Đại sứ Marc E.Knapper:  Như bạn biết đấy, tôi đã ở Việt Nam trong khoảng thời gian năm 2004-2007. Vào thời điểm đó, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước chỉ mới bắt đầu được khoảng hơn 10 năm, sự hợp tác giữa hai nước trong một số lĩnh vực còn khá khiêm tốn. Cho dù đó là thương mại hay an ninh, y tế… các hoạt động hợp tác song phương nhìn chung rất hạn chế. Nhờ sự nỗ lực và thiện chí của người dân ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ, chúng ta đã chứng kiến mối quan hệ hai nước phát triển rực rỡ trong 15 năm sau đó. Chẳng hạn như kim ngạch thương mại đã tăng trưởng 200%, với khoảng 113 tỷ USD vào năm 2022. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Hiện nay, chúng ta thấy còn có một số dự án đầu tư từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, điều mà chỉ vài năm trước đây chưa có được.

Trong lĩnh vực hợp tác y tế, vào năm 2004, Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) được bắt đầu tại Việt Nam. Nhưng giờ đây, không chỉ chương trình PEPFAR cứu sống hàng trăm nghìn người tại Việt Nam, mà lĩnh vực hợp tác y tế của hai nước còn được mở rộng trong những vấn đề như bệnh lao, COVID-19... Trong giai đoạn khó khăn nhất khi Hoa Kỳ đối phó với dịch COVID-19, Việt Nam đã cung cấp cho Hoa Kỳ gần 500.000 bộ trang phục bảo hộ vào mùa xuân và mùa hè năm 2020. Và ngược lại, Hoa Kỳ cũng đã cung cấp hơn 40 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam. Như các bạn đã thấy, trong những lúc khó khăn và cần sự hỗ trợ, cả hai nước chúng ta đã hợp tác chặt chẽ và trở thành những người bạn đáng tin cậy.

Nếu nhìn vào quan hệ hợp tác an ninh giữa hai nước, có thể thấy chính sách cơ bản của Hoa Kỳ là ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, có thể bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Cả hai nước đều tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Và một phần của điều này là góp phần đảm bảo Việt Nam có khả năng bảo vệ lợi ích của mình trên bộ, trên không, trên biển, không gian mạng. Một trong số các hoạt động hợp tác an ninh của chúng tôi là với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường năng lực của Việt Nam để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Đây là điều mà hai nước chúng ta có quan hệ tốt và có chung lợi ích.

Hay như lĩnh vực hợp tác giáo dục, hiện có hơn 30.000 thanh niên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về số du học sinh học tập tại Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, lĩnh vực hợp tác giáo dục cũng được làm sâu sắc hơn nhờ đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh người Mỹ mà chúng tôi có ở Việt Nam, cho dù họ là thành viên của chương trình Trợ giảng tiếng Anh Fulbright ETA hay thành viên của Tổ chức Hòa bình mới bắt đầu hoạt động. Theo nhiều hình thức khác nhau, mối quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước ngày càng sâu sắc và còn phát triển hơn nữa.

Ví dụ cuối cùng mà tôi muốn nói đến là các vấn đề về di sản chiến tranh giữa hai nước chúng ta – đây là lĩnh vực mang tính nền tảng trong mối quan hệ của chúng ta. Công việc của chúng ta về di sản chiến tranh đã bắt đầu ngay cả trước khi bình thường hóa. Và trong hơn 27 năm qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực này, ví dụ như hợp tác giữa hai nước trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và cả tìm kiếm những người Việt Nam mất tích. Chúng ta cũng đang hợp tác trong việc xử lý Dioxin tại một số điểm nóng, bao gồm sân bay Đà Nẵng và bây giờ là sân bay Biên Hòa, gỡ bỏ bom mìn chưa nổ và hỗ trợ người khuyết tật. Có thể nói, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển  mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đại sứ Marc E.Knapper:  Cảm ơn bạn, chúng tôi rất háo hức chờ đến lễ kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước vào năm tới. Đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để kỷ niệm và chúc mừng tất cả những thành công to lớn mà hai nước đã đạt được như tôi vừa đề cập.

Năm 2023 cũng đánh dấu một số ngày kỷ niệm trong quan hệ hợp tác giữa hai nước đó là: lễ kỷ niệm 30 năm Chương trình Fulbright, 25 năm chương trình PEPFAR, 20 năm thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại Việt Nam. Tất cả những hoạt động này cho thấy sự hợp tác mạnh mẽ và là cơ sở để tiếp tục những cam kết lớn hơn nữa trong tương lai giữa hai nước chúng ta.

Không chỉ giáo dục và y tế, tôi kỳ vọng vào năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa hai nước về vấn đề khí hậu và năng lượng. Hai nước chúng ta đang hợp tác để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong bối cảnh Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối với tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam trong việc bảo vệ, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn như gió và mặt trời.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự hợp tác thậm chí còn lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia. Khí hậu và bệnh tật là những thách thức an ninh phi truyền thống, xuyên quốc gia của thời đại chúng ta. Ngoài ra còn có hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật, hợp tác để thúc đẩy lợi ích chung ở Biển Đông hay trên sông Mekong… Đây đều là những lĩnh vực cho thấy sự hợp tác sâu sắc giữa hai nước.

Đại sứ Marc E.Knapper: Chúng tôi thực sự vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Washington vào tháng 5/2022, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN. Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các học giả hàng đầu của Hoa Kỳ... Các hoạt động diễn ra trong một tuần lễ đã bao quát được mối quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, và Thủ tướng có thể chứng kiến được sự quan tâm sâu sắc của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Khi bạn nói về đóng góp của chuyến thăm đối với hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác trong khu vực và thế giới, tôi hy vọng rằng thông qua chuyến thăm này cũng như các chuyến thăm khác, lãnh đạo của Việt Nam hiểu được cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Như tôi đã đề cập trước đó, Hoa Kỳ giữ vững cam kết vì một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Hoa Kỳ cam kết vì sự ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình và ổn định, phát triển của khu vực và thế giới. Tôi nghĩ rằng một trong những thông điệp mạnh mẽ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được nghe ở Hoa Kỳ cũng như chúng tôi đã cố gắng truyền tải, đó là chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam, chúng ta là bạn bè và đối tác của nhau. Chúng tôi muốn tăng cường hợp tác và mong muốn có nhiều cơ hội hơn nữa để thúc đẩy điều này, có thể là thông qua các chuyến thăm hoặc tiếp xúc cấp cao khác.

Đại sứ Marc E.Knapper:  Tôi nghĩ rằng một trong những thay đổi thực sự quan trọng mà cá nhân tôi đã chứng kiến từ trước đến nay là vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Trước đây, vào khoảng thời gian tôi bắt đầu làm việc ở Việt Nam, Việt Nam mới chuẩn bị cho nhiệm kỳ đầu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Nhưng cho đến nay, Việt Nam tham gia lần thứ hai trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đăng cai tổ chức Hội nghị APEC năm 2017. Trong ba cơ hội lớn ở khu vực và toàn cầu để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, Việt Nam đã thành công ngoài mong đợi.

Hiện nay, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đang tham gia các Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Chúng tôi thấy các nhà ngoại giao Việt Nam rất năng động, tích cực trên các diễn đàn cũng như trong tổ chức quốc tế. Những ví dụ này cho thấy Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vai trò và năng lực của mình trong khu vực và trên toàn cầu.

Đại sứ Marc E.Knapper:  Tôi nghĩ một vấn đề mà chúng ta chưa nói đến, nhưng đó sẽ là một cơ hội lớn trong tương lai, đó là IPEF (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương). Chúng tôi rất vui khi Việt Nam vào tháng 5/2022, đã đồng ý trở thành một trong 14 thành viên và đồng ý ký kết cả bốn trụ cột của IPEF.

IPEF là nỗ lực mang tính dấu ấn của Tổng thống Joe Biden nhằm tham gia kinh tế vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và việc Việt Nam tham gia sớm đã góp phần định hình nỗ lực này. Chúng tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong IPEF, bạn sẽ thấy một số vấn đề then chốt trong thời đại của chúng ta hiện nay, không chỉ là thương mại, đầu tư mà còn là kinh tế số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch hoặc nền kinh tế xanh. Những điều này là một phần của IPEF và đối với Việt Nam, đây sẽ là một cơ hội thực sự tuyệt vời để giải quyết một số thách thức lớn mà các bạn đang phải đối mặt.

Một cơ hội nữa là năm 2023 Hoa Kỳ là chủ nhà của APEC. Trong năm sẽ có 5 cuộc họp lớn, trong đó có 4 cuộc họp cấp bộ trưởng và 1 cuộc họp cấp lãnh đạo khác. Vì vậy đây sẽ là cơ hội để các đoàn cấp cao Việt Nam sang Hoa Kỳ gặp gỡ các đối tác và giao lưu, giúp tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư giữa hai nước.

Một cơ hội khác, không chỉ trong năm tới mà còn trong tương lai, là tăng cường đầu tư của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Càng có nhiều hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Hoa Kỳ, chúng ta sẽ càng thấy nhiều cơ hội để tăng cường sự kết nối giữa hai nước: quan hệ giữa người dân với nhau, chuỗi cung ứng hay quan hệ chính trị và ngoại giao cũng được củng cố. Tăng cường hợp tác về kinh tế sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.

Tuy vậy, trong quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng có những thách thức. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những thách thức về chuỗi cung ứng, về kinh tế, lương thực và năng lượng… Những yếu tố này đều có sự ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine. Đó là điều mà tất cả chúng ta sẽ phải giải quyết cùng nhau.

Bên cạnh đó, tôi hi vọng rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 đã ở phía sau chúng ta. Tuy vậy vẫn sẽ có những thách thức từ dịch bệnh khác trong tương lai. Và một lần nữa, điều này cho thấy giá trị của sự hợp tác giữa hai nước chúng ta trong việc vượt qua những thách thức này.

Đại sứ Marc E.Knapper: Sự thay đổi của Việt Nam thật đáng kinh ngạc! Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đã tăng lên rất nhiều. Và quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã trở nên sâu sắc và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Nhưng có một điều không thay đổi, đó là sự nồng hậu và hiếu khách của người dân Việt Nam. Tôi cảm nhận được điều đó ngay khi tôi trở lại đây vào tháng Giêng năm 2022. Bởi vậy, từ đầu tiên mà tôi có thể nói về Việt Nam là hiếu khách. Người Việt Nam thích giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, truyền thống  tuyệt vời của mình, bên cạnh đó là nghệ thuật và các loại hình khác… Chỉ tiếc là thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc đi lại bị hạn chế và người dân Việt Nam chưa có nhiều cơ hội để thể hiện lòng hiếu khách tuyệt vời của mình với bạn bè quốc tế.

Từ thứ hai mà tôi muốn nói về Việt Nam là lạc quan. Một phần vì dân số dưới 40 tuổi ở Việt Nam chiếm số đông, họ luôn mang lại rất nhiều năng lượng để thấy sự lạc quan rằng hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay. Tôi có thể cảm nhận được rằng, đất nước các bạn sẽ có một tương lai tuyệt vời ở phía trước.

Thật khó cho tôi khi phải giới hạn trong ba từ để nói về Việt Nam, nhưng nếu phải chọn từ thứ ba, tôi sẽ nói đó là năng động. Ở đây mọi thứ diễn ra quá nhanh và có rất nhiều năng lượng. Tôi có cảm giác rằng nếu bạn chớp mắt, bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó. Mọi người rất năng động và luôn sẵn sàng để đón nhận những thử thách mới.

 Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper gửi lời chúc mừng tới độc giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp xuân mới 2023.

 

Thực hiện: Kiều Giang
22/01/2023 09:44