leftcenterrightdel
   

(ĐCSVN) - Liên lạc với cô giáo Hà Ánh Phượng vào những ngày đầu năm học mới, tôi cảm nhận được sự bận rộn của một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, với rất nhiều công việc và dự định đang thực hiện, chuẩn bị cho những giờ lên lớp thú vị cùng các em học sinh…

Hành trình của những ước mơ

Với việc trở thành 1 trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 do Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh, cô Hà Ánh Phượng – giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã truyền cảm hứng cho không chỉ những người đang tham gia sự nghiệp “trồng người” mà còn cho thế hệ trẻ với nhiều ước mơ, hoài bão…

leftcenterrightdel
Cô giáo Hà Ánh Phượng sinh năm 1991, tại Yên Lập - một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ 
Giải thưởng 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu được ví như “giải Nobel dành cho giáo dục”. Kể từ khi giải thưởng được bắt đầu đến nay, Việt Nam có 3 đại diện được lọt vào top 50. Trong đó, năm 2020, cô giáo Hà Ánh Phượng là gương mặt xuất sắc của Việt Nam đã giành được giải thưởng này.


Trong thư chúc mừng gửi cô giáo Hà Ánh Phượng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có viết: "Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của cá nhân cô giáo Hà Ánh Phượng, của ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ, mà còn là niềm vui, niềm tự hào của ngành Giáo dục cả nước. Qua đây, cho tôi gửi lời chúc mừng tới cô giáo Hà Ánh Phượng, gửi lời chúc mừng tới thầy và trò Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ”.


Cô giáo Hà Ánh Phượng sinh năm 1991, người dân tộc Mường, bắt đầu công tác trong ngành giáo dục từ năm 2016 sau khi nhận tấm bằng Thạc sỹ loại ưu ở trường Đại học Hà Nội. Trở thành giáo viên là ước mơ từ nhỏ của cô gái sinh ra và lớn lên ở Yên Lập, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Với bề dày thành tích từ khi còn ngồi ghế nhà trường THPT, rồi lên đại học, sau đại học, cho đến khi đi làm, Hà Ánh Phượng luôn khẳng định mình là một cô gái có nhiều năng lượng và luôn phấn đấu, rèn luyện không ngừng. Khi ước mơ đã trở thành hiện thực, cô giáo trẻ bắt tay vào việc làm thế nào để truyền đạt tốt nhất kiến thức cho các em học sinh, khích lệ các em cũng yêu thích và say mê với môn ngoại ngữ.

leftcenterrightdel
Cô giáo người dân tộc Mường luôn ấp ủ mong ước về cơ hội học tập tốt hơn cho các em học sinh ở nông thôn. 

Ánh Phượng chia sẻ: “Em thấy các em nhỏ ở quê mình khá thiệt thòi, không có điều kiện học ngoại ngữ như các bạn ở thành phố, ít được giao lưu, gặp gỡ với người nước ngoài để trau dồi các kỹ năng… Bởi vậy, em luôn ấp ủ mong ước là làm sao để các bạn học sinh ở nông thôn có cơ hội học tập tốt như ở thành phố”.

Nghĩ là làm, trong quá trình giảng dạy, Phượng luôn tìm tòi các phương pháp, sáng kiến giảng dạy để học sinh hứng thú nhất với việc học tập. Trong đó, mô hình “lớp học xuyên biên giới” được coi là sáng kiến nổi bật, khiến các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn nhiều.

Đó là những tiết học trực tuyến kết nối với các lớp học ở nước ngoài. Không chỉ là học ngoại khóa mà mô hình này được áp dụng trong cả học chính khóa để các em học sinh đỡ thấy nhàm chán. Học sinh có môi trường để tương tác, nghe giảng từ các giáo viên nước ngoài,.. Hoặc khi học về các chủ đề như về văn hóa các nước, các em có cơ hội kết nối với chính các bạn học sinh ở nước đó, được tham gia “những chuyến đi ảo”,… khiến các em thích thú, tự tin hơn. Những cô cậu học sinh nhút nhát đã có thể mạnh dạn giới thiệu về những đặc trưng văn hóa của người Mường nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung với thầy cô và bạn bè các nước.

Tuy nhiên, để thiết kế được những bài giảng như vậy khó khăn lớn nhất là sự chênh lệch về múi giờ. Vì giờ Việt Nam chênh khá nhiều so với các nước ở châu Âu, ví dụ ở Việt Nam là ngày thì ở nhiều nước là đêm. Khi muốn kết nối với các thầy cô ở những nước này thì phải lên kế hoạch trước và có sự linh hoạt. Do vậy, để làm được thì việc chuẩn bị của giáo viên tốn nhiều công sức.

leftcenterrightdel
 Một trong số những tiết học "xuyên lục địa" của cô Phượng
“Tốn công tốn sức” là vậy, nhưng cô Hà Ánh Phượng và học trò của mình vẫn không ngừng say mê, sáng tạo. Dự án "Say no to plastic straw" - "Nói không với ống hút nhựa" là một trong những sản phẩm kỳ công của cô và trò sau nhiều ngày nỗ lực. Trong một giờ học kết nối hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục, các em đã tự tin giới thiệu với bạn bè quốc tế về những chiếc ống hút bằng tre và giới thiệu quy trình làm ra sản phẩm ấy.


Nói về dự án này, cô giáo 9X chia sẻ: “Dự án “Nói không với ống hút nhựa” là sự phát triển một bài học về môi trường trong sách giáo khoa. Niềm cảm hứng để làm dự án này xuất phát từ những con số đáng báo động về việc sử dụng ống hút nhựa trên thế giới và ở Việt Nam. Hình ảnh chú rùa ở biển Costa Rica bị ống hút cắm vào mũi làm chảy máu đã gây ấn tượng mạnh với cả cô và trò. Các em đã mày mò để làm ra những chiếc ống hút bằng tre nứa. Nghe thì đơn giản, nhưng không chỉ là cắt ống hút đơn thuần. Các bạn phải vận dụng kiến thức liên môn để làm máy cắt, chọn lựa tre nứa, cách làm sao để ống hút không bị mốc, bị hỏng,..."

Và những nỗ lực của cô trò đã được đền đáp xứng đáng khi Dự án đã đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn Microsoft tổ chức.

Nỗ lực kết nối giáo dục Việt Nam với toàn cầu

Cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết, giải thưởng 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu là một giải thưởng kết hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ đánh giá ở việc giảng dạy. Một điều đặc biệt ở giải thưởng này là cần có sự bỏ phiếu của chính các giáo viên đến từ các nước khác nhau.  Do vậy, bản thân mỗi ứng cử viên cho giải thưởng cần có sự thể hiện tốt về chuyên môn, có tiếng nói và tạo được sự tin tưởng. Trong quá trình sinh hoạt chuyên môn, Hà Ánh Phượng đã nhận được sự ủng hộ của không chỉ giáo viên mà cả những người có vị trí trong ngành giáo dục ở các nước. Bởi vậy, việc đại diện của Việt Nam giành được giải thưởng 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu còn là sự ghi nhận của cộng đồng giáo dục quốc tế đối với giáo dục Việt Nam. Hình ảnh một cô giáo thế hệ 9X, người dân tộc Mường tự tin với những bài giảng xuyên lục địa, những dự án, những sáng kiến trong dạy và học,… đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay trở thành những công dân toàn cầu tự tin, bản lĩnh và trí tuệ.

leftcenterrightdel
 Cô giáo 9X và các học trò trường THPT Hương Cần

Sau khi nhận được giải thưởng vinh dự này, Hà Ánh Phượng có cơ hội giao lưu, kết nối với mạng lưới giáo viên xuất sắc trên khắp toàn cầu, từ đó có thể học hỏi và làm nhiều việc ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục. Cô giáo trẻ 9X chia sẻ, đó cũng là một dấu mốc để cho em có thêm động lực tiếp tục tìm tòi, sáng tạo và thêm yêu nghề hơn. Từ đó có thể góp phần nhỏ bé của mình trong việc kết nối giáo dục Việt Nam với toàn cầu. 

Mặc dù bận rộn gia đình nhỏ và cậu con trai 3 tuổi, nhưng sự ủng hộ rất lớn từ hai bên gia đình đã giúp Ánh Phượng có thể vừa hoàn thành việc giảng dạy trực tuyến trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 và tham gia nhiều công việc khác. Chẳng hạn như việc tham gia và tổ chức một số hội thảo trực tuyến và các buổi hỗ trợ giáo viên trong và ngoài tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đặc biệt, các buổi sinh hoạt chuyên môn tối chủ nhật hàng tuần với các thầy cô giáo Top 50 trên thế giới đã giúp cô giáo trẻ Việt Nam kết nối và chia sẻ nhiều điều với các giáo viên nước ngoài.

leftcenterrightdel
Cô Phượng đang bận rộn với những kế hoạch để nâng cao chất lượng học tập  cho các em học sinh

Có đôi lúc, cô giáo 9X cũng cảm thấy bị “ngợp” bởi  khối lượng công việc khá lớn, khi vừa phải đảm bảo việc dạy học ở trường, vừa tham gia dạy học qua truyền hình, YouTube, hoạt động hội nhóm chuyên môn, viết sách hướng dẫn ôn thi, ra app học trực tuyến môn Tiếng Anh,… Nhưng sự ủng hộ của mọi người và lòng yêu nghề đã giúp cô giáo trẻ làm tốt nhiều công việc cùng lúc. 

"Em vẫn nhớ buổi dạy học qua truyền hình đầu tiên. Đó là lần đầu giảng bài không có học sinh, chỉ một mình đứng đối diện máy quay. Em thật sự không quen và căng thẳng đến mức không thể hoàn thành bài giảng. Sau đó, em phải ngừng lại, để hôm sau quay tiếp. Bây giờ, em khá quen rồi, hiểu rõ cách thức hơn. Nhưng dù sao, giai đoạn bận rộn đó cũng rất đáng nhớ", Ánh Phượng chia sẻ. 

Một năm học mới bắt đầu và cô giáo 9X đang bận rộn với những kế hoạch để nâng cao chất lượng học tập cho các em học sinh tại trường THPT Hương Cần, đặc biệt là các em lớp 12 cô trực tiếp giảng dạy, tiếp tục thiết kế những bài giảng “xuyên lục địa”, dạy những lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ở các nước, và chuẩn bị cho những dự án thú vị cùng học sinh…./.

Cô giáo Hà Ánh Phượng đã từng giành được học bổng Hoa trạng nguyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thủ khoa tốt nghiệp THPT, là một trong 14 sinh viên châu Á năm 2011 đạt học bổng Tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng. Mới đây nhất, cô là giáo viên duy nhất của Việt Nam đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP năm 2020.
 
Kiều Giang
09/09/2020 09:03