leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) – Là nữ quân nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Trung tá Nguyễn Thị Liên không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao mà còn luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” trong thời  đại mới, luôn nỗ lực để xây dựng hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam tại Trung Phi.

Câu chuyện về 800 chiếc khẩu trang "made by Lien"

leftcenterrightdel
 Trung tá Nguyễn Thị Liên trao tặng khẩu trang  cho các đồng nghiệp tại Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi

Tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò là sỹ quan tham mưu huấn luyện nên công việc của Trung tá Nguyễn Thị Liên khá đa dạng và cần độ linh hoạt trong giao tiếp cũng như trong cách thức tổ chức. Đồng chí phối hợp với các đồng nghiệp tổ chức những khoá học về bồi dưỡng các kỹ năng cho nhân viên mới đến làm việc tại Phái bộ: từ khâu tiếp đón người mới, sát hạch đầu vào về khả năng ngôn ngữ (Tiếng Anh) cũng như bồi dưỡng kiến thức địa bàn và cấp chứng chỉ đạt chuẩn để họ có thể trở thành nhân viên chính thức của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Đồng chí cho biết, công việc tuy bận rộn nhưng rất thú vị vì được tiếp cận với nhiều thành viên mới của các nước đầu quân cho MINUSCA.

Cộng hòa Trung Phi là một trong những nước nghèo ở châu Phi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Bên cạnh đó, xung đột vũ trang và bất ổn chính trị đã khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhận nhiệm vụ tại Trung Phi từ tháng 6/2019, Trung tá Nguyễn Thị Liên và các đồng nghiệp của mình đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Cơ sở vật chất yếu kém, dụng cụ y tế thiếu trầm trọng, ý thức của người dân chưa cao… là những trở ngại rất lớn trong công tác phòng, chống dịch của Phái bộ gìn giữ giữ hòa bình ở Trung Phi.

Trung tá Liên chia sẻ, ban đầu người dân địa phương ở đây cho rằng, các đại dịch khác như Ebola, sốt rét, dịch tả họ còn phải đối mặt thì dịch COVID-19 này không là gì với họ. Trong khi đó, công tác tuyên truyền của Chính phủ chưa được đẩy mạnh, số bộ kit xét nghiệm không đủ, nên “chúng tôi đều phải “sống chung với lũ” trong sự hoài nghi về dịch bệnh”- chị Liên chia sẻ.

“Hơn nữa chính bản thân tôi là người đầu tiên tiếp đón các nhân viên mới đến Phái bộ nên khó tránh khỏi sự lây nhiễm (nếu như người mới đến mắc COVID-19). Tôi phải tự rèn luyện cho mình về thể lực cũng như ý chí để tránh bệnh dịch cho bản thân và các đồng chí, đồng nghiệp. Có thời điểm tôi đã trở thành F1 nhưng cũng chỉ được cho nghỉ cách ly mà không được xét nghiệm vì Chính phủ không có đủ bộ kit xét nghiệm”, chị Liên nói.

leftcenterrightdel
 Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng các đồng nghiệp tại Phái bộ  MINUSCA

Để đối phó với dịch bệnh, Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng các sĩ quan Việt Nam tại Phái bộ luôn chú ý rèn luyện sức khỏe, quan tâm đến khẩu phần ăn sao cho vừa đủ dinh dưỡng, vừa tiết kiệm. Trong đó, có việc uống thêm nhiều nước, bổ sung thêm nhiều rau xanh do chính các đồng chí tự trồng. Các sĩ quan Việt Nam tại Phái bộ luôn tự động viên nhau, suy nghĩ tích cực và thực hiện các biện pháp vệ sinh khử khuẩn an toàn để hạn chế tối đa việc lây nhiễm trong cộng đồng. Có thời điểm, tại Cộng hòa Trung Phi, 300 trên tổng số 11.000 nhân viên của Liên hợp quốc làm việc tại đây đã dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Chị Liên kể, ngày nào chị cũng theo dõi thời sự về dịch bệnh, đặc biệt là tình hình ở Việt Nam. Chị rất tự hào về những biện pháp quyết liệt của Chính phủ và sự chung tay của mọi người dân (từ những việc nhỏ như đeo khẩu trang, vệ sinh khử khuẩn...) trong việc ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan ở quê nhà. Trong khi đó, việc đeo khẩu trang ở Trung Phi rất bị kì thị. Chị chia sẻ, nếu không đeo khẩu trang mà mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng thì người dân rất thiện cảm và quý mến.  “Nhưng chỉ vì cái khẩu trang mà có khi mình gặp nguy hiểm” – chị nghĩ. Bởi vậy, chị đã nghĩ ra cách là dùng một chiếc khăn khác để che chiếc khẩu trang đang đeo ở bên trong.

Từ thực tế thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch, chị Liên nghĩ rằng chiếc khẩu trang chính là chiếc lá chắn, là chiếc bùa hộ mệnh trong thời kỳ dịch bệnh ở một đất nước xa xôi và còn nhiều thiếu thốn về y tế như thế này. Nghĩ là làm, chị đã đến nhà dân thuê một chiếc máy khâu, sau đó ra chợ mua vải và dây chun. Chị chú ý chọn những miếng vải có họa tiết sặc sỡ để phù hợp với gu thời trang của người dân. Sau giờ làm việc ở Phái bộ, chị Liên lại miệt mài cắt, may khẩu trang.

leftcenterrightdel
Chị Liên thuê máy khâu của người dân, tự đi mua vải và may  tổng cộng 800 chiếc khẩu trang tặng mọi người .

Vì là thợ may “nghiệp dư” nên ban đầu chị chưa may được nhiều, dần dần mỗi ngày số lượng khẩu trang may được cũng tăng lên, cũng là lúc số người mắc virus SARS-CoV-2 ở Trung Phi tăng từng ngày. Đến lúc này, Chính phủ Cộng hòa Trung Phi với sự tư vấn của Phái bộ MINUSCA đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 4/5/2020. Theo đó, tất cả nhân viên Liên hợp quốc cũng phải gương mẫu chấp hành. Và 400 chiếc khẩu trang mà chị Liên may tặng các nhân viên Phái bộ và người dân thực sự là món quà ý nghĩa trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 ở một nước nghèo như Cộng hòa Trung Phi. Cho đến nay, số lượng khẩu trang chị Liên may được và dành tặng cho lực lượng gìn giữ hòa bình cả khối quân sự và dân sự đã tăng lên 800 chiếc. Với nghĩa cử này, chị Liên đã được nhận thư khen từ Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA.

Trong thư khen có câu: “Lòng nhân từ bác ái, tấm lòng hào hiệp và sự nỗ lực của mình cô ấy đã thể hiện được giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc. Cô ấy xứng đáng là Đại sứ tuyệt vời của Việt Nam”.

Những đóng góp tích cực của chị cũng đã được biểu dương tại Hội nghị trực tuyến về vai trò của phụ nữ và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động gìn giữ hòa bình được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26/11/2020 vừa qua. Hội nghị do Bộ Quốc phòng Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức.

Không ngừng phấn đấu để làm gương cho con cái

Trước khi tham gia vào Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi, chị Nguyễn Thị Liên là giảng viên - tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của trường Sĩ quan Đặc công, Binh chủng Đặc công. Là người không chỉ giỏi về chuyên môn, chị còn là một đảng viên gương mẫu, nhiều năm đạt danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 9/2018, trong một lần đi dự hội thảo, chị cùng các nữ giảng viên khác được mời tới thăm trụ sở của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trong buổi nói chuyện, đồng chí Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam bày tỏ sự cần thiết và mong muốn có phụ nữ tham gia vào Phái bộ gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Phi. Buổi nói chuyện đó cũng là cơ duyên đưa chị đến với nhiệm vụ công tác ở Trung Phi.

leftcenterrightdel
 Trung tá Nguyễn Thị Liên giúp người dân trồng các loại rau củ để cải thiện bữa ăn.

Cầm tờ quyết định chuyển công tác, nhận nhiệm vụ ở một đất nước xa xôi, người phụ nữ 46 tuổi mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng cũng không khỏi bối rối và lo lắng. Khó khăn lớn nhất với chị lúc đó là nói về quyết định này với chồng con và bố mẹ hai bên. Rất may, con gái lớn của chị cũng là quân nhân nên chị đã “tận dụng đòn bẩy” này để làm công tác tư tưởng cho gia đình. Bên cạnh đó, quyết định nhận nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi cũng là cách mà chị Liên muốn làm gương cho con cái trong con đường sự nghiệp. “Tôi luôn có suy nghĩ tích cực rằng con gái chọn sự nghiệp nhà binh cũng chính vì nhìn vào gương mẹ. Điều này làm cho tôi không ngừng phấn đấu dù ở hoàn cảnh nào”.

Thời điểm chị lên đường nhận nhiệm vụ cũng là khoảng thời gian cậu con trai thứ hai chuẩn bị thi chuyển cấp vào trường THPT. Các con đã động viên để chị yên tâm công tác. Và cả gia đình chính là hậu phương vững chắc để chị tự tin cho nhiệm vụ mới của mình. Tuy nhiên không lâu sau đó, mẹ đẻ chị lại phát hiện mắc bệnh ung thư. Đó là những ngày tháng thật khó khăn với chị: xa nhà, thương mẹ, nhớ con và những bỡ ngỡ trong công việc ở một nơi hoàn toàn mới. Chị tự nhủ không còn cách nào khác là phải cố gắng hơn để có thể hoàn thành tốt công việc và thu xếp việc nhà, nhờ các anh chị em trong gia đình san sẻ, gánh vác phần việc của mình để chăm lo cho bố mẹ.

leftcenterrightdel
 Chị Liên cùng người dân địa phương bên ruộng ngô xanh mướt - thành quả sau nhiều ngày gieo hạt, chăm bón.

Những tháng đầu mới sang, chị là thành viên nữ duy nhất trong đoàn sỹ quan Việt Nam làm nhiệm vụ ở Trung Phi. Bởi vậy, chị luôn tâm niệm việc giữ gìn hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam, mọi việc làm của mình phải thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ của một dân tộc anh hùng. Đó là trung hậu, đảm đang, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và nỗ lực hết mình để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Chị Liên kể, ấn tượng không thể nào quên của chị khi lần đầu tiên đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi đó là quang cảnh sân bay quốc tế ở thủ đô Bangui sơ sài và lạc hậu, những người dân đen đúa, gầy nhẳng,... Suốt quãng đường từ sân bay về trụ sở Phái bộ, chị Liên bị ám ảnh bởi những khu chợ tiêu điều họp ở bãi đất lầy lội, ruồi muỗi bu đầy ở những xe bán bánh mỳ và khu bán thịt cá… Bởi vậy, chị luôn đau đáu mong muốn được góp phần rất nhỏ bé của mình để cải thiện cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Bởi thế, sau những giờ làm việc, ngoài việc trồng rau để tự cải thiện bữa ăn, chị và các đồng nghiệp Việt Nam đã giúp người dân địa phương trồng các loại rau quả để cải thiện bữa ăn toàn bằng sắn của họ. Đất thì rộng mà người dân thì không có rau ăn. Từ kinh nghiệm của các sỹ quan Việt Nam sang Trung Phi trước, chị đã mang theo rất nhiều loại hạt để có thể gieo trồng. Khi có những vườn rau xanh để ăn rồi, chị nghĩ rằng cần cải thiện bữa ăn của người dân hơn nữa. Chị đã cùng người dân gieo hạt, trồng ngô, đỗ đen, đỗ xanh... Rồi hướng dẫn họ làm giá đỗ, làm bột đậu xanh, bánh sắn nhân đậu… “Cứ như thế, người dân địa phương gọi tôi bằng cái tên “Liên Agri Cô ve” (chắc là “Liên đậu xanh”– chị Liên cười nói)”.

Trên những con đường đất quen thuộc ở Bangui, mỗi khi chị và các sỹ quan Việt Nam đi đến đâu đều nhận được sự chào đón của người dân địa phương. Những niềm vui nhỏ bé và bình dị ấy luôn khiến những quân nhân như chị luôn cảm thấy ấm áp và gần gũi, có thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đất nước cách rất xa quê hương mình.

leftcenterrightdel
 
 

Nhiệm kỳ công tác (1 năm) của Trung tá Nguyễn Thị Liên tại Cộng hòa Trung Phi đã kéo dài thêm 6 tháng vì dịch COVID-19. Theo kế hoạch, chị sẽ trở về Việt Nam vào cuối tháng 12 này. Liên lạc với chị vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ công tác, tôi cảm nhận được những háo hức, mong chờ của chị khi được trở về gia đình, và cả những bồi hồi, lưu luyến với mảnh đất châu Phi nhiều nắng gió…

Chắc hẳn, 1 năm rưỡi ở Cộng hòa Trung Phi sẽ là một trải nghiệm khó quên của Trung tá Nguyễn Thị Liên- nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại quốc gia này./.

 
Thực hiện: Kiều Giang
Ảnh do nhân vật cung cấp
22/12/2020 10:46