời qua bao thế hệ, đến ngày nay, nền văn hóa đó vẫn mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng”, những thế hệ đồng bào Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh.
Hòa Bình có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh, sinh sống nhiều trên địa bàn các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn gắn với 4 vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động). Quá trình hội nhập và phát triển, đồng bào dân tộc Mường ở Hoà Bình vẫn giữ được những bản sắc riêng có của dân tộc mình, góp phần bồi tụ, tôn vinh nền "Văn hoá Hoà Bình” nổi tiếng.
Bản sắc văn hóa của tộc người Mường gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình ra đời cách đây hơn 10.000 năm. Nói đến những nét đặc sắc và ấn tượng nhất của dân tộc Mường ở Hòa Bình, chúng ta không thể bỏ qua những phong tục tập quán độc đáo và đặc sắc đó.
Đã từng có thời điểm, theo dòng chảy của thời gian, cùng với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, những giá trị cốt lõi, truyền thống của dân tộc Mường đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Đó là nạn "chảy máu” chiêng, những nếp nhà sàn thưa vắng dần, những làn điệu dân ca, dân vũ chẳng mấy ai còn nhớ. Con cháu không thuộc, thậm chí quên tiếng mẹ đẻ. Không ít phong tục, tập quán dần biến mất trong đời sống, sinh hoạt của người Mường…Hơn bao giờ hết, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường thực sự trở nên cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp
Hiện nay, Hoà Bình đang có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó: Tiếng nói, chữ viết là 10, ngữ văn dân gian là 154, nghệ thuật trình diễn dân gian là 171, tập quán xã hội là 113, nghề thủ công truyền thống là 26, tri thức dân gian là 268. Di sản văn hóa vật thể tại bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 18.003 hiện vật.
Trên địa bàn tỉnh còn có 101 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh) và hơn 100 di tích chưa xếp hạng. Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh.
Người ta vẫn hay gọi Hoà Bình là "tỉnh Mường” bởi sự tập trung đông đảo của người Mường và đây cũng là nơi văn hoá Mường được thể hiện rõ nét nhất, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, ngôn ngữ, trang phục, lễ hội, tri thức dân gian,… Nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của người Mường như dân ca, nghệ thuật chiêng, mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao trong nền văn hóa Việt Nam. Chính điều đó đã tạo nên sự đa văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho Hoà Bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả. Hiện nay, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đang bị mai một nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” một cách hiệu quả.
Ngày 24/11/2023, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 để tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường; góp phần quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.
Bằng những giải pháp đồng bộ như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hoá, gia đình, thể thao, du lịch cho trưởng thôn, bản, các nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh…, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tiêu biểu là văn hoá Mường đạt được những kết quả quan trọng và rõ nét. Với sự phối hợp của các ngành chức năng, di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật chiêng Mường” và di sản văn hóa "Mo Mường Hoà Bình” đã được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia năm 2016. Đồng thời, Ban chỉ đạo Mo Mường tỉnh đã xây dựng kế hoạch để triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2030”, “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”, tái bản Cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình” theo bộ chữ Mường, hoàn thành một phần nội dung của cuốn Từ điển Mo Mường. Sở VH-TT&DL cũng đã tham mưu trình Chính phủ, Tỉnh uỷ cho chủ trương và tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trình tổ chức UNESCO ghi danh trong danh sách là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
|
|
Lễ hội khai Hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. |
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL cho biết: Tỉnh đã tổ chức kiểm kê, lập danh mục kiểm kê và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa (DSVH) truyền thống các dân tộc. Thành lập các câu lạc bộ (CLB) về DSVH dân gian truyền thống như CLB Mo Mường các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, phát triển các CLB hát dân ca, dân vũ, dàn nhạc dân tộc. Tổ chức được các lớp truyền dạy về DSVH phi vật thể như nghệ thuật chiêng Mường, kết cấu và cách dựng nhà sàn dân tộc Mường, hát thường đang bộ mẹng dân tộc Mường. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt dự án "Không gian bảo tồn và phát huy giá trị DSVH mo Mường tại xã Hợp Phong, huyện Cao Phong”.
Các huyện, thành phố đã phục dựng được nhiều lễ hội dân gian. Trước đó là phục dựng lễ hội Khai hạ Mường Bi ở xã Phong Phú (Tân Lạc), lễ hội đu Mường Vôi ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn)… Gần đây nhất là phục dựng lễ hội Mường Động của dân tộc Mường Kim Bôi (năm 2018), lễ hội đình Khói, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (năm 2020). Năm 2021, tỉnh tiến hành kiểm kê, lựa chọn 3 di sản tiêu biểu trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, trong đó có 2 di sản dân tộc Mường, gồm lễ hội khai hạ và tri thức lịch tre.
Tỉnh tiếp tục tăng cường công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 41 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 56 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được quản lý, bảo vệ và khai thác tốt, có 19 công trình đang xét duyệt để xếp vào di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Có 2 di tích văn hóa cấp quốc gia đã được tiến hành trùng tu, tôn tạo. Nhiều Di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn như: các lễ hội truyền thống dân tộc tỉnh Hòa Bình, lễ hội khai mùa Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội Gàu Tào… Các lễ hội chủ yếu gắn với các di tích lịch sử, mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc thông qua các hoạt động giới thiệu ẩm thực, trình diễn trang phục truyền thống, giao lưu văn nghệ dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian… đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
Tuy nhiên, việc gìn giữ các giá trị văn hóa không phải là bảo quản nó trong “tủ kính” mà cần gắn với việc phát huy để làm tỏa sáng các giá trị ấy trong đời sống. Kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống với loại bỏ các hủ tục, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, nhưng vẫn đậm bản sắc.
Khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa Mường trong hội nhập
Trong tiến trình hội nhập đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, việc bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trở thành nhiệm vụ then chốt, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Được xem là văn hoá tiêu biểu nhất, người Mường cùng với các dân tộc anh em khác làm nên nền văn hoá Hoà Bình tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiện nay, văn hoá truyền thống dân tộc Mường đã và đang trở thành tài nguyên quý giá được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, mang đến những đổi thay toàn diện trên quê hương Hoà Bình.
Nhằm thực hiệu có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội; đồng thời khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 11/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đề ra 6 nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức phổ biến truyền dạy các di sản văn hóa; đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa công nghiệp văn hóa; huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc...
Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngành giáo dục đã chủ trương lồng ghép nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào chương trình học tập, ngoại khóa của học sinh, sinh viên. Những nội dung chương trình và cách làm đa dạng, thường xuyên, đã bồi dưỡng các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước. Giúp các em hiểu biết đầy đủ về bản sắc văn hóa dân tộc mình, từ đó tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Từ năm 2019, Trường THPT Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn đã thành lập “Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. Từ đó đến nay, trường chú trọng triển khai mô hình Giáo dục ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường cho học sinh thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Câu lạc bộ tập trung vào sáu mảng chính là: dân ca, trang phục, nhạc cụ, ẩm thực, trò chơi, văn hóa dân gian. Ngoài ra, câu lạc bộ tổ chức dạy bộ chữ Mường cho các thành viên nhóm dân ca và văn hóa dân gian. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, câu lạc bộ đã giúp học sinh thêm yêu và hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút hơn 300 thành viên, khôi phục các bài trình tấu chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, làn điệu dân ca, trò chơi truyền thống... biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày hội văn hóa của làng, xã, nhà trường và địa phương.
|
|
Nghi thức xuống đồng trong lễ hội khai Hạ. |
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các nghệ nhân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu; khuyến khích con em người dân tộc Mường đang học tập trong lĩnh vực văn hóa về làm việc trong cơ quan văn hóa các cấp...
Sinh ra, lớn lên ở thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), khi trưởng thành định cư ở thôn 168, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi), nghệ nhân Bùi Tiến Xô (70 tuổi) là một trong những người tâm huyết nhất bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá Mường. Trong không gian riêng tư nhưng mang đậm hồn Mường, ông dành vị trí trang trọng nhất trưng bày khối gia tài đồ sộ với 55 chiếc chiêng, trong đó có 18 chiêng cổ, 28 chiêng kim, còn lại là chiêng thâu. Cùng với giữ nếp nhà sàn, sưu tầm chiêng Mường, ông tích cực truyền dạy miễn phí nghệ thuật chiêng Mường cho hàng trăm người khắp làng trên, xóm dưới, các xã vùng Mường Động, Mường Vang. Nhiều học trò của ông là học sinh trong các nhà trường, đại diện cho lớp trẻ kế thừa.
|
|
Nghệ nhân Cồng chiêng Bùi Tiến Xô bên những chiếc cồng chiêng truyền thống. |
Thông qua các hình thức động viên, khích lệ, tuyên truyền, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Mường không chỉ trong số ít cá thể đơn lẻ mà lan toả rộng khắp các tổ chức, cộng đồng. Về các xã: Văn Sơn, Nhân Nghĩa, Chí Thiện, Chí Đạo ở vùng Mường Vang, hay các xã Gia Mô, Lỗ Sơn, Phú Vinh của vùng Mường Bi, người dân thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Mường, mặc trang phục dân tộc không chỉ trong dịp lễ hội mà cả trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tiêu biểu trên địa bàn huyện Lạc Sơn còn lưu giữ trong Nhân dân trên 12.000 ngôi nhà sàn Mường, 3.000 chiêng Mường; thành lập được 1 câu lạc bộ (CLB) Mo Mường, 3 CLB thơ ca, 252 đội văn nghệ xóm, phố. Năm 2021, CLB Mo Mường kết nạp thêm 3 thành viên mới, bình quân mỗi thành viên thực hiện trên 100 nghi lễ, phối hợp cơ quan chức năng tổ chức truyền dạy chữ Mường và Mo Mường cho hơn 40 người. Đặc biệt, người dân vùng Mường Vang còn giữ được những giá trị bản sắc văn hoá riêng có như tục ăn cơm mới, đón Tết Độc lập…
Sự phong phú, độc đáo về bản sắc cả trong đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Mường Hoà Bình có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã chú trọng công tác khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu, các trò chơi dân gian gắn với xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, coi đây là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Chẳng thế mà từ khi phục dựng lại các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội đền Bờ (Cao Phong)…, lượng khách đến thăm quan, du lịch tại các địa phương trong tỉnh tăng lên hàng triệu lượt người/năm. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh vẫn là một trong số ít địa phương ở miền Bắc có lượng du khách ổn định, tổng lượng khách đón trên 1,4 triệu lượt, năm 2022 là 3,1 triệu lượt và năm 2023 là 3,8 triệu lượt.
Cũng nhờ những khác biệt về bản sắc cùng những giá trị văn hóa được lưu giữ, bảo tồn mà một số bản làng du lịch cộng đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá, trải nghiệm vùng đất, con người Hòa Bình, thường xuyên đón các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá Mường, như: Lũy Ải - xã Phong Phú (Tân Lạc), Đá Bia - xã Tiền Phong (Đà Bắc), Mu - xã Tự Do (Lạc Sơn)… Thông qua việc tạo dựng, tái hiện các hoạt động phiên chợ quê, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, đan lát, làm cơm lam, rượu cần, tổ chức trò chơi dân gian (đi cà kheo, đánh mảng, ném còn), thi đấu thể thao dân tộc (bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co)… các du khách đã có những trải nghiệm sống động và chân thực về không gian sinh hoạt văn hoá cộng đồng Mường xưa trên các bản làng Mường.
Nhằm đưa các sản phẩm văn hóa của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh về mảnh đất và con người Hòa Bình. Nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, tạo sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch. Qua đó, đã giới thiệu những nét văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tỉnh, gắn hoạt động phát triển văn hóa với hoạt động phát triển kinh tế, tạo sự hài hòa hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Để những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường mãi trường tồn, bền lâu và có sức sống mãnh liệt qua thời gian thì những giải pháp đồng bộ nêu trên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” vừa khơi dậy niềm tự hào, vừa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới; góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề ở nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị phục vụ phát triển du lịch bền vững./.